Thôn Quả phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Bên cạnh lợi ích về kinh tế thì chăn nuôi gia súc, gia cầm còn có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không xử lý chất thải tốt. Để khắc phục tình trạng này, người dân thôn Quả, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã chọn giải pháp xây hầm khí biogas để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Trong ảnh: Chuồng trại của gia đình anh Thức đã không còn gây ô nhiễm môi trường từ khi sử dụng hầm khí biogas.
Xác định chăn nuôi lợn là hướng đi chính trong phát triển kinh tế, gia đình anh Nguyễn Viết Thức, thôn Quả, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên đã mạnh dạn mở rộng quy mô lên 100 con lợn/lứa. Lợi ích từ chăn nuôi mang lại không nhỏ nhưng môi trường sống của gia đình và các hộ xung quanh cũng bị ảnh hưởng bởi chất thải của vật nuôi.
Gần đây, qua nghiên cứu tài liệu và được cán bộ chuyên môn tư vấn, anh Thức đã xây dựng hầm khí biogas dung tích 26m3. Từ khi đưa vào sử dụng, mùi hôi từ chuồng trại đã không còn nữa, gia đình anh Thức còn tiết kiệm được chi phí chất đốt từ nguồn khí biogas.
Tìm hiểu ở thôn Quả được biết, ngoài các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, toàn thôn có tới 30 hộ chăn nuôi quy mô lớn từ 100 con/lứa trở lên. Theo ông Nguyễn Văn Đãi, trưởng thôn Quả, những năm trước đây ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề nghiêm trọng ở thôn. Bởi chất thải chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống mà còn gây ô nhiễm nguồn nước, đất, làm phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng cộng đồng.
Nhân thức được điều này, cùng với việc tuyên truyền, vận động, thôn đã tổ chức cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn đi tham quan thực tế những mô hình sử dụng hầm khí biogas hiệu quả để người dân làm theo. Thấy được lợi ích từ việc làm này, hiện nay không chỉ các hộ chăn nuôi quy mô lớn mà các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng xây dựng hầm khí biogas.
Theo ông Đàm Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Sơn, người dân bây giờ đã thay đổi tư duy về chăn nuôi. Luôn chú trọng phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Chuồng trại chăn nuôi đều được xây tường cao bao quanh, che chắn bạt, 100% các hộ đều xây dựng hầm khí biogas để xử lý chất thải. Cùng đó, Hội Nông dân xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bảo đảm kỹ thuật, vận động người dân sử dụng các chế phẩm sinh học để khử mùi và tăng hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi. Trong quá trình đầu tư đường giao thông nông thôn, địa phương đã chú trọng xây dựng hệ thống thoát nước thải ngầm có hố ga và nắp đậy bảo đảm cảnh quan, môi trường đường làng ngõ xóm.
Thôn Quả hôm nay đã có nhiều thay đổi. Nhà cao tầng mọc san sát, đường bê tông phong quang, sạch đẹp. Toàn thôn có hơn 30 hộ có thu nhập hơn 300 triệu đồng/ năm. Đạt được những kết quả đó có sự góp phần không nhỏ từ phát triển chăn nuôi, đặc biệt gắn với bảo vệ môi trường qua việc sử dụng hầm khí biogas. Mô hình này đã khẳng định là một giải pháp hữu hiệu trong việc giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, không khí, góp phần đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, nâng cao sức khỏe người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nhà vườn ở đồng bằng sông Cửu Long đang “nặn” ra hàng nghìn trái cây “độc”, lạ và hứa hẹn sẽ khuấy động thị trường Tết Đinh Dậu 2017 trong thời gian tới.
Huyện Mường La (Sơn La), đã chủ động thực hiện phương án “đối ứng” với khoản hỗ trợ bò giống cho bà con nông dân
Thời gian gần đây, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn tăng cao. Vì vậy, ngày càng nhiều nông dân có mong muốn được học nghề để sản xuất thực phẩm an toàn