Thị trường tôm thương phẩm kiểu nào người nuôi cũng... thiệt
Luộc tôm để đánh giá... chất lượng
Thương lái về mua tôm thương phẩm tại các hồ nuôi ở xã Đức Minh (Mộ Đức) sau gần một giờ chài lên, thả xuống, những con tôm sống to bằng ngón chân cái cũng bị đem vào... luộc. Bà Tòng Thị Hương là người chuyên mua bán tôm ở vùng này nói: "Tôm đem luộc chín mới có thể biết được chất lượng cao hay thấp. Con tôm khỏe hay bệnh cũng đều phát hiện được".
Bà Hương đem nửa cân tôm đi luộc. Vớt tôm, bà lắc đầu bảo rằng, tôm này đang trong thời kỳ ủ bệnh, không thể "bắt sống" mà phải mua theo giá "tôm đá". Bà Hương giải thích: "Bắt sống" là để bảo quản tôm còn sống xuất sang Trung Quốc, còn "tôm đá" là ướp đá bán vào các nhà máy, xí nghiệp chế biến.
Giá tôm bà Hương đưa ra cho các chủ hồ nuôi ở Đức Minh là 105 nghìn đồng/kg (nếu tôm đạt chất lượng xuất sang Trung Quốc). Tôm mua cung cấp cho các nhà máy thì giá chỉ 90 nghìn đồng/kg, tức là chênh nhau đến 15 nghìn đồng/kg.
Bà Hương cho các chủ hồ biết, tôm nuôi vùng này chỉ đạt tiêu chuẩn bán cho nhà máy. Rồi bà đưa ra hàng loạt "căn cứ", dựa trên những con tôm đã luộc, đem so sánh với tôm hình mẫu trong ảnh. "Tôm xuất khẩu sang Trung Quốc phải chắc, vỏ tươi... Tôm ở đây không đạt yêu cầu này. Thậm chí, tôm trong tình trạng bị dịch bệnh nên chỉ đạt giá 90 nghìn đồng/kg", bà Hương nói. Tuy nhiên, theo các chủ hồ thì, kể từ khi thả nuôi đến lúc đạt trọng lượng thu hoạch, tôm không hề bị bệnh gì.
Khóc ròng với giá tôm
Ông Nguyễn Minh Vương, chủ 4 hồ tôm ở Đức Minh, bức xúc nói: "Đấy chỉ là cái cớ để mua được tôm giá rẻ. Nhưng xót nhất cho người nuôi là ngoài bán cho thương lái thì chẳng biết bán cho ai. Kiểu nào người nuôi cũng chịu thiệt".
Ông Vương cho biết: "Giá thành sản xuất một ký tôm hiện tại dao động từ 70 nghìn đồng - 80 nghìn đồng. Nếu bán được giá "tôm sống" thì kiếm được khoảng 25 nghìn - 35 nghìn đồng/kg, còn nếu thương lái quy về "tôm đá" thì chỉ còn lãi 10 nghìn - 20 nghìn đồng/kg".
Vớt hồ lớn nhất, ông Vương thu được 4 tấn tôm. Xuất bán giá "tôm đá", mỗi tấn tôm ông Vương bị "mất" 15 triệu, tính ra 4 tấn là 60 triệu đồng. Một vụ tôm thường kéo dài 2 - 3 tháng. Nếu may mắn thì mới vớt được con tôm sống bán cho thương lái, còn không thì vớt tôm chết bán làm thức ăn cho cá, ốc nuôi.
Nhưng việc bán tôm cũng không phải dễ dàng, thương lái tìm mọi cách ép giá. Có nhiều chủ hồ vào giai đoạn thu hoạch, nguồn đầu tư cạn kiệt, không đủ để duy trì, chờ giá tôm cao hơn mới xuất bán, đành phải chấp nhận bán tháo.
Nhiều thương lái cho biết, giá tôm năm nay thấp hơn năm trước do thị trường xuất khẩu khắt khe và tiêu thụ trong nước chậm. Bà Tòng Thị Hương bảo: "Ở Đức Minh không có hồ tôm nào đạt giá 105 nghìn đồng/kg đâu. May ra thì "mua tỉa" được một số ít, còn lại đều phải xếp vào dạng "tôm đá" giá thấp". "Kiểu gì người nuôi cũng không chứng minh được con tôm của mình đạt ở chất lượng nào với người mua. Người mua bảo sao nghe vậy...", chủ hồ tôm Nguyễn Văn Bảy cho biết.
Nuôi tôm bây giờ có bao cái khó đang bao vây, vì tất cả các khâu từ con giống, quy trình kỹ thuật, thức ăn cho đến thị trường giá tôm... vẫn bị thả nổi. Dù chủ hồ tôm nỗ lực chăm sóc, đến ngày thu hoạch, vớt tôm lên bán vẫn chưa hết... rủi ro!
Có thể bạn quan tâm
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao kết quả các mô hình nuôi thành công vừa qua và đề nghị Sở NN-PTNT Sóc Trăng cần tổng kết 3 vấn đề lớn trong nuôi tôm...
Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, có hiện tượng bất thường khi thương lái thu mua loại cá “quá lứa” xuất sang Trung Quốc ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau gần 3 tháng nuôi và chăm sóc, hiện nay bà con huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang bước vào thu hoạch tôm vụ 1, năng suất đạt 3,5 tấn/ha.