Thị trường cá tra: Miếng bánh hấp dẫn?
Cá tra Việt Nam từng chiếm vị thế độc tôn trên thị trường toàn cầu suốt một thời gian dài. Nhưng giờ đây, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và một số nước Nam Mỹ cũng đang đẩy mạnh nuôi cá tra khiến cuộc cạnh tranh có thể gay gắt hơn.
Nuôi cá tra tại Indonesia - Ảnh: ST
Nhiều đối thủ tiềm ẩn
Cá tra xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào năm 1995 với nguồn cá giống mua về từ Thái Lan qua Bangladesh. Ngành nuôi cá tra quy mô lớn bắt đầu hình thành tại các bang ở West Bengal và Andhra Pradesh. Các kỹ sư tại West Bengal đã học hỏi công nghệ sản xuất cá giống và để tự chủ nguồn cung trong khi một số ít nông dân vẫn nhập cá tra giống từ Bangladesh.
Ngành nuôi cá tra tại Ấn Độ đang lớn mạnh dần theo năm tháng và trở thành một trong những nghề NTTS phổ biến tại nhiều bang. Theo dự đoán của các chuyên gia từ Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thủy sản năm 2016, sản lượng cá tra của Ấn Độ khoảng 400.000 - 425.000 tấn/năm và tăng 8% lên 630.000 tấn vào năm 2020, trong khi sản lượng cá tra của Indonesia tăng 16% lên 562.000 tấn trong cùng khoảng thời gian.
Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh xúc tiến nuôi cá tra lồng trong hồ chứa nước và một số dòng sông cách đây vài năm. Tới năm 2016, Cơ quan Phát triển nghề cá quốc gia Ấn Độ xuất bản sách hướng dẫn nuôi cá tra lồng để phổ biến rộng rãi cho các hộ nuôi. Chính phủ Ấn Độ, thông qua “Cuộc cách mạnh xanh” đã gây quỹ và hỗ trợ nhiều dự án nuôi cá tra lồng, mở đầu tại bang Maharashtra.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng dọn đường cho cá tra, trước tiên để phục vụ nội địa; nhưng do gặp một số khó khăn về thức ăn và con giống, đến nay, sản lượng cá tra Trung Quốc chỉ dao động 25.000 - 40.000 tấn. Nhưng do sản lượng và lợi nhuận cao hơn cá rô phi, nên nhiều nông dân Trung Quốc đã đổ xô nuôi cá tra. Người nuôi cá rô phi có thể thu hoạch 1.500 - 2.500 kg/mẫu trong mỗi vụ nuôi trong khi sản lượng thu hoạch cá tra có thể đạt gần 5.000 kg/mẫu (1 mẫu = 666,6 m2). Hơn nữa, nông dân có thể thu được 5.000 - 10.000 CNY/mẫu (745 - 1.490 USD) nếu nuôi cá tra; trong khi nuôi cá rô phi chỉ kiếm được 1.500 - 3.000 CNY/mẫu. Chi phí sản xuất 2 loại cá này tương đương nhau, khoảng 3,50 CNY/kg.
Tại Indonesia, Chính phủ cũng lưu tâm dến các chương trình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá tra, tôm và cá rô phi; đồng thời tích cực quảng bá cá tra tại thị trường quốc tế. Điển hình, tại sự kiện triển lãm Seafex 2018 ở Dubai, Hajj 2018, hay Umrah ở Jeddah, Indonesia đã ra mắt thương hiệu “Indonesia Pangasius” - The Bettert Choice nhằm tận dụng lợi thể cửa ngõ thương mại trong khu vực Trung Đông để mở đường cho cá tra. Sản lượng cá tra của Indonesia năm 2018 đã tăng 22,2% lên 391.151 tấn so năm 2017. Mới đây, eFishery tại Indonesia đã đưa giải pháp IoT và nền tảng dữ liệu cho các doanh nghiệp nuôi tôm và cá tại quốc gia này, chuyển đổi eFishery từ một công nghệ cho ăn thông minh sang một nền tảng NTTS thông minh. Dự án này nhằm mục tiêu tăng hiệu quả sản xuất cho 1.000 hộ nuôi thủy sản tại West Java qua nâng cao kiến thức về các tác động dịch bệnh lên tăng trưởng trung bình, tiêu thụ thức ăn, hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ chết và cỡ thương phẩm; đồng thời nâng cao năng lực phán đoán tình hình trại nuôi cho các hộ nông dân.
Ai sẽ làm chủ thị trường?
Hiện nay, Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới. Giá trị xuất khẩu cá tra đã đạt mức cao nhất chưa từng thấy ở mức 2,26 tỷ USD vào năm 2018, tăng 26,5% so năm 2017. Tuy vậy, cá tra của Indonesia đã nhăm nhe thị trường Trung Đông, hay fillet cá tra Myanmar đã xuất hiện trên nhiều kệ hàng đông lạnh tại các siêu thị lớn ở Trung Quốc từ tháng 8/2018. Ngoài ra, một số quốc gia châu Á khác cũng bắt đầu rầm rộ nuôi cá tra. Điều này khẳng định, cá tra Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với sự cạnh tranh với các quốc gia khác là điều không thể tránh khỏi trong vòng 5 năm sắp tới.
Rất nhiều quốc gia đối mặt thuế chống bán phá giá tại Mỹ và Ấn Độ cũng không ngoại lệ, với mặt hàng tôm xuất khẩu, cũng như cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Do rào cản thuế chống bán phá giá và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ cá thịt trắng khác, nhiều công ty phải tìm thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm và dẫn đến sự đa dạng hóa thị trường. Ngay tại Ấn Độ, các hãng kinh doanh thủy hải sản đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt với cá tra nội địa như vùng Punjab, Haryana, Delhi, Chattisgarh (bắc Ấn Độ) và nhiều nơi khác. Một số doanh nghiệp tư nhân Ấn Độ đã nỗ lực chế biến fillet cá tra để xuất khẩu, nhưng tới nay hầu hết nỗ lực xuất khẩu cá tra của Ấn Độ đều thất bại do màu thịt cá vẫn vàng nhạt không bắt mắt nên không thu hút được người tiêu dùng tại thị trường quốc tế. Ngoài ra, cá tra cũng phải cạnh tranh gay gắt với các loại cá thịt trắng khác như cá chép để mở rộng diện tích nuôi tại nội địa.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 529 triệu USD cá tra từ Việt Nam, do khí hậu của Việt Nam thuận lợi hơn, kỹ thuật nuôi và cơ sở hạ tầng tốt hơn cùng nguồn cá giống dồi dào. Hiện, giá cá tra giống tại Trung Quốc vẫn cao, trong khi tỷ lệ sống lại thấp; nhiều nông dân vẫn còn sử dụng thức ăn cho cá rô phi để nuôi cá tra hoặc dùng thức ăn tự chế khiến 95% cá thu hoạch có thịt màu vàng nên cửa xuất ngoại của cá tra Trung Quốc còn xa vời. Ngoài ra, với sản lượng cao nhất hiện nay 40.000 tấn/năm, cá tra Trung Quốc thậm chí chưa đủ đáp ứng thị trường nội địa - vốn cũng đang “khát” cá tra.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn không ngừng nghiên cứu sản xuất giống cá, thức ăn chất lượng cao để cải thiện màu fillet. Hay, Ấn Độ không ngừng nuôi tham vọng xây dựng ngành cá tra xuất khẩu theo công thức và chiến lược tương tự như đã làm đối với ngành TTCT 10 năm trước đây. Nguy cơ bị giành giật thị trường là có thể xảy ra với cá tra Việt Nam nếu không thay đổi chiến lược cạnh tranh ngay từ bây giờ.
Theo các chuyên gia, hướng đi chính vẫn là sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, bởi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản ngày càng đưa ra nhiều tiêu chí hơn để lựa chọn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Có thể miếng bánh thị trường sẽ thuộc về nhà sản xuất chú trọng tới chất lượng cao, sản phẩm sạch từ gốc đến ngọn.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 4 tháng nhử cá mùa nước nổi vào ao nuôi, vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông đã thu hoạch đợt đầu được gần 3 tấn cá
Các loại bột đạm và chất béo/dầu từ vật nuôi trên cạn, cũng như thành phần thực vật đã được đánh giá là nguồn đạm/chất béo tiềm năng trong khẩu phần ăn
Người nuôi cần thận trọng, quản lý ao chặt chẽ và đưa tôm về cỡ mong muốn với năng suất cao nhất.