Thâm canh dưa chuột vụ xuân hè
Dưa chuột trồng vụ xuân hè là vụ chính, thường cho năng suất, chất lượng cao nhất. Thâm canh cây trồng này nông dân cần lưu ý một số kỹ thuật sau:
Nên cắm theo hình chữ nhân làm giàn dưa, dùng dây mềm treo dây dưa lên giàn
- Gieo hạt từ sau tiết lập xuân đến đầu tháng 3 dương lịch. Nếu gieo sớm hơn, thời tiết quá lạnh sẽ kéo dài thời gian sinh trưởng và cây yếu. Nếu gieo muộn, gặp nhiệt độ cao, mưa sớm sẽ giảm tỷ lệ đậu quả và năng suất thấp.
Các giống dưa chuột hiện nay rất đa dạng, được chia làm nhiều nhóm (quả nhỏ, quả trung bình và quả to). Nên chọn giống có chất lượng, năng suất cao và chống chịu được sâu bệnh.
- Chọn đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước tưới. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 5,5- 6,5 (trước đó 2 vụ không trồng các cây cùng họ bầu, bí).
- Do bộ rễ phát triển yếu nên đất trồng dưa chuột cần làm kỹ. Sau khi cày bừa kỹ, nhỏ, tơi xốp, chia luống rộng 1-1,2 m, cao 30 cm, rãnh rộng 30 cm, rạch hàng chia luống với khoảng cách 60-70 cm, cách mép luống 20-30 cm. Sau đó, bón phân vào rãnh với lượng cho mỗi ha như sau: phân chuồng hoai mục 20 tấn, vôi 300 kg, urê 200 kg, supe lân 200kg, kali 270 kg.
- Trong vụ xuân, nếu nhiệt độ thấp dưới 15 độ C có thể ủ mầm cho hạt nứt nanh rồi mới gieo. Hạt gieo sâu 1-1,5 cm, rắc 1 lớp đất mịn lên trên, sau đó phủ 1 lớp mùn mục hoặc trấu lên mặt luống trước khi tưới.
- Dưa chuột đòi hỏi tương đối nhiều nước, cần giữ ẩm thường xuyên. Nếu đất thiếu ẩm thân lá sẽ còi cọc, ra hoa quả muộn, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng. Tăng cường lượng nước tưới và diện tích tưới xung quanh gốc khi cây lớn, nhất là thời kỳ cây ra hoa trái rộ, cần thoát nước tốt trong mùa mưa. Trong trường hợp tưới rãnh, không nên để nước quá cao trong rãnh tưới khi cây lớn vì có thể hạn chế hoặc làm thối rễ dưa.
- Khi cây có 4-5 lá thật thì tiến hành xới xáo và bón thúc lần 1: 15% urê, 10% kali chia làm 3 - 4 lần tưới cách nhau 3 - 4 ngày, nồng độ dung dịch khoảng 0,3 - 0,5.
- Khi cây có 7 lá (bắt đầu có tua cuốn) thì cắm giàn bẻ ngọn đối với các giống dưa ra quả trên nhánh. Mỗi sào cần 1.400 - 1.500 cây dóc, chiều dài cây dóc từ 1,5 - 2 m tùy theo chiều cao cây. Giàn dưa chuột nên cắm theo hình chữ nhân, dùng dây mềm treo dây dưa lên giàn. Công việc này cần phải làm thường xuyên, cứ 2 - 3 ngày buộc 1 lần. Hiện nay, việc sử dụng lưới nilon để làm giàn cho dưa leo cũng được phổ biến trong sản xuất vì giảm bớt được số lượng cây giàn, giảm chi phí, thao tác nhanh gọn và dùng được nhiều mùa.
- Sau khi thu hoạch quả lần thứ nhất (65-75 ngày sau gieo) thì bón thúc lần 2 với hàm lượng 25% urê + 20% kali, kết hợp với tưới nước vào rãnh. Nếu gặp mưa, đất ẩm, dùng cuốc nhỏ bổ hốc giữa 2 gốc cây, bón phân và lấp đất, kết hợp làm cỏ và loại bỏ lá già, lá bị bệnh.
- Khoảng 85 ngày thì thu hoạch quả lần 2 và bón thúc lần 3: 30% urê + 20% kali.
- Sau mỗi lần thu hoạch, nếu có nước phân loãng tưới cho cây sẽ kéo dài thời gian thu hoạch quả, nên loại bỏ lá già, lá gốc, lá bị bệnh và nhặt sạch cỏ. Cuối thời gian sinh trưởng không nên bón đạm, vì hiệu quả sẽ không cao.
Có thể bạn quan tâm
Dưa leo (dưa chuột) hiện có rất nhiều giống lai F1 vừa có nguồn gốc trong nước lẫn nhập khẩu, phần lớn có nguồn gốc từ Thái Lan
Dưa leo, hay tên gọi khác là dưa chuột là loại quả được liệt kê vào danh sách không thể thiếu trong bữa ăn hay làm đẹp của con gái. Vì vậy, mọi người nên bỏ túi
Bệnh mốc sương (có nơi gọi sương mai) là một trong những loại bệnh hại nguy hiểm nhất với dưa. Bệnh mốc sương đã gây mất mùa, làm tăng chi phí