Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Thu lợi trên 1,2 tỷ đồng/năm từ dịch vụ máy cấy lúa

Thu lợi trên 1,2 tỷ đồng/năm từ dịch vụ máy cấy lúa
Tác giả: Trần Trọng Trung
Ngày đăng: 17/10/2017

Đầu tư trên 3 tỷ đồng trang bị 3 chiếc máy cấy lúa hiệu Yanmar và hệ thống máy gieo lúa giống, máy xay trộn xơ dừa, đất, khay đựng, xe, phà vận chuyển… anh Đỗ Văn Được 49 tuổi ở ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp không chỉ có lợi nhuận bình quân mỗi năm trên 1,2 tỷ đồng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động ở địa phương.

Anh Được bên chiếc máy cấy lúa

Anh Được là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em ở tận xã Giang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Năm 1991, do cuộc sống quá khó khăn, anh cùng với người anh rời quê nhà lên huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp dựng chòi lá trên bờ kênh Đồng Tiến ở ấp B, xã Phú Cường để tìm kế mưu sinh. Thời gian cực khổ nhất là lúc vợ chồng anh Được mới cưới bắt tay cải tạo 3 ha đất ruộng bị nhiễm phèn nặng của ba mẹ vợ chia cho. Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Được cũng đã biến mảnh ruộng từ canh tác 1 vụ lúa năng suất thấp lên canh tác 2 vụ lúa/năm cho năng suất và chất lượng cao. Nhờ chịu đựng cực khổ, tính toán trong làm ăn và biết tiết kiệm… nên đến nay, gia đình anh Được đã sở hữu 87 hecta đất ruộng cùng nhiều tiện nghi, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống… “Năm 2011, tôi có tham quan trình diễn máy cấy hiệu Kubutar ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường, thấy khoái rồi cũng theo, nhưng máy cấy lúa lúc đó chưa thích hợp với nông dân. Tập quán nông dân bây giờ là sạ dày, mình mua máy cấy lúa thưa 3 tấc về thì không làm được. Hơn nữa, lúc đó chưa có chính sách số 68 hỗ trợ nông dân nên chưa mạnh dạn mua. Tới đầu năm 2015, có chính sách đó, hai vợ chồng bàn bạc và quyết định mua máy cấy lúa hiệu Yanmar. Mới đầu chỉ mua một cái và khoảng 1 tháng sau mua thêm 1 chiếc nữa là 2 chiếc, mình đáp ứng không kịp rồi quyết định mua thêm 1 chiếc nữa. Thời điểm đó, một chiếc máy cấy lúa trị giá 460 triệu đồng. Máy cấy lúa đem về phục vụ cho bà con mang lại hiệu quả rất đẹp, hàng cách hàng là 2,5 tấc, còn cấy tới cây cách cây từ 1,4 - 1,6 tấc, cấy lúa dày được, máy điều chỉnh được. Làm ăn hiệu quả, nông dân người ta chịu!”, anh Được chia sẻ.

Hơn 2 năm nay, với 3 chiếc máy cấy lúa cùng máy gieo sạ, mỗi vụ lúa anh Được làm dịch vụ cấy thuê khoảng 300 ha đất ruộng lúa cho bà con nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông. Lợi ích của máy cấy lúa vừa tiết kiệm được thời gian gieo cấy bằng tay truyền thống, vừa giảm lượng giống lúa, giảm giá thành trong sản xuất, giúp lúa cứng cây, ít nhiễm sâu bệnh và nâng cao chất lượng hạt lúa, giá bán lúa cao và tăng lợi nhuận.

Trước khi có mạ để đưa lên máy cấy, anh Được đưa 300 kg xơ dừa khô và 100 kg đất vào máy xay nhuyễn và trộn lẫn vào nhau. Lúa giống đem ngâm ủ 2 ngày đêm cho nứt nanh. Sau đó, đưa lúa giống đã nứt nanh cùng với hỗn hợp xơ dừa khô và đất vào hệ thống dây chuyền máy gieo hạt trên khay rồi ủ thêm 2 ngày đêm nữa. Tiếp đó, đem trải ra sân rộng tưới nước thường xuyên mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều tối. Mười ngày sau, đưa mạ lên máy và đem cấy xuống ruộng. Bình quân cấy 1 hecta lúa phải tốn từ 60 - 80 kg lúa giống. Máy cấy lúa đều hơn cấy tay. Hàng cách hàng 2,5 tấc và cây cách cây từ 1,4 - 1,6 tấc. Trung bình 1 hecta ruộng thuê 1 máy cấy lúa chỉ trong 2 giờ có giá 4,5 triệu đồng. Nếu thuê cấy bằng tay hay sạ lan truyền thống sẽ tốn chi phí trên 5 triệu đồng/ha và phải thuê tới 50 nhân công cấy liên tục từ 2 giờ trở lên... 

Hơn hai năm nay, cơ sở dịch vụ máy cấy lúa thuê của anh út Được đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương có mức thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Nhiều nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông thấy rõ lợi ích đã thuê máy cấy lúa của anh Đỗ Văn Được, nhưng hiện tại chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu một phần diện tích ruộng lúa của nông dân ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), huyện Cái Bè, Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). 

Với hiệu quả khả quan trên, anh Đỗ Văn Được đã được chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp năm 2016; chủ tịch UBND huyện Tam Nông và chủ tịch UBND xã Phú Cường tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2014 - 2016.


Có thể bạn quan tâm

Khá lên nhờ trồng táo Khá lên nhờ trồng táo

Táo rất dễ trồng, cây phát triển nhanh, thích hợp với các loại đất bãi bồi, đất gò, đất giồng, đặc biệt là bờ ranh, bờ kênh. Trồng đúng kỹ thuật

17/10/2017
Trồng hoa atisô đỏ cho thu nhập khá Trồng hoa atisô đỏ cho thu nhập khá

Đầu năm 2016, chị Như bắt đầu trồng thử hơn 30 gốc atisô đỏ giống, khoảng cách cây cách cây từ 1-1,2 mét và hàng cách hàng từ 1-1,5 mét. Atisô đỏ rất dễ trồng

17/10/2017
Khá lên nhờ ươm cây giống Khá lên nhờ ươm cây giống

Bí quyết của nghề ươm cây giống là mỗi loại hạt có cách ươm riêng, mật độ thưa dày cũng khác nhau.

17/10/2017