Thoát nghèo nhờ nuôi tôm càng xanh xen lúa
Nhờ kiên trì theo đuổi, ông Thường đã làm giàu với mô hình nuôi tôm càng xanh ẢNH: PHƯƠNG NAM
Vừa làm công tác tại địa phương, vừa kiên trì theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa, ông Nguyễn Văn Thường được Hội Nông dân tỉnh tặng danh hiệu nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền.
Nông dân sản xuất giỏi
Ông Nguyễn Văn Thường, Phó chủ tịch HĐND xã Mỹ An (H.Thạnh Phú, Bến Tre), cho biết xã Mỹ An là xã nghèo nhất tỉnh Bến Tre với trên 25% dân số là hộ nghèo. Đây cũng là một trong những xã bãi ngang cuối nguồn sông Cửu Long, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Điều này khiến ông luôn trăn trở tìm mô hình kinh tế phù hợp để thoát nghèo bền vững.
Năm 2009, trong khi phong trào nuôi tôm biển thâm canh ở Mỹ An bùng phát, nhiều gia đình trở nên giàu có thì ông Thường vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh. Theo ông, hầu hết những hộ nuôi tôm biển thâm canh chưa có điều kiện đầu tư tốt về kỹ thuật và cách xử lý môi trường nuôi nên về lâu dài sẽ đối mặt với rủi ro thua lỗ. “Cả xã có hơn 3.000 hộ sống bằng nghề nuôi thủy sản. Nếu các hộ nuôi tôm thâm canh cứ xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng sông rạch như hiện nay thì môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại đến những hộ xung quanh”, ông Thường chia sẻ.
Hiện gia đình ông Thường có 1,6 ha diện tích mặt nước nuôi tôm tại ấp Thạnh Mỹ. Việc thả giống được ông tính kỹ theo thời gian và độ mặn của nước trong năm. Cứ 6 tháng đầu năm, khi độ mặn của nước trên 4‰, ông chuyên canh tôm càng xanh toàn đực. Đến những tháng cuối năm, độ mặn nước thấp hơn thì ông thả tiếp vụ tôm càng xanh mới kết hợp trồng thêm lúa mùa. “Thường thì tôm càng xanh phải nuôi 6 tháng mới thu hoạch, còn tôi chỉ cần khoảng 5 tháng vì tôm có nguồn thức ăn dồi dào từ rạ phân hủy”, ông Thường chia sẻ. Nhờ trồng lúa xen với nuôi tôm nên lúa của ông Thường được cấp chứng nhận nhãn hiệu lúa sạch, giá bán ra cao hơn các loại lúa khác trên thị trường. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 500 triệu đồng từ mô hình này.
Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Mỹ An, cho biết: “Điều kiện tự nhiên ở 2 ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Hưng phù hợp với tôm càng xanh nhưng nhiều bà con ở đây vì lợi nhuận đã chạy theo con tôm biển thâm canh. Riêng ông Thường nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Từ thành công của ông Thường, một số bà con đã nhận ra vấn đề và trở về với mô hình này theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp”.
Một cán bộ xã được lòng dân
Được tín nhiệm bầu làm Phó chủ tịch HĐND xã, nhiệm vụ chính của ông Thường là trực tiếp tổ chức các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, thực hiện công tác giám sát, bảo vệ quyền lợi cho công đoàn viên lao động… Ngoài ra, ông còn tham gia hỗ trợ hoạt động cho 2 tổ nhân dân tự quản theo chủ trương của tỉnh. Mỗi tháng ông xuống địa phương triển khai các nội dung sinh hoạt, phổ biến kiến thức cho bà con.
“Các buổi họp tổ có ông Thường tham gia bà con thường đi đông đủ, nội dung được phổ biến sinh động, hiệu quả hơn. Đặc biệt, ông thường xuyên phổ biến tài liệu kỹ thuật chăm sóc con tôm cho bà con áp dụng”, ông Nguyễn Văn Rái, Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản ở An Bường, nói.
Ông Trần Văn Tây, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ An, cho biết: “Khi xã Mỹ An mới thành lập, tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Ông Thường đã kiên trì theo đuổi mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa, đến nay đã có của ăn của để. Điều đáng quý là sau khi thành công, được bầu làm Phó chủ tịch HĐND xã, bên cạnh nhiệm vụ chính quyền giao, ông còn chia sẻ kiến thức nuôi tôm với bà con để cùng nhau thoát nghèo”.
Có thể bạn quan tâm
Với 40 lồng cá các loại, mỗi năm, trang trại nuôi trồng thủy sản tại lòng hồ thủy điện của gia đình chị Linh, anh Đức xuất bán khoảng 100 tấn cá thương phẩm
Trong quý I, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam
Tận dụng lợi thế địa phương kết hợp tìm tòi về đặc tính của từng loại cá, nông dân nhiều nơi đã phát triển thành công các mô hình nuôi cá sạch