Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng dừa

Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng dừa
Tác giả: Kim Ngọc
Ngày đăng: 11/06/2019

Thời gian qua, nông dân phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An mạnh dạn chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa. Và chỉ cần vài ngàn mét vuông đất, người dân nơi đây có thể thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhờ chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng dừa, nhiều nông dân thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Trong cái nắng gay gắt của tháng 5, chúng tôi có dịp đến tham quan vườn dừa 1,5ha của gia đình ông Trần Văn Chính, ngụ khu phố Nhơn Hậu 2, phường Tân Khánh. Tại đây, chúng tôi ngỡ ngàng trước những cây dừa say trái, đang trong giai đoạn thu hoạch.

Ông Chính tâm sự: “Gia đình tôi sống khỏe nhờ trồng dừa Mã Lai và xiêm đỏ. Bình quân hàng năm, mỗi cây dừa cho thu hoạch ít nhất 150 trái, giá bán dao động từ 5.000-10.000 đồng/trái, tùy thời điểm. Từ đó, gia đình có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm/1,5ha”.

Trước đây, 1,5ha đất này được gia đình ông Chính trồng lúa. Tuy nhiên, vùng đất này thuộc vùng trũng nên việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng rất khó khăn và tốn kém. Hơn hết, việc trồng lúa cho lợi nhuận không cao, mỗi vụ thu hoạch lúa chỉ huề vốn hoặc có lãi rất ít. Do đó, năm 2004, ông Chính cải tạo đất và quyết định trồng thử nghiệm 100 cây dừa giống Mã Lai. Dừa phát triển tốt, phù hợp với vùng đất nên chỉ 2,5 năm là dừa bắt đầu cho trái chiến và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế là, ông Chính quyết định chuyển hoàn toàn đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng dừa Mã Lai và xiêm đỏ.

Lý giải về việc chọn trồng giống dừa Mã Lai và xiêm đỏ, ông Chính cho rằng: Dừa Mã Lai và xiêm đỏ tuy trái nhỏ nhưng nước nhiều và rất ngọt. Đồng thời, 2 loại dừa này trái tròn nhìn rất đẹp mắt, từ đó nhiều người ưa thích. Điều quan trọng là 2 giống dừa này phù hợp với thổ nhưỡng, ít tốn công chăm sóc cũng như chi phí sản xuất.

Theo đó, mỗi năm, người trồng dừa chỉ cần bón phân từ 3-4 lần, gồm hỗn hợp N-P-K, mỗi lần bón liều lượng vừa phải, đồng thời tăng cường hốt bùn dưới ao lên bón cho cây giữ ẩm, cung cấp nước đầy đủ vào mùa nắng, tránh để gốc khô, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng trái.

“Tiếng lành đồn xa” trước hiệu quả của việc trồng dừa và thị trường tiêu thụ rộng lớn, từ đó nhiều nông dân phường Tân Khánh bắt đầu chuyển từ trồng lúa đạt hiệu quả thấp sang trồng dừa. Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Khánh - Lương Văn Vạn cho biết: “Hiện nay, phường có 85 hộ trồng dừa với diện tích gần 60ha. Hầu hết trái dừa được thương lái từ các tỉnh, thành như Tiền Giang, TP.HCM,... đến tận nơi thu mua nhưng không đủ bán, nhất là vào mùa khô. Có thể nói, nhờ trồng dừa mà đời sống người dân được nâng lên rõ rệt về vật chất lẫn tinh thần, góp phần tích cực xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị”.

Ngoài việc trồng dừa bán cho thương lái làm nước giải khát, nhiều nông dân trong phường còn “ăn nên làm ra” nhờ ươm và bán dừa giống. Cụ thể như gia đình ông Võ Anh Tài, ngụ khu phố Nhơn Cầu. Hiện gia đình ông chỉ trồng 150 cây dừa xiêm đỏ trên 4.000m2 đất. Thế nhưng từ 150 cây dừa này, hàng năm, ông cho ra thị trường hàng chục ngàn cây dừa giống. Riêng năm 2018, ông cho ra thị trường gần 10.000 cây dừa giống, giá bán từ 35.000-60.000 đồng/cây.

Ông Tài (giữa) chia sẻ bí quyết ươm dừa giống

Ông Tài bộc bạch: “Ươm dừa giống thì nông dân nào cũng biết. Tuy nhiên, để có được cây dừa giống chất lượng, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm và những bí quyết riêng. Cụ thể, những cây được chọn làm giống phải thuần chủng còn những trái được chọn phải có hình bầu dục. Sau đó, chúng ta cắt một lớp mỏng trên bề mặt trái, tiếp theo đem ủ, rồi thường xuyên tưới nước và phân để kích thích ra đọt. Thông thường, cây giống ươm từ 2-2,5 tháng là có thể bán cho thương lái. Việc trồng dừa ươm giống giúp gia đình tôi có lợi nhuận gấp mấy lần so với việc trồng dừa lấy trái bán cho thương lái”.

Hiệu quả thiết thực từ việc trồng dừa mang lại đã góp phần mở ra hướng đi mới cho người dân phường Tân Khánh nói riêng, Long An nói chung trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, mô hình còn tác động tích cực cũng như định hướng cho những nông dân đang có ý định chuyển đổi cây trồng nhưng còn e ngại.


Có thể bạn quan tâm

Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề ươm cây giống Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề ươm cây giống

Với việc xuất bán cây giống quanh năm mà gia đình chị có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

11/06/2019
Cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi Cách phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình có một số hướng dẫn người chăn nuôi cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp như sau

11/06/2019
Chăn nuôi an toàn sinh học giúp phòng dịch tả lợn châu Phi hiệu quả Chăn nuôi an toàn sinh học giúp phòng dịch tả lợn châu Phi hiệu quả

Khuyến cáo các trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi cũng như các bệnh truyền nhiễm

11/06/2019