Thị trường cà phê tuần 23: Giảm 800 đồng/kg, xu hướng suy yếu kéo dài
Ngay hai phiên đầu tiên của tuần 23, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã chững lại, thị trường hết sức yên ắng. Sau khi chạm được mốc 34.000 đồng/kg, giá đã có một phiên lao dốc mạnh 1.400 đồng lui về 31.900 – 32.700 đồng/kg. Tính chung cả tuần, giá cà phê đã giảm 800 đồng/kg, chốt ở 32.400 – 33.200 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới đang rơi về mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua nhưng tại Brazil, nước sản xuất cà phê số một thế giới, các nông dân vẫn không lỗ và đang đẩy mạnh mở rộng diện tích trồng cà phê để gia tăng lợi nhuận.
Năm 2020, Brazil dự kiến sẽ đạt sản lượng cà phê kỷ lục và viễn cảnh này khiến giá cà phê không thể "ngóc dậy", đe dọa đời sống của hàng triệu nông dân cà phê ở các nước khác.
Cơn bùng nổ cà phê của Brazil đang đặt ra những thách thức lớn cho những nông dân trồng cà phê ở mọi quốc gia trên trái đất. Nhiều nông dân cà phê từ Nicaragua ở Mỹ Latin cho đến Tanzania ở châu Phi phải sản xuất sản lượng ít hơn trên mỗi hecta, tốn nhiều chi phí phân bón và nhân công hơn, đặc biệt tỉ giá của đồng nội tệ ở đất nước họ không có lợi thế giống như tỉ giá của đồng real (Brazil). Đồng real giảm giá, cho phép các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil kiếm được nhiều hơn và đó là một động lực để các nông dân ở đây mở rộng diện tích trồng cà phê.
Mưa lớn ở hầu hết các khu vực sản xuất cà phê của Brazil trong tuần qua khiến hoạt động thu hoạch chững lại. Theo dự báo thời tiết nông nghiệp từ Reuters, tại các vùng trồng cà phê trong khu vực sản xuất chính ở phía nam bang Minas Gerais (Brazil), lượng mưa trung bình khoảng 15 mm vào đầu tuần trước. Trong một báo cáo ngày 3/6, nhà phân tích cà phê Pharos cho biết hầu hết các khu vực sản xuất cà phê ở Brazil đã dự báo lượng mưa trung bình cho tháng 2, tháng 4 và tháng 5/2019. Điều này làm tăng sự lo lắng của nông dân trong việc thu hoạch ban đầu. Tuy nhiên, dự báo lượng mưa giảm từ ngày 5 - 6/6 và khoảng 10 ngày sau đó thời tiết khô ráo sẽ cho phép các nhà máy sản xuất cà phê tiếp tục hoạt động thu hoạch trong điều kiện thuận lợi.
Brazil dự kiến sẽ thu hoạch một vụ cà phê nhỏ hơn trong năm 2019. Các nhà phân tích dự báo sản lượng đạt mức 53 - 58 triệu bao (loại 60 kg), thấp hơn so với 63 triệu bao trong năm ngoái.
Thống kê thương mại tháng 4 của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 7 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2018/19 đạt tổng cộng 74,01 triệu bao cà phê các loại, tăng 4,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước 2017/18. Trong vòng 12 tháng, kết thúc vào tháng 4/2019, toàn cầu xuất khẩu cà phê arabica tăng hơn 4,8% lên đạt 79,87 triệu bao và xuất khẩu cà phê robusta tăng gần 2,5 % lên đạt 45,39 triệu bao.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 5/2019 đạt 135 nghìn tấn, trị giá 220 triệu USD, giảm 5,8% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với tháng 4/2019, so với tháng 5/2018 giảm 13,1% về lượng và giảm 27,8% về trị giá.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 767 nghìn tấn, trị giá 1,313 tỷ USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 23% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2018.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong tháng 5/2019 đạt mức 1.630 USD/tấn, giảm 4,0% so với tháng 4/2019, so với tháng 5/2018 giảm 16,9%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.712 USD/tấn, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường trái cây tuần qua đúng vào dịp Tết Đoan ngọ, nhu cầu tăng cao nên giá tăng mạnh. Sản lượng trái bơ tại Đăk Nông sụt giảm do thời tiết thất thường
Giá cà phê tại Việt Nam giảm mạnh trong ngày 6/6, dừng việc phục hồi từ mức thấp nhất 6 năm đã chạm tới trong đầu tháng 5/2019.
Thị trường rau củ quả tuần qua: Giá rau tăng cao, nấm Trung Quốc giá rẻ chiếm lĩnh thị trường