Thí điểm đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường
Ngày 6/4, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thông báo về việc thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, loại bỏ cơ chế xin - cho theo phương thức phân giao hạn ngạch trước đây.
Theo công văn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng), có ý kiến như sau: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, đảm bảo công khai minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế;
Đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan NK đường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 2, Công văn số 5064/VPCP-KTTH ngày 2/7/2015 của Văn phòng Chính phủ (đồng ý thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường cho năm 2016).
Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm trong năm 2016, Bộ Công Thương tổng kết, đánh giá hiệu quả của phương thức đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường; tác động của phương thức này đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, người tiêu dùng, các nhà máy đường, người nông dân trồng mía, cung cầu thị trường đường trong nước và phản ứng từ các thành viên WTO. Trên cơ sở đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành phù hợp trong giai đoạn tiếp theo;
Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương chuẩn bị các nội dung liên quan về vấn đề này để trao đổi với các đối tác khi cần thiết.
Kể từ tháng 6/2015 đến nay, giá đường kính trắng bán buôn mới lại tăng lên ở mức trên 15.000 đ/kg. Còn so với tháng 4/2015, giá đường trong tháng 4 năm nay đang cao hơn khoảng 2.000 đ/kg.
Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan đường NK. Trong công văn số 1616/BCT-XNK ngày 25/2/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, Bộ Công Thương đề nghị: Sẽ đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ và Thông tư số 03/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Tài chính, Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp;
Bộ Công Thương sẽ có Thông tư hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm gồm các bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT, Tư pháp, do lãnh đạo Bộ Công Thương là Chủ tịch Hội đồng;
Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; số lượng đường đấu giá năm 2016 là 85.000 tấn, sẽ gồm cả đường thô và đường tinh luyện;
Để phù hợp với cam kết WTO là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng nên sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng ...
Việc tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan đường NK nhận được sự đồng tình rộng rãi của nhiều doanh nghiệp mía đường vì đảm bảo sự công bằng, loại bỏ cơ chế xin - cho theo phương thức phân giao hạn ngạch trước đây.
Mặc dù việc đấu giá hạn ngạch thuế quan đường NK đang chuẩn bị được tiến hành đồng nghĩa với việc sắp có thêm một lượng đường không nhỏ nhập về Việt Nam, lượng đường tồn kho đang tăng nhanh (đến 4/4, tồn kho tại các nhà máy đường là 304.812 tấn và tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 25.024 tấn, cao hơn nhiều so với lượng tồn kho đến đầu tháng 3 tại các nhà máy là 225.862 tấn và 11.720 tấn tại các công ty thương mại), và đường vẫn không xuất được sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nhưng giá đường trên thị trường nội địa vẫn đang tiếp tục tăng.
Đến ngày 4/4, giá đường kính trắng bán buôn tại Hà Nội là 15.000 - 15.400 đ/kg, tại miền Trung 14.800 - 15.200 đ/kg, tại TP.HCM 14.800 - 15.300 đ/kg; đường tinh luyện tại Hà Nội giá 15.800-16.700, tại TP.HCM 16.000 - 17.000 đ/kg, đường vàng tại Hà Nội và TP.HCM đều ở mức 15.000 đ/kg.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 10 ngày lập chốt chặn phong tỏa nguồn thức ăn chăn nuôi heo, chính quyền xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã buộc 37 hộ dân nuôi heo ở ấp 4 phải ký đơn đồng ý di dời trại heo đi nơi khác.
Khó có thể hình dung, những vùng đồng ruộng nơi sâu trũng, cồn bãi của xã Thạch Khê (Thạch Hà) lại có ngày được đánh thức bằng mô hình chăn nuôi tiền tỷ.
Hàng ngàn ha đất mặt trồng lúa ở Sóc Trăng đang bị “xẻ thịt” từng ngày để bán cho doanh nghiệp san lấp mặt bằng, sản xuất vật liệu xây dựng nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.