Thế mạnh của rau quả trái vụ

Trước đây, người dân xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam) để dứa ra quả tự nhiên vào tháng 5, tháng 6 DL, trùng vào thời điểm chín của nhiều loại quả khác nên giá bán rẻ.
Học hỏi kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm SX, một số nhà vườn có cách làm sáng tạo để dứa cho quả trái vụ.
Từ những mô hình ban đầu, đến nay toàn bộ hơn 200 ha dứa của xã đều được xử lý cho quả vào dịp trước và sau tết, thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với chính vụ.
Nhằm thuận lợi trong quá trình vận chuyển, người dân tự đầu tư mở đường để xe ô tô lên được đến đỉnh đồi “ăn” hàng.
Cũng nhờ mở đường mà việc thu hoạch dứa của bà con thuận lợi hơn, tiết kiệm công lao động.
Gia đình ông Giáp Văn Hưởng có diện tích trồng dứa lớn.
Với 3 ha đất đồi, ông dành 1 ha nhân chồi làm giống, 1 ha để trống cho đất nghỉ luân phiên, còn lại trồng dứa lấy quả.
Theo ông Hưởng, muốn dứa ra quả vào dịp tết thì vào tháng bảy ÂL cần nhỏ vào nõn cây 1 - 2 giọt dung dịch có chứa etylen.
Vì ra trái vụ nên dứa bán luôn được giá bình quân 7 - 8 nghìn đ/kg, cao điểm 10 nghìn đ/kg.
Với 30 tấn quả, mỗi năm ông thu về gần 200 triệu đồng.
Tương tự, người dân xã Trung Sơn (huyện Việt Yên) cũng trồng rau trái vụ cho thu nhập cao với diện tích hơn 10 ha.
Điển hình là lứa bí xanh nghịch vụ cho thu hoạch vào tháng 11 DL, giá bán cao, khoảng 12-15 nghìn đ/kg, trừ chi phí lãi 15 - 18 triệu đ/sào, gấp 3 lần so với bí thu đúng mùa.
Ngoài ra, một số loại rau quả khác, nông dân cũng áp dụng kỹ thuật để thu hoạch sản phẩm trái vụ như trồng quất tại xã Tân Sỏi (huyện Yên Thế), ổi xã Cao Thượng (huyện Tân Yên) hay kéo dài thời vụ thu hoạch na ở một số xã của huyện Lục Nam.
SX rau quả trái vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bắc Giang, rải vụ làm cho cây sinh trưởng không thuận lợi, gặp rủi ro về thời tiết, sâu bệnh hại.
Vì vậy, Chi cục chỉ khuyến cáo SX trái vụ tại những vùng chủ động về nước tưới và nắm chắc biện pháp kỹ thuật chăm sóc.
Xác định SX rau trái vụ góp phần gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã nghiên cứu, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp để rải vụ với cây trồng chính như na, nhãn, vải thiều, dứa; quy hoạch vùng đất chuyên màu, bổ sung vào quy hoạch vùng SX rau chế biến, rau an toàn...
Trong đó, tập trung thay đổi cơ cấu cây trồng, công thức luân canh ở một thời điểm nhất định theo hướng đẩy thời vụ sớm hơn hoặc muộn hơn so với chính vụ.
Tại huyện Hiệp Hòa có cách làm khá hay, là đưa giống lúa cực sớm vào công thức luân canh mùa sớm - cà chua (lạc đông) - khoai tây.
Vụ mùa năm nay, Trạm Khuyến nông Hiệp Hòa phối hợp với Viện Cây lương thực, cây thực phẩm triển khai SX 35 ha lúa thuần N25 tại xã Ngọc Sơn.
Kết quả lúa đạt năng suất 65 tạ/ha.
Bà Hoàng Thị Tiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Hòa cho biết, lúa chín sớm vào đầu tháng 9 DL trong khi các giống khác mới trỗ bông hoặc đang vào chắc.
Nông dân có thể giải phóng đất để trồng cây vụ đông ưa ấm như cà chua, lạc hoặc rau màu cho thu hoạch sớm để có sản phẩm bán được giá cao.
Có thể bạn quan tâm

Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

Sáng ngày 29-8, tại TP. Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia khai mạc hội thi “Người chăn nuôi heo giỏi vùng Đông Nam bộ năm 2013”. Tham dự hội thi có gần 300 người chăn nuôi heo tiêu biểu thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha tại xã Phong Vân.