Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thị trường cá rô phi điêu đứng vì đại dịch COVID-19

Thị trường cá rô phi điêu đứng vì đại dịch COVID-19
Tác giả: Vũ Đức - Tổng hợp
Ngày đăng: 23/11/2020

Nhờ sức chống chịu tốt, ngành cá rô phi vẫn ổn định và không rơi vào các chu kỳ khủng hoảng như những sản phẩm thủy sản nuôi khác. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn khiến thị trường toàn cầu đi xuống và tiêu thụ giảm. 

Chế biến xuất khẩu cá rô phi tại Trung Quốc Ảnh: ST

Sản xuất vẫn tăng

Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát mới đây nhất của Liên minh NTTS toàn cầu (GAA) với các nhà sản xuất cá rô phi thế giới, do chuyên gia Gorjan Nikolik cung cấp tại Hội nghị GOAL 2020, ngành cá rô phi toàn cầu đạt tăng trưởng khả quan từ 3 triệu tấn đến hơn 6 triệu tấn (từ năm 2010 đến nay) với tốc độ tăng trưởng về sản lượng trên 7%. Đại dịch COVID-19 từng hạ thấp kỳ vọng tăng trưởng của ngành, nhưng sản lượng cá rô phi toàn cầu vẫn dự kiến tăng 5% vào năm tới và thêm 2% trong năm tiếp theo, đạt mức 7,29 triệu tấn và 7,42 triệu tấn.

Theo GAA, Trung Quốc đã sản xuất 1,8 triệu tấn cá rô phi vào năm 2019. Sản lượng chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng được kỳ vọng tăng trưởng vào năm 2021. Lĩnh vực chế biến bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hồi đầu năm cộng với chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, sản lượng cá rô phi của Trung Quốc dự kiến giảm 3% còn 1,70 triệu tấn vào năm nay, theo Giáo sư Kevin Fitzsimmons thuộc Đại học Arizona. Trong khi đó, sản lượng cá rô phi của Indonesia dự kiến giảm 4% xuống 1,2 triệu tấn; của Philippines giảm 4% còn 355.000 tấn.

Nhìn chung, sản lượng cá rô phi của toàn châu Á chỉ giảm 1% còn 4,55 triệu tấn. Nhưng trong năm tới, dự kiến sản lượng đầu ra tăng 6% lên 4,81 triệu tấn và trong năm 2022 tăng 1% lên 4,88 triệu tấn. Trong khi đó, tại Ai Cập, 900.000 tấn sản lượng cá rô phi hầu hết được tiêu thụ nội địa và dự báo sản lượng sẽ tăng 4% tới 1,25 triệu tấn vào năm sau. Mặc dù đơn đặt hàng từ châu Âu bị cắt giảm, sản lượng cá rô phi của Ghana vẫn ổn định 45.000 tấn còn Uganda tăng nhẹ 1% lên 75.000 tấn. Trong khi đó, sản xuất tại châu Mỹ cũng dự kiến tăng trưởng 2% lên 946.500 tấn. Các trang trại và nhà chế biến tại Colombia, Honduras và Mexico đang phục hồi sản xuất sau cú sốc đầu tiên khi chuỗi dịch vụ ẩm thực sụp đổ. Các quốc gia này cũng đang đẩy mạnh marketing cả sản phẩm tươi và đông lạnh cho kênh bán lẻ. Hầu hết thủy sản tươi từ Mỹ Latinh tới Mỹ được vận chuyển bằng máy bay, nguồn cung sẵn có cộng chi phí vận tải thấp hơn cũng là một lợi thế, theo Fitzsimmons. Bangladesh và Ấn Độ, dù bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 nhưng sản lượng cá rô phi vẫn tăng lần lượt 3% và 15% lên 360.000 tấn và 30.000 tấn.

Cạnh tranh khốc liệt

Nhập khẩu vào Mỹ – thị trường tiêu thụ cá rô phi lớn nhất đạt 172.533 tấn, trị giá 591,7 triệu USD trong năm 2019. Những số liệu này cho thấy mức giảm 8,5% về khối lượng và 13,9% về giá trị so năm 2018. Lượng fillet cá rô phi đông lạnh chiếm tỷ trọng 61,7% trong tổng khối lượng và 66% tổng giá trị nhập khẩu cá rô phi của Mỹ. Sản phẩm này cũng giảm 13,7% khối lượng và 15,7% giá trị nhập khẩu. Trong khi, khối lượng và giá trị nhập khẩu fillet tươi cũng lần lượt giảm 8,12% về lượng và 16% giá trị so năm 2018.

Về giá trị, fillet là mặt hàng rô phi xuất khẩu chính của Brazil, chiếm 57%. Tính theo khối lượng, những phụ phẩm như da cá, vảy, dầu và bột cá cũng có lượng giao dịch lớn nhất, chiếm 80% tổng khối lượng xuất khẩu phụ phẩm. Mỹ, chủ yếu nhập khẩu fillet cá rô phi tươi và vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với ngành xuất khẩu cá rô phi của Brazil.

Trong khi đang gồng mình giữ vị trí tại thị trường Mỹ đã trở nên lãnh đạm suốt nhiều năm qua, ngành cá rô phi Trung Quốc lại tiếp tục nhận thêm một đòn nặng nề bởi mức thuế 25%. Mặc dù thuế này đã được gỡ bỏ vào tháng 4/2020, nhưng COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực tới cả hai thị trường cá rô phi Mỹ, Trung Quốc cùng các nhà cung cấp. Sự suy yếu nói chung về cầu tiêu thụ với mặt hàng cá rô phi, cộng với mức thuế 25% từ Mỹ càng đẩy nhanh xu hướng lao dốc của thị trường cá rô phi toàn cầu. Tiêu thụ không vững bởi rô phi cũng phải cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm cá thịt trắng khác. Tại châu Âu, khoảng thời gian giá thấp cộng với cá rô phi Trung Quốc bị đánh thuế tại Mỹ lại khiến lượng nhập khẩu rô phi tăng 22% về giá trị và khối lượng trong năm ngoái, đạt 29.600 tấn, tương đương 67 triệu EUR. Kim ngạch xuất khẩu rô phi của Trung Quốc sang châu Âu đã nhảy vọt từ 67% trong năm 2018 lên 75% trong năm 2019 do các nhà xuất khẩu kịp thời chuyển hướng thị trường.

Còn bất ổn

Đầu năm nay, COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và các giải pháp kìm hãm dịch bệnh được thực hiện ngay sau đó đã làm trì hoãn sản xuất cá rô phi, thức ăn thiếu hụt, hoạt động chế biến bị hạn chế và thị trường suy yếu trên toàn cầu. Mặc dù tình hình đã được cải thiện vào tháng 3, nhiều nhà máy vẫn chưa thể hoạt động hết công suất như trước cho đến cuối tháng 4 do thiếu công nhân và quá ít đơn hàng. Kết quả, cá rô phi bị bỏ đói trong ao còn nông dân cũng không mặn mà nuôi thả vụ kế tiếp.

Sự bất ổn bao trùm toàn bộ thị trường cá rô phi lúc này do tác động quá mạnh từ COVID-19 trong khi giá bán đang có dấu hiệu suy yếu. Hiệp hội nuôi thủy sản Brazil (PeixeBR) đang kêu gọi chính phủ thực hiện các giải pháp cấp bách để kìm hãm lây lan dịch COVID-19 và ngăn chặn khủng hoảng kinh tế. Các giải pháp được nhắc tới như tạm dừng thu thuế doanh nghiệp để giảm gánh nặng lên giá bán hoặc gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân.

Các hãng sản xuất rô phi Trung Quốc thiệt hại nặng nhất do COVID-19 cho dù dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào. Dù thuế trả đũa đã được gỡ bỏ, nhưng sự cạnh tranh gay gắt với fillet cá rô phi tươi Nam Mỹ sẽ khiến Trung Quốc phải chật vật giữ vị trí trên thị trường lớn như Mỹ.

Sản lượng cá rô phi của các nước sản xuất chính là Trung Quốc, Indonesia vẫn được dự báo phục hồi vào năm tới. Cụ thể, sản lượng của Trung Quốc sẽ tăng lên 1,75 triệu tấn vào năm 2021; 1,80 triệu tấn vào năm 2022; còn Indonesia lên 1,3 triệu tấn vào năm 2021 và 1,32 triệu tấn vào năm 2022. Việt Nam cũng được dự báo tăng sản lượng 12% lên 385.000 tấn vào năm 2020, trong khi Thái Lan duy trì sản lượng ổn định 310.000 tấn. 

 


Có thể bạn quan tâm

Chiến lược kiểm soát dịch bệnh Chiến lược kiểm soát dịch bệnh

Dịch bệnh luôn là mối lo ngại trong phát triển thủy sản nói chung nhất là với nuôi tôm, bởi đây là nhân tố làm giảm hiệu quả sản xuất, tăng chi phí

21/11/2020
Bột lá hương thảo - Cải thiện tăng trưởng, giảm stress cho cá chép Bột lá hương thảo - Cải thiện tăng trưởng, giảm stress cho cá chép

Rosemary có tác dụng cải thiện tăng trưởng, giảm stress đối với cá chép giống

21/11/2020
Hàu và tôm thẻ - Sự kết hợp hoàn hảo Hàu và tôm thẻ - Sự kết hợp hoàn hảo

Nuôi kết hợp hàu và tôm thẻ có thể hạn chế rất tốt việc ô nhiễm nguồn nước nuôi, từ đó giảm thiểu mầm bệnh đáng kể.

21/11/2020