Trang chủ / Thống kê / Thống kê nông sản

Thị trường hàng nông sản thế giới năm 2019: Giá dầu cọ tăng mạnh nhất

Thị trường hàng nông sản thế giới năm 2019: Giá dầu cọ tăng mạnh nhất
Tác giả: Thu Hải - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 08/01/2020

Năm 2019, giá dầu ăn đứng đầu trong số những hàng hóa thuộc nhóm nông sản có giá tăng do lượng hạt ép dầu giảm sút bởi dịch tả lợn Châu Phi. Giá cà phê arabica, dầu đậu tương, đường, lúa mì... cũng có xu hướng tăng...

Giá dầu thực vật tăng

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm trở lại trong ngày cuối cùng của năm 2019, do hoạt động bán ra chốt lời song có năm tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ, bởi dự kiến sản lượng giảm và tiêu thụ tại các nước sản xuất hàng đầu Indonesia và Malaysia tăng.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn Bursa Malaysia kết thúc năm 2019 ở mức 3.046 ringgit (744,93 USD)/tấn; tính chung trong cả năm 2019 giá dầu cọ tăng 44%, với mức giá trung bình trong năm 2019 đạt 2.560 ringgit/tấn- cao nhất kể từ năm 2009.

Theo dữ liệu chính thức công bố ngày 10/12 của Chính phủ Malaysia, dự trữ dầu cọ của nước này đã giảm 4,1%, xuống còn 2,3 triệu tấn trong tháng 11/2019, mức thấp nhất trong ba tháng qua, giữa bối cảnh sản lượng yếu kém tạo sức ép lên hoạt động xuất khẩu.

Hiệp hội Dầu cọ Malaysia và Hiệp hội các nhà máy Dầu cọ Bán đảo miền Nam nước này lần lượt dự báo sản lượng dầu cọ tháng 12/2019 giảm 16% và 27% so với tháng 11/2019, giảm mạnh hơn so với dự kiến. Trong khi đó, tiêu thụ dầu cọ nội địa tại Malaysia và Indonesia dự kiến sẽ tăng khi cả hai nước đều yêu cầu thành phần dầu cọ trong chương trình dầu sinh học 2020 tăng cao.

Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong tháng 12/2019 giảm 4,9%-6,7%, các nhà khảo sát hàng hóa Intertek Testing Services và Amspec Malaysia cho biết. Mặc dù xuất khẩu dầu cọ của Malaysia sang các thị trường chủ lực đều giảm trong thời gian qua, song lượng dầu cọ nước này xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 11 lại tăng 23,5% so với tháng trước đó, đạt 340.230 tấn, chủ yếu do hoạt động mua vào được đẩy mạnh trước thềm Tết nguyên đán, trong khi quan hệ thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc được cải thiện. Malaysia đã ký một bản ghi nhớ với Phòng Thương mại xuất nhập khẩu thực phẩm, sản phẩm tự nhiên và phụ phẩm vật nuôi Trung Quốc nhằm tăng lượng xuất khẩu dầu cọ thêm 1,9 triệu tấn sang Trung Quốc trong giai đoạn 2019-2023. Nhà sản xuất dầu cọ lớn thứ hai thế giới này cũng "bắt tay' với Sở giao dịch hàng hóa Bột Hải (Trung Quốc) về việc cam kết cung cấp cho Trung Quốc khoảng 1,5 triệu tấn dầu cọ trong năm 2020.

Giới phân tích vẫn lạc quan về triển vọng giá dầu cọ trong năm 2020 do sản lượng dầu cọ của hai nước sản xuất lớn nhất thế giới là Malaysia và Indonesia có thể bị hạn chế do thời tiết khô hạn trên toàn Đông Nam Á.

Báo cáo ngày 11/12/2019 của hãng nghiên cứu thị trường MIDF Research cho hay, nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng từ các nước nhập khẩu dầu cọ chủ chốt như Trung Quốc vẫn giúp giá mặt hàng này tiếp tục tăng trong năm tới. Hãng này dự báo giá dầu cọ thô sẽ lần lượt đạt mức 2.450 và 2.600 ringgit/tấn vào năm 2020 và 2021. MIDF Research dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới, với các thỏa thuận thương mại gần đây giữa hai nước.

Đối với dầu đậu tương, Trung Quốc thường nhập khẩu đậu tương về ép lấy khô dầu để chăn nuôi, khi đó dầu đậu tương là sản phẩm phụ của khô dầu. Nhu cầu thức ăn chăn nuôi giảm kéo theo sản lượng dầu đậu tương cũng giảm và đẩy giá dầu đậu tương tăng thêm gần 1/5 trong năm 2019. Dầu cọ - sản phẩm cạnh tranh với dầu đậu tương – trên sàn Đại Liên và dầu hạt cải trên sàn Trịnh Châu cũng tăng tương tự.

Dự báo Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu đậu tương trong năm 2020 vì đàn lợn được khôi phục dần. Do đó, nguồn cung dầu đậu tương cũng sẽ tăng lên, gây áp lực lên giá dầu ăn.

Giá thịt lợn tăng mạnh

Giá thịt lợn trên toàn cầu năm 2019 tăng do dịch tả lợn Châu Phi.

Tại Mỹ, giá trên sàn Chicago tăng 7,9% trong năm 2019, theo đó hợp đồng lợn nạc kỳ hạn tháng 2/2020 kết thúc năm ở 71,425 US cent/lb. Nguyên nhân giá tăng bởi kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Xuất khẩu thịt lợn Mỹ sang Trung Quốc đại lục và Hongkong trong 10 tháng đầu năm 2019 tăng 55% về khối lượng và 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Ở Trung Quốc, giá thịt lợn năm 2019 biến động rất mạnh: giá lợn hơi duy trì ở mức thấp 12 - 14 CNY/kg trong 3 tháng đầu năm 2019, bắt đầu từ tháng 4/2019 liên tục tăng mạnh, lên mức kỷ lục vào tuần cuối tháng 10/2019 đạt 54 CNY/kg (tương đương 177.000 đ/kg, gấp 1,4 lần so với tháng 9/2019 và gấp 4,4 lần so với hồi đầu năm 2019) do dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, từ tháng 11/2019 giá bắt đầu giảm và kết thúc năm 2019 ở mức 34- 35 CNY/kg, giảm 36% so với mức kỷ lục hồi cuối tháng 10/2019 nhưng vẫn tăng rất mạnh gấp 2,8 lần so với đầu năm 2019. Dịch tả lợn đã khiến 40% đàn lợn của nước này bị chết.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã giết chết 100 triệu con lợn ở Trung Quốc. Tình trạng này khiến giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng gấp đôi từ đầu năm 2019. Bắc Kinh đã có nhiều chính sách để cải thiện nguồn cung như hỗ trợ nông dân tái đàn, xả kho đông lạnh dự trữ, nhập khẩu... Trung Quốc cũng vừa tuyên bố giảm thuế cho thịt lợn đông lạnh để bù đắp nguồn cung thiếu hụt.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thịt lợn tháng 11 tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2018, lên gần 230.000 tấn. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2016 khi thị trường tiêu thụ lợn nhiều nhất thế giới đối mặt với cơn khủng hoảng nguồn cung.

Mức nhập khẩu tháng 11 cũng tăng 30% so với mức gần 180.000 tấn hồi tháng 10. 11 tháng năm 2019, Trung Quốc nhập hơn 1,7 triệu tấn thịt lợn, tăng 58% so với năm trước. Ngoài thịt lợn, Trung Quốc cũng nhập khẩu gần 78.000 tấn thịt gà và 1,47 triệu tấn thịt bò, tăng lần lượt 71% và 57,3% so với năm 2018.

Rabobank dự báo năm 2020 và 2021 Trung Quốc sẽ tái đàn qui mô nhỏ và nhập khẩu qui mô lớn trước khi sản lượng lợn tăng cho tới năm 2025, thời điểm thị trường cân bằng trở lại và giá ổn định. Theo ngân hàng này, kể cả tới năm 2025, tổng đàn lợn của Trung Quốc cũng chưa thể đạt mức của năm 2018.

Giá bông giảm năm thứ 2 liên tiếp

Giá bông năm 2019 giảm do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm giảm tiêu thụ bông trên toàn cầu (bởi Mỹ và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu và tiêu thụ bông hàng đầu thế giới.

Trên sàn New York, bông kỳ hạn giao sau 3 tháng kết thúc năm 2019 ở mức giá 69,05 US cent/lb, giảm 4,4% so với cuối năm 2018.

Giá bông trên sàn Trịnh Châu cũng giảm mạnh trong năm 2019 do cuộc chiến thương mại khiến nhu cầu sản phẩm dệt cũng giảm theo. Tuy nhiên, năm 2020 mặt hàng này có thể được hưởng lợi bởi cuộc chiến thương mại dịu lại.

Giá ngũ cốc hầu hết tăng

Giá lúa mì, ngô và đậu tương tại Mỹ có năm tăng sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung "giai đoạn 1", thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hỗ trợ giá tăng.

Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2020 kết thúc năm 2019 ở mức giá 9,55-1/2 USD/bushel, cao nhất 18 tháng. Tính chung cả năm giá đậu tương tăng 6,8%. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn kết thúc năm ở mức 5,58-3/4 USD/bushel, thấp hơn mức cao đỉnh điểm 16 tháng (5,64-1/2 USD/bushel) trong phiên trước đó; tính chung cả năm 2019, giá lúa mì tăng 11% và là năm tăng thứ 3 liên tiếp do nguồn cung bị sụt giảm ở bán cầu Nam, nhất là Australia – nơi đã bị hạn hán suốt 3 năm nay. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2020 giảm 1/2 US cent xuống 3,87-3/4 USD/bushel. Tính chung cả năm 2019, giá ngô tăng 3,4%.

Trong năm 2020, thị trường ngũ cốc dự báo sẽ chịu tác động từ một số yếu tố như: nguồn cung của Brazil, nhu cầu ở Trung Quốc…

Giá hạt tiêu dự báo sẽ tiếp tục giảm

Giá hạt tiêu trên thị trường Malaysia đã giảm năm thứ 4 liên tiếp và có thể vẫn chưa chạm đáy. Cụ thể, giá tiêu trắng Kuching loại 1 kết thúc năm 2019 ở mức 12.720 ringgit/tấn, trong khi tiêu đen là 6.700 ringgit/tấn. So với cuối năm 2018 thì giá tiêu trắng đã mất khoảng 35%, trong khi tiêu đen mất khoảng 28%. Sản lượng hạt tiêu Malaysia năm 2019 ước khoảng 17.000 – 18.000 tấn, thấp hơn mức 20.000 tấn của những năm trước.

Đáng chú ý, giá tiêu Malaysia không ngừng giảm trong khi giá tiêu của một số nước như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ… hồi phục nhẹ trong thời gian gần đây. Mặc dù vậy, giá vẫn chưa bằng mức của cuối năm 2018.

Tại Ấn Độ, giá tiêu đen kết thúc năm 2019 ở mức khoảng 330 - 350 rupee/kg. Tuy nhiên, vào tháng 10/2019, giá đã xuống dưới 300 rupee/kg, mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ do nguồn cung dư thừa trên thị trường toàn cầu và lượng nhập khẩu vào Ấn Độ tăng. Giá hạt tiêu Ấn Độ gần đây liên tiếp duy trì cao nhất thế giới, cao gần gấp đôi so với tiêu Việt Nam, Brazil và Indonesia, và cao hơn khoảng 20% so với tiêu Malaysia. Mấy năm qua, hàng năm nước này chỉ sản xuất được 50.000 – 60.000 tấn tiêu.

Nguồn cung hạt tiêu toàn cầu năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục dư thừa bởi sản lượng khoảng 600.000 tấn trong khi tiêu thụ chỉ 450.000 tấn. Do đó, giá dự báo sẽ còn chịu áp lực giảm thêm nữa.

Giá sữa tăng mạnh

Giá sữa trên thị trường thế giới năm 2019 tăng khá mạnh do sản lượng ở Bắc Âu và Australia giảm trong khi nhu cầu tại Trung Quốc tăng.

Tại Châu Đại Dương, giá sữa bột tách kem trung bình năm 2019 tăng 31,99% so với năm 2018, lên 2.632 USD/tấn; kết thúc năm 2019, giá loại sữa này ở mức 3.088 USD/tấn. Sữa bột nguyên kem giá bình quân năm 2019 là 3.140 USD/tấn, tăng 4,82% so với năm 2018; loại này kết thúc năm 2019 ở mức 3.375 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 8/2015. Trong khi đó tại Châu Âu, giá sữa bột nguyên kem trung bình năm 2019 là 2.940 EUR/tấn, tăng 7,3% so với năm 2018; kết thúc năm loại này ở mức 3.042 EUR/tấn – cao nhất kể từ tháng 4/2016.

Giá cà phê arabica tăng khoảng 30% trong năm 2019, trong khi cao su tại Tokyo tăng thêm gần 1/5, còn đường thô tăng hơn 10%.

Giá đường tăng 

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE kế thúc năm 2019 ở mức 13,43 US cent/lb. Tính chung cả năm, giá đường thô tăng 11,6% - năm tăng đầu tiên sau 2 năm giảm liên tiếp. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn London kết thúc năm 2019 ở mức 359,2 USD/tấn và trong cả năm 2019 cũng tăng 8%.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố báo cáo về thương mại và thị trường thế giới vào 21-11. Theo đó, dự báo sản lượng đường toàn cầu sẽ giảm 6 triệu tấn từ tháng 10/2019 so với niên vụ trước, về mức 174 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020. Mức giảm này chủ yếu là do sản lượng đường và diện tích trồng mía từ Ấn Độ. Quốc gia này có thể chứng kiến sản lượng đường giảm đến 5 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020, rơi về mức 29,3 triệu tấn vì năng suất và diện tích trồng mía đều giảm.

Mức tiêu thụ đường toàn cầu lại tiếp tục tăng trong năm 2020 chủ yếu vì nhu cầu tăng lên mức kỷ lục ở Ấn Độ, ước tính sẽ đạt mức kỷ lục 28,5 triệu tấn trong niên vụ mới. Xuất khẩu đường của thế giới sẽ không tăng so với năm ngoái và các kho dự trữ đường của các nước được dự sẽ giảm 5%, về mức 50 triệu tấn. Dù vậy, theo USDA, xuất khẩu đường của Ấn Độ sẽ đạt 5 triệu tấn trong năm 2020 do nước này đang nắm giữ lượng đường tồn kho cao mức ở kỷ lục 14,5 triệu tấn.

Cũng theo USDA, sản lượng đường của Mỹ sẽ giảm 4% về mức 7,8 triệu tấn trong niên vụ mới vì điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến năng suất của củ cải đường suy giảm. Năm tới, Mỹ có thể nhập khẩu 2,9 triệu tấn đường, tăng nhẹ so với niên vụ này. Sản lượng đường tại Brazil được dự báo giảm nhẹ về mức 29,4 triệu tấn vì phần lớn sản lượng mía được chuyển sang để sản xuất cồn sinh học ethanol. Trong khi đó, chỉ khoảng 35% sản lượng mía phục vụ cho sản xuất đường. USDA nhận định xuất khẩu đường của Brazil sẽ giảm 1 triệu tấn so với năm ngoái, rơi về con số 18,6 triệu tấn, thấp nhất trong 12 năm qua.

Sản lượng đường của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng nhẹ lên mức 17,9 triệu tấn trong niên vụ mới nhưng do mức tiêu thụ cao hơn nguồn cung nên EU sẽ nhập khẩu ròng đường khoảng 0,5 triệu tấn. Sản lượng đường của Thái Lan được dự báo giảm 1 triệu tấn, về mức 13,5 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng đường cùa Trung Quốc sẽ tăng nhẹ lên mức mức 10,9 triệu tấn nhờ diện tích trồng mía và củ cải đường được mở rộng.

Một báo cáo gần đây của ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo thị trường thế giới trong niên vụ 2019/2020 sẽ thiếu hụt 5,2 triệu tấn, mức cao nhất trong 4 năm qua. Do vậy, báo cáo nhận định giá đường thô tương lai trên sàn giao dịch ICE sẽ tăng ổn định lên mức 14 US cent/lb vào quí 4/2020.

Luca Meierhofer, một lãnh đạo tại tập đoàn kinh doanh nông sản Louis Dreyfus (Hà Lan) dự báo thị trường đường sẽ thiếu hụt đến 6,7 triệu tấn trong niên vụ mới do sản lượng suy giảm đáng kể ở bắc bán cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng lượng đường tồn kho lớn ở Ấn Độ, Thái Lan và Brazil cũng như nhu cầu tiêu thụ đường trên toàn cầu tăng chậm sẽ hạn chế tác động của mức thiếu hụt này lên giá đường tương lai. Do đó, Luca dự đoán giá đường tương lai sẽ dao động trong khoảng 11-14 US cent/lb trong năm tới. Với mức giá vẫn chưa tăng nhiều, các nước sản xuất đường sẽ không sốt sắng gia tăng sản lượng trong tình hình này.

Giá cà phê diễn biến trái chiều

Giá cà phê Arabica vừa trải qua năm tăng mạnh do các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Giá cà phê Arabica trên sàn New York kết thúc năm 2019 ở mức 1,297 USD/lb; tính chung cả năm 2019, giá robusta tăng 27% sau khi giảm trong 2 năm liên tiếp 2017 và 2018. Giá cà phê robusta trên sàn London kết thúc phiên cuối năm 2019 ở mức 1.382 USD/tấn, tuy nhiên, tính chung cả năm giảm 9,4% - năm giảm thứ 3 liên tiếp.

Brazil, quốc gia cung cấp cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt hướng tới những quốc gia đối thủ trong đó có Việt Nam. Theo Bloomberg, trong tháng 11, khối lượng cà phê hòa tan xuất khẩu của Brazil sang Đông Nam Á cao hơn 4,4% so với cùng kì năm 2018.

Vụ mùa cà phê robusta tại Brazil bội thu cùng với đồng real mất giá đã tạo lợi thế về chi phí xuất khẩu trong năm 2019. Cụ thể, đầu năm ngoái, chi phí nguyên liệu thô sản xuất cà phê hòa tan của Brazil thấp hơn 5% so với Việt Nam. Sau đó, mức chênh lệch này được nâng lên khoảng 15%.

Giá tôm giảm

Giá tôm sau khi sụt giảm liên tục từ mức 480.000 đ/kg (đối với tôm sú loại 40 con/kg) hồi đầu năm 2019 xuống mức thấp kỷ lục 385.000 đ/kg cuối tháng 7/2019, tức giảm khoảng 20%, thì bắt đầu từ giữa tháng 8/2019 đến cuối năm 2019 tăng trở lại, hiện đạt 450.000 đ/kg, cao hơn 9 - 10% so với tháng 10/2019 và tăng 16 - 17% so với cuối tháng 7/2019; tuy nhiên so với hồi đầu năm thì vẫn giảm 6 - 7%; Cụ thể, hiện giá tôm sú loại 30 con/kg dao động 460.000 - 480.000 đ/kg; loại 40 con/kg từ 445.000 - 450.000 đ/kg; tôm thẻ loại 80 - 100 con/kg giá 140.000 - 150.000 đ/kg.

Nguyên nhân giá tôm giảm mạnh trong 7 tháng đầu năm là do: Đối với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador... tiếp tục được mùa tôm, chi phí sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào đã ảnh hưởng đến giá tôm trong nước; trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.

Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, nguồn cung hạn hẹp, do từ nhiều tháng trước nông dân thua lỗ nên ngừng thả nuôi, trong khi các doanh nghiệp chế biến đang đẩy mạnh thu mua chuẩn bị hàng phục vụ dịp lễ, Tết cuối năm khiến nhu cầu tăng cao, các thị trường Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU tăng cường nhập khẩu, đẩy giá tăng cao.

Sản lượng tôm toàn cầu năm 2019 ước tính tăng 5% so với 2018, đạt 3,4 triệu tấn, do sản lượng tăng ở Ấn Độ, Việt Nam và các nước Trung và Nam Mỹ.

Hiện nay sản lượng tôm nuôi ở các nước xuất khẩu cũng giảm mạnh do hết vụ thu hoạch. Bên cạnh đó, Trung Quốc mới ra lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với tôm của 5 công ty của Ecuador do lo ngại về vấn đề virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, điều này tại cơ hội cho tôm Việt Nam.

Về năm 2020, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết nhu cầu tôm trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức cao trong khi việc đánh bắt tôm tự nhiên ngày càng trở nên khó khăn hơn. FAO cho rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, EU và Trung Quốc, vẫn tin tưởng vào chất lượng tôm Thái Lan.

Sản lượng tôm Thái Lan dự báo sẽ tăng lên 350.000 tấn vào năm 2020, tức là cao hơn 20% so với năm 2018 (khi sản lượng đạt 290.000 tấn, trị giá 60 tỷ baht). Đó là thông báo mới đây từ Chủ tịch Hiệp hội Tôm nước này, ông Somsak Paneetatyasai. Trên cơ sở đó, xuất khẩu tôm nước này dự báo sẽ tăng lên 192.000 tấn so với 160.000 tấn của năm 2019 (nhưng giảm 5% so với năm 2018). Ông Somsak tin tưởng trị giá tôm Thái Lan xuất khẩu trong năm 2020 sẽ tăng 20% so với mức 50 – 55 tỷ baht của năm 2019 (trị giá tôm xuất khẩu năm 2019 giảm 11% so với 2018 do đồng baht mạnh lên so với USD và dịch bệnh ở tôm nuôi).

Suốt 2 năm qua, người chăn nuôi tôm ở Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh ở tôm và chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ khiến giá mặt hàng này sụt giảm. Đồng baht tăng giá càng khiến cho xuất khẩu tôm của Thái Lan khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong tương lai, sản lượng tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới và vượt mốc 5 triệu tấn vào 2020 (tăng 5%). Cụ thể, năm 2021, sản lượng tôm toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng 5% và có thể đạt gần 5,3 triệu tấn. Trong đó, Đông Nam Á dự kiến vượt 1,8 triệu tấn; Trung Quốc có thể đạt 1,5 triệu tấn; châu Mỹ ước đạt 1,2 triệu tấn; Ấn Độ dự kiến vẫn ổn định ở dưới mức 600.000 tấn… Riêng với Việt Nam, GOAL dự báo rằng sẽ đạt 800 ngàn tấn vào 2021. Với một số nước Đông Nam Á khác, sản lượng dự báo đến 2021 như sau: Indonesia 400 ngàn tấn, Thái Lan gần 300 ngàn tấn…


Có thể bạn quan tâm

Lúa gạo Châu Á: Giá vững nhưng nhu cầu yếu Lúa gạo Châu Á: Giá vững nhưng nhu cầu yếu

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tuần này tăng do đồng rupee mạnh lên và giá lúa nội địa tăng, trong khi giao dịch ở Việt Nam và Thái Lan kém sôi động và đang mùa Lễ

06/01/2020
Xuất khẩu cà phê của Honduras giảm 4% trong tháng 12/2019 do sản lượng giảm Xuất khẩu cà phê của Honduras giảm 4% trong tháng 12/2019 do sản lượng giảm

Viện cà phê quốc gia IHCAFE cho biết xuất khẩu cà phê của Honduras giảm 4,1% trong tháng 12/2019 so với cùng tháng một năm trước, một phần do sản lượng giảm.

07/01/2020
Thị trường cà phê tuần 53: Thiếu vắng sức mua, giá tiếp tục giảm sâu Thị trường cà phê tuần 53: Thiếu vắng sức mua, giá tiếp tục giảm sâu

Tính chung cả tuần, giá trong nước giảm 200 – 300 đồng chốt ở 31.800 – 32.600 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, các mức giảm đáng kể, khối lượng giao dịch

07/01/2020