Thịt, sữa ngoại giá rẻ tràn ngập, nông dân hết đường sống?

Sữa, thịt bò, thịt lợn bị tác động mạnh
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tác động đáng kể tới ngành chăn nuôi Việt Nam, theo một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế Quốc Dân công bố.
Theo đó, sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là đối với ngành thịt. Người tiêu dùng/nhà nhập khẩu sẽ được lợi, trong khi phần lớn người sản xuất/xuất khẩu bị thiệt hại do không cạnh tranh được với mặt hàng “ngoại”.
TS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Kinh tế trưởng của VEPR, cho biết, nhập khẩu dự báo sẽ tăng mạnh ở thịt gia cầm và lợn, sản phẩm sữa. Việt Nam tăng lượng thịt gia cầm và lợn nhập từ Mỹ, giảm thịt bò trâu, đại gia súc nhập từ Ấn Độ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ nhập khẩu một số thịt gia cầm từ Canada.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, cho rằng, khi gia nhập TPP, các nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh, đặc biệt là về chăn nuôi gia súc lớn như Mỹ, Úc có thể làm thay đổi cấu trúc thị trường trong toàn khối TPP, trong đó có Việt Nam.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang yếu thế khi gia nhập TPP
Cụ thể, các mặt hàng sữa, thịt bò, thịt lợn sẽ bị cạnh tranh nặng nề do nước ta không có lợi thế chăn nuôi gia súc lớn. Ngành gia cầm cũng bị ảnh hưởng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Theo ông Thành, doanh nghiệp trong những ngành sản xuất này sẽ chịu ảnh hưởng lớn và tương đối đột ngột. Tuy nhiên, các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ mới chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi TPP được ký kết, bởi họ vẫn còn rất mơ hồ và thiếu kiến thức về vấn đề này.
Đơn cử như chuyện doanh nghiệp sữa trong nước vừa sử dụng sữa nguyên liệu nhập ngoại, vừa sử dụng nguồn sữa tươi của nông dân. Gần đây, khi giá sữa tươi thế giới giảm mạnh thì doanh nghiệp sẽ bở rơi nông dân để quay sang nhập khẩu sữa bột với giá thấp hơn nhiều. Sữa vẫn làm ra nhưng giá - hoặc sẽ giảm mạnh, hoặc phải đổ đi vì không ký được hợp đồng với doanh nghiệp nữa, ông Thành nói.
Chính sách đang “nhấn chìm” ngành chăn nuôi
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam yếu kém chính là do cơ chế chính sách. Chỉ khi những vướng mắc, bất cập này được tháo gỡ thì chăn nuôi trong nước mới đủ sức đương đầu trước “sóng lớn”.
TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, đưa ra ví dụ, nếu nhập khẩu các bộ phận của con gà về thì chịu thuế 20%, nhưng gà để nguyên con lại là 40%. Các doanh nghiệp giờ đang lách bằng cách chỉ cắt đầu gà để bên cạnh để được hưởng thuế suất 20%.
Bên cạnh đó, mỗi năm lại có thêm nhiều sản phẩm gà nhập lậu chưa kiểm soát hết được. Đó là mối nguy lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, cần đầu tư gỡ khó trong chính sách mới có thể gúp ngành chăn nuôi vững vàng hội nhập. Trong đó, quan trọng nhất chính là cơ chế tín dụng phải thay đổi, như lãi suất thấp hơn, phù hợp với chu trình và tính thời vụ để giúp doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm.
Đồng quan điểm, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, cũng chất vấn, "Thái Lan xuất khẩu được 4 tỷ USD tiền gà công nghiệp, tại sao ta chưa làm được? Lãi suất thương mại không nước nào giống Việt Nam (11%/năm), còn lãi suất ưu đãi 7% thì phải doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được vay. Trong khi đó, ở Trung Quốc lãi suất là 5%, Thái Lan 3%, Mỹ 0,5%,...
Thế nên, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi”, ông Lịch dẫn chứng.
Có thể bạn quan tâm

Ninh Thuận có khí hậu khắc nghiệt nhất nước, nắng nóng quanh năm, song lại là điều kiện thuận lợi để con dê, cừu phát triển. Nhờ vật nuôi này nhiều hộ thoát nghèo và trở thành tỷ phú.

Sau khi thôi giữ chức Phó chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Thọ Sơn (Bù Đăng - Bình Phước), ông Võ Xuân Cung thấy mình không kham nổi công việc chăm sóc 10 ha điều vì sức khỏe. Ông suy tính mãi vẫn không ra việc làm phù hợp với tuổi già và có thêm thu nhập giúp vợ con. Mải mê suy nghĩ, ông Cung bước tới cho mấy con bồ câu Pháp đang ăn và tiếng gù gì của chim bồ câu mà gia đình nuôi làm cảnh đã mở ra cho ông một cách làm giàu. Ông Võ Xuân Cung, chủ trang trại nuôi chim bồ câu Pháp ở thôn Sơn Phú, xã Phú Sơn (Bù Đăng) bộc bạch về cơ duyên làm giàu của mình.

Dạo tháng ba khi đi viết bài về vùng rừng thông giáp ranh giữa Quảng Bình và Quảng Trị, xe chúng tôi đã phải chạy mỏi... bánh trên vùng đất này. Trong bát ngát bao la của đất, rừng chúng tôi đã nói về những lợi thế để phát triển chăn nuôi ở đây. Và một ngày cuối thu, giữa hai cơn bão chúng tôi lại về vùng đất phía nam tỉnh, tất nhiên không phải để nói lại về rừng thông mà là chuyện những đàn bò...

Sau thời gian dài bị tuột dốc, cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này ở An Giang, giá heo hơi quay về mức 45.000 đ/kg, có lúc từ 47.000 đến 50.000đ/kg và dự đoán khả năng sẽ còn tăng thêm. Đây là sự kích thích người chăn nuôi tiếp tục đầu tư, phục hồi đàn heo, chăm sóc quyết liệt giai đoạn cuối năm và chuẩn bị cho Tết sắp tới.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã chi ra 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để mua 115.300 tấn sữa với mức giá bình quân 13.600 đồng/lít và chiếm 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của đàn bò cả nước.