Tháo gỡ điểm nghẽn đưa nông sản sang Trung Quốc
Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ khi kim ngạch tăng trưởng 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả số một của Việt Nam.
Trong ảnh: Trung Quốc tiêu thụ phần lớn vải thiều của Việt Nam. Ảnh: Người dân huyện Lục Ngạn, Bắc Giang sơ chế vải thiều để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trần Quang
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng 43%
Theo thông tin từ Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), tính đến tháng 11, trong số kim ngạch xuất khẩu trên 29,1 tỷ USD toàn ngành nông lâm thủy sản mà Việt Nam đã xuất khẩu được, thì thị trường Trung Quốc đã chiếm 20% giá trị. Những mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là cao su, sắn, hạt điều, rau quả tươi, thủy sản… Đặc biệt, năm nay, các mặt hàng rau quả tươi, thủy sản sang Trung Quốc đã có sự gia tăng khá mạnh.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 11.2016 ước đạt 186 triệu USD, kim ngạch 11 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu ước đạt gần 2,1 tỷ USD, tăng tới 130% so với cùng kỳ.
Trao đổi với NTNN, ông Đinh Văn Hương – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá: “Tính đến hết tháng 10.2016, Trung Quốc nhập khẩu rau hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD (tăng tới 43%), chiếm gần 65% khối lượng và khoảng 50% về giá trị. Trong khi đó, Việt Nam chỉ nhập khẩu 147 triệu USD rau củ quả từ Trung Quốc. Đây là thị trường rất thuận lợi đối với sản phẩm rau quả tươi Việt Nam”. Theo ông Hương, bên cạnh thị trường Trung Quốc, có một số ít thị trường khác cũng có thế mạnh tương tự đó là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan.
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Nhiều năm nay, với dân số đứng hàng đầu thế giới và vị trí địa lý sát Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường lớn và trọng điểm của nông sản, thực phẩm Việt Nam, có kim ngạch tăng trưởng bình quân đạt trên 30%/năm trong giai đoạn 2011-2015, chiếm tỷ trọng khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2016, rau quả là một trong những mặt hàng của Việt Nam xuất sang thị trường này tăng so với cùng kỳ năm ngoái”.
Thị trường lớn nhưng... không ổn định!
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, với vị trí địa lý thuận lợi giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nên nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 40 chủng loại như các loại trái cây (vải, nhãn, thanh long, dưa hấu, dứa, lạc…) cho đến thực phẩm như lợn hơi, lợn sữa, thủy sản (tôm, cá…). Ngược lại, phía Việt Nam nhập của Trung Quốc chủ yếu các mặt hàng: Táo, lê, cam, quýt, tỏi, một số loại gia vị khác...
Ông Đinh Văn Hương cho rằng: “Trung Quốc dù là thị trường lớn nhưng rất khó đoán và không ổn định. Khi cần thì họ mua bất cứ số lượng nào với bất cứ mức giá nào. Tuy nhiên, khi không cần, họ trả giá rất thấp, chính vì vậy các mặt hàng rau quả Việt Nam nhiều lúc rơi vào thế bí khi càng để lâu càng mất tươi ngon, rất khó bán”. Ông Hương cho biết thêm, nếu thời tiết ủng hộ, không hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trong như năm nay, sang năm 2017, thị trường xuất khẩu rau quả tươi sang Trung Quốc sẽ rất sáng sủa.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Văn Bảnh cho biết: “Với thị trường Trung Quốc, về xuất khẩu chính ngạch, nước này thường áp dụng về nhiều biện pháp phi thuế quan, có chính sách hỗ trợ nông nghiệp nội địa được đánh giá là không rõ ràng, thiếu minh bạch. Đặc biệt là Trung Quốc vẫn thực thi các chính sách thương mại nông sản đơn phương, duy trì thương mại nhà nước, bảo hộ cao với những mặt hàng nông sản kém cạnh tranh của họ, làm tăng rủi ro và chi phí cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường này”.
Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên điều chỉnh lượng hàng, giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này, nhằm hạn chế hoặc duy trì lượng hàng từ Việt Nam sao cho có lợi nhất cho phía Trung Quốc. Ông Bảnh đề xuất cần nghiên cứu, đàm phán với Trung Quốc để thống nhất về hệ thống cửa khẩu, mở rộng danh mục các mặt hàng được phép nhập khẩu vào nước này.
Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT): “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều rau củ quả giữa Việt Nam và Trung Quốc trong 10 tháng qua đạt khoảng 2,1 triệu tấn. Trong đó, chúng ta chỉ nhập khoảng 400.000 tấn, là hướng có lợi cho Việt Nam. Hiện nay mặt hàng rau quả tươi xuất sang Trung Quốc không có vướng mắc gì, Trung Quốc cũng có xu hướng mở cửa thêm, chúng ta đang làm thủ tục để thị trường này sớm mở cửa đối với dừa, măng cụt. Vì vậy, để đẩy mạnh mặt hàng rau quả sang thị trường này, chúng ta cần tăng cường xúc tiến thương mại và đưa ra những kiến nghị, gỡ khó cho cả hai phía”.
Có thể bạn quan tâm
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào ngành cà phê không nhiều, nhưng đang chiếm tỷ trọng “áp đảo” trong tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của nước ta
Từ nguồn quần chúng tiêu biểu là hơn 4.000 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Hội ND các xã của huyện Bình Chánh đã lập danh sách, những người đủ tiêu chuẩn
Dựa vào đặc tính của cây gấc lai dễ trồng, không kén đất, đầu ra ổn định, nhiều hộ dân ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) tăng cường trồng gấc, tăng thu nhập cho bà con