Thăng Trầm Nghề Nuôi Cua Lột
Khi phong trào nuôi cua lột phát triển ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An), người dân đã phần nào thoát nghèo, nhiều hộ còn trở nên giàu có. Nhưng con cua lột ở Phước Lại cũng "nhấp nhỏm" theo bước thăng trầm của thị trường.
Trước đây, xã Phước Lại nổi tiếng nghèo. Một năm có tới bảy tháng nước mặn. Người dân chỉ trông chờ vào vụ lúa mùa, nhưng năng suất rất thấp, chỉ từ 5-7 giạ/công. Hộ nào đủ ăn đã là ... may lắm. Khoảng đầu những năm 1990, phong trào nuôi cua lột bắt đầu phát triển ở địa phương. Người đầu tiên khởi xướng là anh Từ Công Hải, ngụ tại ấp Mương Chài. Sau khi trúng đậm vài vụ, anh đã phổ biến nghề này cho bà con nông dân trong xã cùng nuôi . Đến cuối năm 1993, tại địa phương đã có 40 hộ vào nghề với diện tích gần 1,5ha. Theo anh Hải, người dân theo nghề nuôi cua trúng đậm bởi thời điểm đó, giá cua gốc còn rẻ, chỉ dao động trong khoảng từ 15 - 17 ngàn đồng/kg trong khi giá bán cua lột loại I (100 gram/con) có khi lên tới 120 ngàn đồng /kg. Nhờ vậy nhiều hộ nuôi cua lãi từ 5 đến 10 triệu đồng/vụ trên diện tích 1.000m2.
Nói về quy trình nuôi cua lột, anh Hải cho biết, nghề này rất " đơn giản" chỉ cần làm qua một vụ là sẽ nắm vững được kỹ thuật. Cua giống được chặt ngoe, càng chỉ để chừa lại hai chèo sau, sau đó đổ xuống ao nuôi với thức ăn chính là còng. Khoảng 15 ngày sau, khi thấy cua bắt đầu mọc lại nụ (ngoe, càng), bắt thả vào lồng đến khi cua chuẩn bị nhóm mai (lột mai), khoảng 24 giờ sau, cua đã lột hết, lúc đó có thể đem cua đi tiêu thụ. Theo tính toán của những người nuôi, nếu tỷ lệ cua lột chiếm khoảng 30 - 35% là người nuôi đã có lãi. Thời gian cho một vụ kéo dài khoảng từ 20 đến 25 ngày. Nghề này có thể nuôi được quanh năm nhưng tỷ lệ cua lột cao thường rơi vào các tháng mùa khô.
Vào những năm 1998, phong trào nuôi cua lột ở địa phương đã phát triển rầm rộ. Lúc này cả xã có tới 465 hộ nuôi với tổng diện tích lên tới 250 ha, mỗi ngày cung cấp cho thị trường thành phố hàng tấn cua lột. Tuy nhiên cũng vào thời điểm này, nghề nuôi cua ở địa phương đã bắt đầu gặp nhiều rủi ro. Tỷ lệ cua lột ngày càng giảm, số lượng cua cùi (cua không lột) tăng nhanh. Nguyên nhân chính là do sông Xoài Rạp mang nước thải từ thành phố chảy qua địa phận xã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ao nuôi cua.
Lượng cua giống cung cấp mỗi ngày một ít đi, đã đẩy giá ngày càng tăng cao. Hiện nay, giá cua giống đã lên tới 35 - 37 ngàn/kg, thậm chí có những ngày lên tới 50 ngàn đồng/kg. Và một điều hết sức nghịch lý đang diễn ra ở vùng nuôi cua này, trong khi cua giống ngày một tăng thì giá cua lột thành phẩm lại giảm. Nếu những năm trước giá cua lột loại I dao động trong khoảng 90 - 110 ngàn/kg thì hiện tại có ngày giá đã xuống tới 70 - 75 ngàn/kg.Vì thế, nhiều hộ nuôi cua bị lỗ nặng. Nhiều ao không còn nuôi vì theo một số hộ dân: "Thà bỏ ao hoang còn hơn nuôi mà cứ lỗ liên tục" Một điều đáng chú ý nữa là trong những năm trở lại đây, khi phong trào nuôi tôm sú đang phát triển mạnh ở Phước Lại, người dân đã chuyển hướng sang nuôi tôm, những nguyên nhân trên đã làm diện tích nuôi cua tại Phước Lại giảm đi nhiều.
Tính đến thời điểm này, cả xã chỉ còn 116 hộ "đeo bám" nghề nuôi cua lột với diện tích khỏang 75,62 ha, chủ yếu tập trung ở hai ấp :Tân Thanh, Mương Chài.
Ông Phan Hữu Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Cần Giuộc nhận xét: "Từ khi con cua lột được đem về nuôi và phát triển ở địa phương, nghề này đã giúp cho hàng ngàn người có công ăn việc làm, nhiều hộ đã thoát nghèo. Tuy nhiên cho đến nay, nghề nuôi cua lột cũng mang nhiều rủi ro chẳng kém gì con tôm. Riêng với những người nuôi cua họ chỉ mong một điều, lãi chút ít cũng được bởi ở "cái xứ" bưng biền này, người dân chẳng biết làm gì ngoài chuyện nuôi tôm và cua lột".
Có thể bạn quan tâm
Trong các năm gần đây do sự phát triển nhanh chóng của ốc bươu vàng và sâu bệnh hại cây trồng, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc BVTV ngày một nhiều hơn gây ô nhiễm môi trường nước, làm cho động vật thủy sinh ngày càng cạn kiệt.
Cua biển (Scylla paramamosain) là một trong những đối tượng có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng chất và vitamin. Con cua được xem là đối tượng nuôi xoá đói giảm nghèo của bà con ngư dân vùng biển.
Cua biển (Scylla serrata) là một loài thủy sản tiềm năng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng, được ưa chuộng trên thị trường và giá trị kinh tế của nó. Tuy nhiên, việc nuôi cua biển đòi hỏi nguồn vốn đáng kể cho việc mua giống và nuôi thương phẩm.
Nuôi cua biển đang rất phổ biến tại một số nước châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan, Philippine v.v… Cua biển có một nguồn nhu cầu lớn và được giá trên thị trường thế giới. Do cua biển có hương vị khá ngon nên nhiều nước trên thế giới nhập một số lượng lớn để tiêu thụ hàng năm. Kết quả là, một lượng lượng lớn ngoại tệ có thể kiếm được bằng cách xuất khẩu cua.
Cua biển rất phổ biến do nhu cầu rất lớn của nó trong thị trường xuất khẩu. Quy mô thương mại nuôi cua biển đang phát triển nhanh chóng cùng các khu vực ven biển của Andhra Pradesh, Tamil Nadu, Kerala và Karnataka (các bang nằm ở miền Nam , Ấn Độ).