Thành tỷ phú nhờ đầu tư khác người
Mơ làm giàu từ cam
Ông Dũng sinh ra tại Đà Nẵng, năm 1979 do nghèo quá nên cả gia đình về quê mẹ ở Kiên Giang làm kinh tế mới, sau đó chuyển sang Long Xuyên sinh sống. Năm 1986, một lần lên huyện Lộc Ninh thăm chị ruột, thấy vùng đất này rộng, người thưa nên ông đi tìm đất trong bưng để phát rẫy. Năm 1998 ông lấy vợ và định cư tại vùng đất này.
“Năm 2000, được gia đình vợ cho 1,5ha rẫy, lúc đó tiêu có giá nên vợ chồng tôi vay tiền để đầu tư. Đến khi thu hoạch thì giá tiêu rớt thảm hại còn 14 triệu đồng/tấn, thua lỗ trầm trọng dẫn đến nợ nần. Không còn điều kiện chăm sóc khiến tiêu chết dần theo thời gian. Thời điểm đó những tưởng gia đình tôi phải bán hết đất và nhà để trả nợ, nhưng nhờ người thân động viên, hỗ trợ cho vay thêm nên chúng tôi trả dần nợ rồi chuyển sang cây cà phê, ca cao, măng cụt, sầu riêng… Tuy nhiên thu nhập vẫn rất bấp bênh” - ông Dũng kể.
Năm 2011, trong một lần dự đám giỗ tại nhà bạn ở Lộc Ninh, thấy vườn cam của người bạn trĩu quả, qua trò chuyện, ông được bạn cho biết 1ha có thể thu được 40-50 tấn cam, giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg, không những đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đất nên ông bắt đầu ấp ủ giấc mộng làm giàu và bén duyên với cam sành từ đó.
Để lấy ngắn nuôi dài, ông Dũng vẫn giữ lại khu vườn cũ và vay tiền mua thêm 1,5ha đất cạnh vườn nhà để độc canh cây cam sành. Khi những gốc cam đầu tiên được trồng xuống, hàng xóm không ít người dè bỉu, thậm chí nói ông Dũng “hâm”. “Họ chê cười tôi, vì thời điểm năm 2011 giá mủ cao su rất cao, mọi người đều trồng cao su, thấy mình một kiểu nên họ đàm tiếu” - ông Dũng kể.
Thu tiền tỷ ngay vụ đầu
“Tổng đầu tư cho vườn cam 1,5ha của gia đình chỉ khoảng 200 - 220 triệu đồng, gồm: Hệ thống tưới bét quay trên cao (40 triệu đồng), giống (25 triệu đồng), nhân công khoảng 100 - 120 triệu đồng/ha. Khi cam mới cho thu “bói” đã có thể giúp người trồng gỡ vốn, vào chính vụ vườn cam có thể cho thu hơn 80 tấn/1,5ha, bán với giá 30 triệu đồng/tấn nên thu nhập rất ổn”.
Ông Phạm Văn Dũng
Tuy nhiên, không phải ông Dũng thu được ngay trái ngọt. “Khi bắt đầu trồng cam, mình chưa có kinh nghiệm để phân biệt cây nào bệnh, cây nào khỏe. Vì vậy mỗi khi thấy lá có hiện tượng đốm hoặc vàng, tôi mời bạn sang tận vườn để xem thực tế, có cần phun thuốc không, sử dụng loại thuốc nào thì phù hợp…” - ông Dũng chia sẻ.
Kiên trì học hỏi rồi ông Dũng cũng đúc kết được những kinh nghiệm trồng cam quý giá. Theo ông, để cây phát triển tốt nhất, nên trồng theo khoảng cách 2x2m (mật độ 2.500 cây/ha), khi trồng phải trừ đường ranh với vườn nhà khác, chừa đường mương hoặc lên liếp đối với diện tích đất bằng để thoát nước. Vào mùa nắng, khi cam trổ bông phải có nước đầy đủ, trung bình 3 ngày tưới 1 lần, không cần tưới đẫm mà phải tưới đều, tưới đủ thời gian để đất có độ ẩm, không để khô quá hoặc úng. Nếu chăm sóc tốt, đến tháng thứ 18, cây cam ra bông, rớt nhụy và đến tháng thứ 27 người trồng bắt đầu thu “quả bói”.
Khi được hỏi vùng đất Lộc Ninh thường bị hạn nặng vào mùa khô, tại sao không tưới rỉ để tiết kiệm nước, ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm: “Trong vườn tôi khoan 2 giếng với độ sâu trên 70m/giếng, vì thế không sợ thiếu nước tưới. Tôi sử dụng hệ thống tưới bét quay trên cao vì có nhiều cái lợi, vốn đầu tư ít, trong khi đó, biện pháp này còn giúp hạn chế được loài nhện đỏ gây hại cho trái cây và hạn chế 70 - 80% sâu bệnh. Bán kính bắn nước xa nên vừa làm mát cây, lại tiết kiệm nhân công”.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên dù vườn cam mới cho thu bói, song gia đình ông Dũng đã thu được trên 10 tấn quả, bán với giá 13 triệu đồng/tấn. Sau vụ “bói”, bước vào vụ thu chính, cam trong vườn nhà ông đạt năng suất tới 20-25kg quả/cây. “Giờ đây vườn cam của gia đình đã cho năng suất ổn định, cây nào cũng trĩu quả. Vụ này tôi thu được 80 tấn/1,5ha, thương lái vào tận vườn mua với giá 17 triệu đồng/tấn. Sau khi trừ mọi chi phí, tôi lời khoảng 1,2 tỷ đồng” - ông Dũng hồ hởi cho biết.
Đánh giá về hiệu quả từ việc chuyển đổi sang trồng cam, bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết: “Thời gian qua, mặt hàng cam tại Bình Phước khá ổn định, giá bán đạt 18.000 đồng/kg, hiện đang là thời điểm trái vụ nên giá bán tại vườn đạt 30.000 - 35.000 đồng/kg nên nông dân có lợi nhuận khá cao. Với vườn cam trên 1,5ha như ông Dũng, sau khi trừ chi phí đầu tư có thể thu lời 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, trong khi cây cam có thể thu hoạch tới 15 năm”.
“Nhiều nhà vườn khẳng định lợi nhuận từ cam sành cao hơn so với trồng quýt đường, vì quýt đường thường có nhiều bệnh, khô trái. Tại tỉnh Bình Phước đã có nhiều nhà vườn thành công với mô hình trồng cam, tuy nhiên vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Khi tham quan vườn cam của ông Dũng, phía Hội Nông dân cũng đặt vấn đề cần làm thế nào để xây dựng thương hiệu cam sành Bình Phước và tăng diện tích. Thời gian tới, Hội sẽ vận động, hướng dẫn những hộ trồng cam thành lập các tổ hợp tác nhằm liên kết sản xuất bền vững, tiêu thụ thuận lợi hơn” - bà Lanh cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Phương pháp tưới nhỏ giọt tuy không mới, nhưng ở Tây Ninh, ông Huỳnh Biển Chiêu là một trong những người tiên phong áp dụng cho mãng cầu (na). Thu hoạch vụ đầu tiên, kỹ thuật này giúp ông tiết kiệm được nhiều chi phí đồng thời tăng sản lượng lên 40% so với tưới dải ở các vụ trước.
Từ một xã khó khăn nhất nhì của huyện Quế Sơn, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Quế An của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đã có những đổi thay rõ rệt.
Là đơn vị sản xuất phân bón đứng đầu cả nước, thương hiệu “ba nhành cọ xanh” của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân khắp đất nước. Tuy nhiên, càng nổi tiếng lại càng bị làm giả nhiều. Mới đây, lãnh đạo công ty đã đề ra một số giải pháp để chống lại tình trạng này, trong đó có việc dán tem để chống hàng giả.