Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Thu lợi kép từ công nghệ tưới tiên tiến

Thu lợi kép từ công nghệ tưới tiên tiến
Tác giả: Đinh Hùng
Ngày đăng: 09/08/2018

Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư công nghệ tưới béc phun, tưới nhỏ giọt trong trồng trọt. Công nghệ này có nhiều ưu việt, giúp tiết kiệm chi phí, giảm sức lao động và tăng năng suất, chất lượng cây trồng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải, ở ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) đã đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 1,4ha trồng măng cụt và sầu riêng của gia đình.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Bàu Sen, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) trồng 270 cây măng cụt và 30 cây sầu riêng trên diện tích 1,4ha. Trước đây, anh dùng máy bơm công suất 2,5HP tưới trực tiếp vào từng gốc cây. Với cách tưới này, mỗi tháng tưới 1 đợt, kéo dài khoảng 10 ngày, anh phải thuê 10 công lao động; điện năng tiêu thụ cho mỗi đợt tưới 140kWh; tiêu tốn hơn 600m3 nước. Trong 6 tháng mùa nắng, anh Tùng phải chi hơn 20 triệu đồng để tưới cây.

Sau khi tìm hiểu nhiều mô hình tưới tiên tiến, năm 2016, anh Tùng quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới béc phun. Từ ngày áp dụng công nghệ tưới béc phun, việc chăm sóc vườn cây đỡ vất vả hơn nhiều, mỗi ngày anh chỉ cần bỏ ra 1 giờ là tưới xong, không phải thuê thêm lao động. Khi tưới, anh chỉ cần bật máy là nước được đưa đến từng gốc cây và giờ tắt cũng đã cài đặt tự động. “Khi tưới bằng hệ thống này, nước được điều tiết phù hợp, thấm sâu, không gây xói đất, không chảy tràn ra ngoài. Tôi cũng không còn mất cả ngày để bón phân như trước, mà chỉ cần hòa tan phân trong nước được dẫn theo ống tưới, vừa tiện lợi vừa tiết kiệm. Với hệ thống tưới này, sau  1 vụ là tôi có thể lấy lại vốn đầu tư, trong khi thời gian sử dụng được 15 năm”, anh Tùng cho hay.

Tương tự, ông Trương Văn Út (ấp 3, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) có hơn 40ha thanh long, đang trồng xen bưởi da xanh. Với chiếc máy bơm 50HP, mỗi tháng, ông tốn hơn 100 triệu đồng tiền điện tưới cây, chưa kể tiền thuê nhân công. Đầu tháng 3-2018, ông Út quyết định đầu tư gần 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tưới bù áp Asop theo công nghệ Israel. Từ khi áp dụng công nghệ tưới này, chi phí tiền điện đã giảm gần 40%.

Nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho hơn 40ha bưởi của gia đình ông Trương Văn Út (ấp 3, phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ).

Công nghệ tưới tiết kiệm nước không chỉ áp dụng cho các loại cây ăn trái như bưởi, bơ, măng cụt, sầu riêng, thanh long…, mà còn được áp dụng rộng rãi trong sản xuất rau an toàn, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Vinh (ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng, huyện Long Điền). Với diện tích gần 4 sào, mỗi năm, ông Vinh sản xuất gần 60 tấn rau xanh. Sau khi được Hội Nông dân huyện tổ chức tham quan các mô hình tưới theo công nghệ Israel, đầu năm 2015, ông Vinh quyết định đầu tư hơn 30 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới béc phun, xây hồ chứa, gắn cầu dao điện tự động… Từ khi lắp đặt hệ thống này, chỉ cần mình ông chăm sóc vườn rau là đủ. Công nghệ này không chỉ giúp ông tiết kiệm chi phí sản xuất mỗi năm hơn 15 triệu đồng, mà còn nâng cao chất lượng rau (rau không bị rách lá hoặc vàng lá do úng nước).

Theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ tưới Asop (ấp Vĩnh Bình, xã Bình Giã, huyện Châu Đức), đơn vị cung cấp, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho hộ ông Trương Văn Út, hệ thống tưới bù áp Asop có ưu điểm là tưới được nhiều gốc một lần với độ phủ rộng đều, ngăn côn trùng bám vào các đường ống và độ hấp thụ nước của cây cũng cao hơn. Công nghệ tưới này thích hợp để tưới cây ở những vị trí có địa hình không bằng phẳng. Mỗi hệ thống tưới bù áp của Asop có giá từ 25 - 65 triệu đồng/ha (tùy từng loại cây trồng). Ngoài tưới nước, hệ thống có thể bón phân theo đường ống, dễ dàng lắp đặt và sửa chữa. 

Ông Lê Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 1.800ha diện tích trồng hồ tiêu và 1.200ha cây ăn trái đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Mục tiêu đến năm 2020, huyện Châu Đức có 3.000ha hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến. Đối với các loại cây trồng khác, huyện Châu Đức cũng đang tích cực vận động người dân sử dụng công nghệ tưới trên để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. 

Hiện nay, công nghệ tưới tiết kiệm đang ngày càng được nhiều nông dân BR-VT áp dụng, trong đó chủ yếu tập trung cho các loại cây ăn trái như bưởi (TX.Phú Mỹ); thanh long (huyện Xuyên Mộc); sầu riêng, bơ, măng cụt, hồ tiêu (huyện Châu Đức); sản xuất rau an toàn (huyện Long Điền). Ngoài việc tiết kiệm nước tưới, công sức, năng lượng, công nghệ tưới mới này còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật trồng cây mít nghệ cao sản năng suất vượt trội Kỹ thuật trồng cây mít nghệ cao sản năng suất vượt trội

Kỹ thuật trồng cây mít nghệ cao sản sao cho năng suất cao cần phải trang bị kiến thức đầy đủ về cách chăm sóc.

09/08/2018
Cây chè vằng, cà gai leo được chế biến thành sản phẩm trà hòa tan Cây chè vằng, cà gai leo được chế biến thành sản phẩm trà hòa tan

Người dân Quảng Trị đã nghiên cứu, chế biến chè vằng và cà gai leo trở thành trà hòa tan. chia sẵn gói dễ sử dụng.

09/08/2018
Mô hình Mô hình "biến" chất thải chăn nuôi thành… tiền ở Hưng Yên

Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Vẻ ở thị tứ Bô Thời, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) thường xuyên duy trì 2.000 con lợn thịt

09/08/2018
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.