Thu nhập khá từ cây sơ ri
Những năm gần đây, việc chuyển đổi diện tích đất ruộng, đất vườn tạp của nhiều hộ nông dân xã Hòa Bình (Chợ Mới) đã đem lại nguồn thu nhập khá cho các nông hộ. Không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ trồng, cây sơ ri còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn qua việc thu hoạch.
Cây sơ ri đem lại nguồn thu nhập khá cho nông dân
Loại cây “hoang dã”
Xuống phà An Hòa, về hướng thị trấn Chợ Mới, chúng tôi đến khu vực trồng nhiều sơ ri ở xã Hòa Bình. Ở đây, cây sơ ri đã bén duyên với bà con nông dân từ cách đây trên dưới 20 năm. Lúc đầu, chỉ có vài hộ trồng để ăn. Dần dần, thấy giá trị kinh tế cao, nhiều hộ bắt đầu cải tạo vườn tạp, phát triển chuyên canh loại cây trồng này.
Anh Nguyễn Văn Út, nông dân ấp An Thuận, xã Hòa Bình cho biết, cây sơ ri dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao. Loại cây này dễ sống, chịu được môi trường khắc nghiệt như khô hạn, ngập úng hay đất nghèo chất dinh dưỡng. Đặc biệt, cây phát triển nhanh, cho trái quanh năm. Nhiều gia đình có thể tận dụng trồng ở trước sân, sau nhà cũng có thu nhập sinh hoạt hàng ngày. “Cây sơ ri không cần phải chăm sóc nhiều. Chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Bình quân mỗi công sơ ri có năng suất từ 500 - 700 kg/vụ. Những lúc trúng mùa, năng suất có thể lên đến 1 tấn/công”.
Anh Út cho biết thêm, cây sơ ri từ lúc trồng đến thu hoạch mất 6 tháng. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng, đặc biệt, cây sơ ri càng lâu năm thì trái càng sai. Để làm được điều này, người trồng sơ ri phải quan tâm đến việc tỉa cành ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch để cây thông thoáng và tiếp nhận đủ ánh sáng.
Khá giả từ cây sơ ri
Hiện nay, cây sơ ri đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế. Nếu so với các loại cây ăn trái khác thì giá trị kinh tế của cây sơ ri không cao bằng, nhưng loại cây này có tuổi thọ cao và cho trái quanh năm, ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc. Sơ ri được thị trường rất ưa chuộng, nên đầu ra luôn ổn định. Ông Huỳnh Phước Lớn (xã Hòa Bình) cho biết: “Trái sơ ri đôi lúc giá rất cao, nhưng cũng có thời điểm giá xuống rất thấp. Tuy nhiên, những năm qua, cây sơ ri đã không phụ công sức của người chăm sóc khi đem lại nguồn thu nhập khá hơn nhiều loại cây trồng khác”.
Hiện tại, đầu ra của sơ ri khá ổn định, thương lái mua với giá 4.000 - 7.000 đồng/kg. Nhiều nông dân nắm bắt được kỹ thuật cho trái nghịch vụ nên bán được giá rất cao, từ 9.000 - 13.000 đồng. Ngoài ra, do cây sơ ri cho thu hoạch quanh năm nên nông dân không ngại tình trạng rớt giá. “Những hộ có diện tích đất canh tác ít cũng có thể kiếm được đồng ra, đồng vô hàng ngày từ việc trồng sơ ri. Nếu so sánh với trồng lúa, trồng sơ ri cho lợi nhuận cao nhưng nhẹ công hơn rất nhiều. Đầu ra của sơ ri cũng khá ổn định. Thị trường tập trung chủ yếu ở TP. Long Xuyên, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) hoặc xuất qua Campuchia”- ông Lớn thông tin.
Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho các nông hộ, cây sơ ri còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn thông qua việc thu hoạch trái. Lao động được thuê theo thời gian hoặc khối lượng trái. Bình quân mỗi ngày, mỗi lao động kiếm được từ vài chục đến trên 100.000 đồng. Qua đó, người lao động có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào chính sách an sinh xã hội của địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình Hữu Phúc cho biết, toàn xã hiện có trên 120 hộ trồng cây sơ ri, với diện tích trên 37ha. Những năm qua, cây sơ ri đã giúp nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình. “Địa phương luôn vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái mang lại lợi nhuận cao, trong đó có cây sơ ri”- ông Phúc thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Kim Mai vẫn gắn bó với vườn mãng cầu hạt lép do chính tay bà nhân lên từ một cây ban đầu.
Những năm gần đây, mô hình trồng sầu riêng và bơ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân ở Gia Lai trở thành triệu phú, tỷ phú.
Mạnh dạn chuyển đổi đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái có múi như: bưởi da xanh ruột hồng, cam sành, cam xoàn