Thành công bước đầu trong ương nuôi sá sùng
Trước tình trạng sá sùng ngoài tự nhiên đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu phát triển nuôi thương phẩm sá sùng và cho sinh sản nhân tạo giống.
Nghiên cứu phát triển nuôi thương phẩm sá sùng
Cảnh báo cạn kiệt
Ở Việt Nam hiện đã biết 21 loài sá sùng, thường gặp ở vùng thủy triều và dưới triều. Những vùng biển có nhiều sá sùng là các bãi triều Quảng Ninh (chỉ gặp trên đảo Quán Lạn và Đầm Hà), Hải Phòng, Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Côn Đảo, các khu rừng ngập mặn ở Cần Giờ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau.
Khai thác sá sùng đã trở thành nghề truyền thống ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lớn nên việc khai thác ngày càng mạnh mẽ; không những làm cạn kiệt nguồn lợi mà còn ảnh hưởng đến vùng nuôi và sự sinh trưởng của các đối tượng khác, ảnh hưởng đến hệ sinh thái ven biển...
Trước nguy cơ loài sá sùng bị tuyệt diệt, ngày 5/11/2011, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 01/2011-BNNPTNT, xếp sá sùng vào loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn, thứ hạng nguy cấp (VU) cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển. Theo đó, các đơn vị chức năng của nhiều địa phương cũng đã có nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn lợi sá sùng như: Ra quy chế về thời gian khai thác, khoanh vùng cho người dân quản lý, tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi...
Khả quan giống nhân tạo
Hiện nay, sản xuất nhân tạo giống sá sùng bước đầu đã thành công, mở ra triển vọng trong việc phát triển nuôi thương phẩm loài này. Điển hình như tại tỉnh Khánh Hòa, những năm gần đây Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu thành công “Quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng”. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, một số người dân tại địa phương đã áp dụng và cho hiệu quả khả quan.
Hay đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo giống sá sùng tại Quảng Ninh” được thực hiện từ tháng 7/2015 - 12/2017 do nhóm nghiên cứu của Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản (Bắc Ninh) triển khai, bước đầu đã giúp phục hồi được nguồn lợi thủy sản quý, mở ra nghề nuôi trồng mới, có giá trị kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản, Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã thu được 700.000 con giống sá sùng cỡ 2 - 3 cm/con. Với quy trình này sẽ tạo ra một sản lượng giống đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân. Từ con giống sinh sản nhân tạo, nhóm đã thực hiện ương nuôi sá sùng thương phẩm trong trại thực nghiệm, đến nay sá sùng đã đạt kích cỡ 4 - 6 cm/con, trọng lượng 350 - 400 con/kg - tương tự như sản phẩm ngoài tự nhiên. Đặc biệt, đề tài cũng đã xác định loại thức ăn thích hợp của ấu trùng sá sùng”.
Cũng theo ông Tuấn, sản xuất giống nhân tạo sá sùng thành công sẽ tạo cơ sở cho nghề nuôi sá sùng tại Quảng Ninh và một số tỉnh ven biển khác như Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu... phát triển. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ven biển, giảm áp lực khai thác sá sùng tự nhiên và bảo tồn nguồn lợi. Ngoài ra, sá sùng là loài có chuỗi thức ăn ngắn, thân thiện với môi trường nên rất thích hợp khi nuôi ghép với một số loài thủy sản khác giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi.
>> Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực, được sử dụng cả lúc còn tươi (nấu canh, xáo) hay khô (rang). Với những đặc tính trên, sá sùng là loài hải sản có giá trị kinh tế rất cao, nhưng do đánh bắt quá mức nên số lượng ngày càng suy giảm đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ chuyển đổi phương pháp nuôi lươn từ bể xi măng sang bể bạt, từ sạp tre sang dây nilon, anh Nguyễn Lê Kim Phát thu đều đặn hàng chục triệu đồng mỗi đợt thả
Hệ thống chíp điện tử trên cá, giúp theo dõi sự sinh trưởng, phát triển cũng như dịch bệnh của con cá tra, giúp định danh cụ thể, chính xác con cá muốn lựa chọn
Những chiếc can nhựa loại 30 lít, được đục lỗ xung quanh. Sau đó, đặt can nhựa dưới sông, thả lươn giống vào nuôi khoảng 8 tháng thì cho thu hoạch