Thu nhập cao từ làm rau cần giống
Cần nước là một loại rau ưa nhiệt độ thấp, chỉ phát triển từ cuối thu đến đầu xuân nên việc để giống rau cần cho vụ sau rất khó khăn. Tuy nhiên, với những hộ dân có kinh nghiệm thì làm giống rau cần đang cho họ nguồn thu nhập khá, khoảng 10-12 triệu đồng/sào.Rau cần hiện nay được nhiều bà con lựa chọn đưa vào trồng vì đây là loại rau dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập cao. Trung bình 1 sào rau cần sau khi trừ chi phí cho hiệu quả kinh tế từ 20-25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. ở Ninh Bình, loại rau này được trồng nhiều ở xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) khoảng 60 ha, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) khoảng 30 ha.
Ngoài ra, rau cần còn có ở một số nơi của huyện Gia Viễn, Hoa Lư… Diện tích trồng rau cần trên địa bàn tỉnh không nhỏ, tuy nhiên nguồn giống cung cấp trên thị trường khá hạn chế. Nguyên nhân là do rau cần ưa nhiệt độ thấp, chỉ phát triển vào khoảng thời gian từ cuối thu đến đầu xuân. Việc để giống rau cần cho vụ sau rất khó khăn, phải là người có nhiều kinh nghiệm mới làm được. Ngay tại vùng trồng rau cần lớn nhất cả tỉnh là thôn Liên Trì, xã Yên Hòa cũng chỉ có 4-5 hộ làm rau cần giống.
Ông Đỗ Đình Nghiêm, thôn Liên Trì 2, một người có kinh nghiệm 20 năm làm rau cần giống chia sẻ: Vào cuối tháng 4, khi cây rau cần ở các ao đã già, lá vàng, thân cứng… là lúc phải để giống, còn gọi là để xương. Ao cần để giống phải chọn ao nhiều nước và sạch, thoáng mát, có bóng cây hoặc giàn che nắng.
Cây rau cần cứ để lềnh bềnh mấy tháng như vậy, không chăm bón gì, chỉ lưu ý là khi mưa thì phải tháo nước ra, khi nắng phải bơm thêm nước mát vào, mực nước luôn giữ chừng 30-40 cm. Cây cần không phát triển nhưng vẫn tươi sống. Sang thu, thời tiết mát mẻ, như thời điểm này là lúc nhân giống rau cần ra, chuẩn bị cho ươm lứa rau cần giống đầu tiên.
Chọn những chân ruộng cao, không bị ngập úng, có thể dễ dàng tháo nước khi mưa to… để ươm rau cần giống. Bơm tát đủ nước, cày bừa kỹ như làm đất gieo mạ, bón mỗi sào ruộng từ 3-4 tạ phân chuồng ủ hoai mục, trang gạt cho phẳng, phân luống rộng từ 1,5-2m để tiện chăm bón, làm cỏ và thu hoạch… Sau đó vớt xương cần ở ao lên, cấy đều xuống mặt bùn và luôn giữ độ ẩm thích hợp, cây rau cần sẽ nảy mầm, phát triển.
Lưu ý là cấy rau cần phải sâu, ngập các mắt đốt để mầm cây nảy mạnh và mập. Khi cây rau cần cao 20-30cm là có thể nhổ bán cần giống. Thông thường, 1 sào để giống thì sẽ rải ra được khoảng 125-150 khẩu cần giống (1 khẩu tương đương với 4m2). Với giá bán bình quân 60-100 nghìn đồng /1 khẩu, 4 sào rau cần của gia đình mỗi vụ giống cũng cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng.
Bà Đinh Thị Nguyện, cán bộ khuyến nông xã Yên Hòa cho biết: Trên địa bàn xã, ngoài gia đình nhà ông Nghiêm, còn khoảng 3-4 hộ nữa cũng làm rau cần giống. Việc làm rau cần giống đã giúp các hộ gia đình này có thu nhập tốt, đồng thời góp phần chủ động nguồn giống rau cần trên địa bàn xã và cung cấp giống rau cho một số địa phương lân cận như Thanh Hóa, Nam Định.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2017 đến nay, 26 dự án đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 23,42% tổng số các dự án (37,58% về tổng vốn đăng ký do doanh nghiệp đầu tư)
Mô hình sản xuất lươn giống của chị Phạm Kỳ Kiều Em, ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành là một minh chứng sản xuất để đạt hiệu quả kinh tế cao
Bằng đam mê, chịu khó, gia đình chị Phan Thị Lụa, Ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã “chinh phục” thành công cây sầu riêng.