Thời tiết kỳ quá, cây không đậu được quả!
Thời gian đầu năm, chính là lúc thời tiết thuận để người dân trồng cây ăn trái Cần Thơ xử lý cho một số loại cây ra hoa. Tuy nhiên...
Trong ảnh: Mưa trái mùa không chỉ làm hạn chế cây dâu đậu trái mà còn làm lép trái
Tuy nhiên, thời tiết thất thường đã tác động tiêu cực đến vấn đề phát triển của cây. Theo người dân địa phương, đa phần diện tích cây ăn trái của họ đều bị ảnh hưởng.
Gia đình ông Hồ Thanh Hùng (ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền) có 8 công đất trồng dâu. Vào đầu mùa xuân, cũng là lúc thuận lợi nhất để gia đình ông xử lý cây ra hoa thì gặp mưa trái mùa. Những gốc dâu tươi tốt mới chớm ra nụ đã bị nước mưa xối vào, làm hư hại nặng.
“Đợt đầu, tôi mới cắt nước, chưa tới thời gian tưới lại để kích thích cây ra hoa thì mưa đã đổ xuống, cây không thể cho hoa. Đợt sau, hoa mới ra lác đác, đụng mấy trận mưa trái mùa, thối hết trơn. Lượng hoa còn lại chỉ có thể kết trái khoảng 50%. Tuy nhiên, những trái dâu đậu được cũng không thể phát triển bình thường. Lượng trái bị lép, không có hạt rất nhiều”, ông Hùng nói.
Ở cánh đó không xa, gia đình ông Nguyễn Văn Sáu cũng chung cảnh khổ. Gia đình ông chỉ có 1 công đất vườn, trồng được khoảng 40 gốc dâu và 15 gốc vú sữa. Khoảng hai tháng nữa cây dâu đã có thể cho thu hoạch nhưng gia đình ông Sáu chẳng thể vui được.
Theo ông, năm nay lượng hoa ra không thua kém năm rồi. Nhưng thời tiết kỳ quá, thối nụ hết trơn, không đậu được quả. Chùm dâu dài tới mấy gang tay mà chỉ có một vài trái đậu.
“Năm trước chú vào đây nhìn mê liền, chỉ cần 4 chùm dâu thôi là được 1 ký rồi. Năm nay, chắc 40 chùm mới được 1 ký”, ông Sáu lắc đầu nói.
Năng suất dâu dự đoán sẽ giảm
Không chỉ diện tích đất trồng dâu của gia đình ông Sáu bị ảnh hưởng, mà số cây vú sữa ít ỏi cũng bị giảm năng suất. Năm 2016, gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng từ vú sữa. Năm nay, tưởng như mọi năm, ông xử lý cho vú sữa ra hoa trước tết, giá cả cũng khá, dự tính ăn đậm. Ai ngờ, gặp thời tiết thất thường, axít, sương muối tàn phá những cánh hoa, năng suất giảm mạnh, ước thu chỉ được bằng khoảng 60 - 70% năm rồi.
Ông Đỗ Văn Sinh, Trưởng ấp Nhơn Bình cho biết: Diện tích cây ăn trái của ấp khoảng 200ha. Trong đó, cây dâu chiếm đa số với khoảng 70%. Theo ông Sinh, năm nay nếu bà con nào xử lý cây ra hoa không gặp trời mưa thì bình thường, năng suất còn có thể cao hơn năm rồi. Còn đa số bà con trên địa bàn đều gặp khó khăn do mưa trái mùa làm hư hại nụ và rụng hoa. Gần 5 công đất trồng dâu của gia đình ông chung cảnh ngộ.
Đặc biệt, 50 gốc cóc ông trồng xen trong vườn, cho nguồn thu hơn chục triệu mỗi năm cũng gặp khó. “Đừng nói những loại cây khác, ngay như cây cóc là loại dễ trồng, dễ ăn nhất năm nay cũng bị ảnh hưởng thấy rõ. Đến nay, cây cóc gia đình tôi chưa cho thu hoạch nhưng lượng trái đậu chỉ bằng 1/3 năm rồi”, ông Trưởng ấp chia sẻ.
Cây ăn trái chính là thế mạnh của nông nghiệp huyện Phong Điền với diện tích hơn 6.500ha. Trong đó, cây dâu chiếm diện tích lớn nhất với khoảng 1.000ha. Theo đánh giá của ông Nguyễn Út Em, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện, thời tiết thất thường thời gian vừa qua (mưa trái mùa) đã làm ảnh hưởng tới nhiều loại cây ăn trái trên địa bàn, với diện tích hơn 1.000ha. Trong đó, cây dâu bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thời gian người dân xử lý cho loại cây này ra hoa, rơi ngay vào lúc mưa trái mùa xảy ra nhiều.
“Đối với một số loại cây như dâu Hạ Châu, vú sữa... hiện nay vẫn có thể tiếp tục xử lý cho ra hoa được. Để tránh giảm năng suất, ảnh hưởng tới kinh tế nông hộ, chúng tôi khuyến khích người dân chủ động tiếp tục xử lý để cây tiếp tục ra hoa. Tuy nhiên, người dân cũng cần thường xuyên theo dõi thời tiết, nhằm hạn chế đến mức nhỏ nhất tránh những tác động tiêu cực của thời tiết như thời gian vừa qua”, ông Nguyễn Út Em khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm
Ngày nay, Đông Sơn cũng là một huyện có trình độ thâm canh nông nghiệp vào loại khá của tỉnh Thanh Hóa.
Bệnh được gọi dưới nhiều tên khác nhau tùy thuộc bộ phận bị hại và theo vùng miền như: Bệnh thối rễ, nứt thân, nứt quả, xì mủ, chảy nhự
Trang trại của ông Bùi Đức Luận ở khu 6, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được coi là quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện.