Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng bưởi da xanh
Với 500 cây bưởi da xanh, hàng năm mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình hộ nông dân Trần Văn Yên (Thôn Trung Hậu, xã Ninh Loan - Đức Trọng).
Ông Trần Văn Yên bên vườn bưởi da xanh trĩu quả
Ông Trần Văn Yên (sinh năm 1953) kể, nếu không có lần thất bại lỗ vài tỷ đồng khi gà mắc cúm H5N1 vào năm 2003 thì có lẽ tới bây giờ ông vẫn còn gắn bó với trang trại gà. Sau thất bại đó, ông lại bắt tay vào nuôi bò, rồi lại nếm trải thêm một lần thất bại nữa. Khó khăn như thử lòng người, càng thất bại, ông càng quyết tâm phải đi lên và phải thành công trên chính mảnh đất của mình. Và, năm 2013, trong lúc còn đang loay hoay với bài toán trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao thì ông Yên nhận được lời mời của một người bạn đi thăm các mô hình trồng cây ăn trái tại các tỉnh miền Tây. Sau khi thăm thú các mô hình, vì quá thích với những vườn cây ăn trái trĩu cành của vùng đất này, ông đã quyết định kéo dài lịch trình của chuyến đi, ở lại và đến tận nhà của Giám đốc Viện cây trồng Bến Tre để tìm hiểu thêm về đặc tính của các loại cây trồng. Cũng trong quá trình đi tham quan, học hỏi đó, ông nhận thấy, trồng bưởi da xanh rất có triển vọng nên ông đã đặt mua hơn 500 cây giống bưởi da xanh ở Viện Nghiên cứu cây trồng tỉnh Bến Tre để về trồng thử nghiệm. Chia sẻ về thời gian đầu khi bắt tay vào trồng bưởi da xanh, ông Yên cho biết, ông cũng gặp không ít khó khăn. Và để khắc phục những khó khăn này, một mặt, ông tìm về các tỉnh miền Tây thêm vài lần nữa, học hỏi từ chính những chủ vườn bưởi da xanh tại đây. Mặt khác, ông lại lên mạng tìm tòi, học hỏi, thấy cách làm nào hay, phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Ninh Loan ông lại mày mò áp dụng.
Vừa dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, thỉnh thoảng lại với tay cắt những quả bưởi đã tới lúc thu hoạch, ông Yên hồ hởi nói: “Năm thứ 2 sau khi trồng, gặp thời tiết mưa nhiều, vì chưa biết cách xử lý như thế nào nên nhiều gốc bưởi đã bị úng nước, nguy cơ chết cao. Đến năm thứ 3, rút kinh nghiệm của năm trước, vào đầu mùa mưa, tôi tiến hành đào rãnh thoát nước cho cây, không để tình trạng ngập úng dưới gốc, nhờ đó mà cây bưởi đã phát triển bình thường trở lại và bắt đầu cho thu bói. Đất đã không phụ lòng người, cây bưởi da xanh dần bén duyên và cho trĩu quả. Hiện tại, với 500 cây bưởi da xanh, bình quân mỗi cây cho thu hoạch 40 trái/năm”.
Theo ông Trần Văn Yên, cũng như các loại cây ăn trái khác, trồng bưởi da xanh phải áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn VietGAP để cho ra sản phẩm sạch mới bán được giá cao. Trồng bưởi da xanh quan trọng nhất là đất. Mặt khác, muốn đạt hiệu quả cao khi trồng bưởi da xanh phải tuân thủ theo lịch trình bón phân, chăm sóc. Phải sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, kết hợp bổ sung Ni tơ, phân Lân và Kali để cây tốt, trái đẹp hơn. Và vườn bưởi da xanh của ông Yên cũng được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động khắp vườn nên giảm công lao động, tiết kiệm nước và cung cấp nước cho cây đủ đầy.
Do được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên vườn bưởi của ông cho năng suất cao, da và ruột trái bưởi có màu sắc đẹp, mỗi trái bưởi có khối lượng từ 1,5 kg trở lên, với giá bình quân là hơn 50 ngàn đồng/kg. Mỗi năm vườn bưởi đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông khoảng 250 triệu đồng.
Thị trường chủ yếu của loại quả này là Hà Nội, Sài Gòn và ngay tại Đức Trọng. Đặc biệt, từ lúc cho thu hoạch, lúc nào cũng ở trong tình trạng cung không đủ cầu nên năm đầu 2019, ông Yên quyết định trồng thêm 1.000 cây bưởi da xanh trên diện tích 4ha đất của gia đình. Và hiện, ngoài việc phát triển vườn bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao, ông Trần Văn Yên đang tiến hành trồng xen thêm cây sầu riêng và cây cam trên tổng diện tích 4 ha vườn nhà. Ông cho biết, việc trồng xen các loại cây ăn trái sẽ không ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng của cây bưởi da xanh vì mỗi loại cây trồng đều có khoảng cách nhất định, mà còn làm tăng thu nhập cho gia đình.
Từ hiệu quả mô hình trồng bưởi da xanh của ông Trần Văn Yên cho thấy, việc phát huy tiềm năng cây bưởi da xanh không chỉ làm thay đổi tập quán sản xuất từ độc canh chuyển sang đa dạng cây trồng, mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Tham gia mô hình các hộ nông dân được hỗ trợ 100% giá giống, 50% thức ăn (đường) và 50% giá máy quay mật.
Đó là giống Vịt biển 15 được nuôi tại hộ anh Trương Văn Thơm, thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Theo số liệu thống kê của Hội Nuôi ong Việt Nam, nước ta có hơn 1,5 triệu đàn ong, gồm các giống ong Ý và ong nội, trong đó ong nội là 350.000 đàn