Thâm canh cây sắn dây
Tại Hải Dương, cây sắn dây đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Sau đây là một số kinh nghiệm trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây sắn dây:
1. Thời vụ trồng
Trồng từ tháng 3 - 6 dương lịch hằng năm. Muốn cây cho sản lượng cao nên trồng ở chỗ đủ ánh sáng, tầng đất dày, đất tơi xốp, tiện cho việc tưới tiêu. Có thể trồng ở xung quanh vườn, đầu bờ, mé bờ cây bụi hay dành cả ruộng, vườn đắp ụ để thâm canh...
2. Đất trồng và vật liệu cần
Đất trồng sắn dây được trộn đều với phân chuồng, đạm, lân, kali trước khi đưa vào ụ. Ụ đất đánh theo hình nón cụt, mỗi ụ khoảng 2-3 m3 đất, mật độ trồng từ 14-16 ụ/sào, các ụ cách nhau 1,5 - 2 m.
Lượng phân bón lót cho 1 ụ khoảng 100 kg phân chuồng hoai mục, 10 kg supe lân, 3 kg đạm u rê và 2 kg kaliclorua (tương đương 20 kg NPK Fusa 6-8-4).
Trồng 1 sào sắn dây cần 30 - 32 chiếc cọc tre dài 2,6-3 m, đường kính 6-8 cm và khoảng 15 kg dây thép để làm giàn, khi sắn leo gần kín giàn thì cắm bổ sung 25-30 cây dóc dài 3,5-4 m, đường kính 3 cm để chống giàn và tăng khả năng quang hợp ánh sáng cho sắn.
3. Tưới nước và bón phân
Đất quá khô sẽ không tốt cho cây sinh trưởng và phát triển, nhất là giai đoạn phát triển củ. Nói chung quá 15 - 20 ngày không mưa thì phải tưới đẫm nước. Tốt nhất là tháo nước vào ngâm 1-2 giờ rồi tháo đi. Như vậy sẽ giữ ẩm cho cây được từ 15-20 ngày mà không phải tưới nước.
- Bón phân thúc: Nên bón thúc lần đầu vào lúc cây mọc cao 30 cm bằng cách bới 1 rạch trên mặt luống cách gốc 7-10 cm, bỏ phân đã ủ hoai kín vào rạch rồi lấp đất. Cứ 1 tháng nên bón 1 lần, bón liền trong 10 tháng.
- Làm giàn cho dây leo: Cần làm cọc giàn cho cây leo, tốt nhất làm xong lúc cây mọc cao 15-20 cm. Làm chậm dây sẽ quấn vào nhau khó chăm sóc. Nếu không có vật liệu làm cọc leo thì phải vén dây luồn, không để rễ cây mọc ra bám xuống đất, khó khăn cho việc vun xới, làm cỏ, bón phân.
- Tỉa cây, ngắt hoa: Mỗi cây sắn dây có thể mọc 3 - 5 chồi, chỉ chọn chồi to, mập, khỏe để lại còn các chồi khác thì tỉa bỏ. Chồi để lại, khi mọc dài 1,7 - 2 m thì ngắt ngọn đi để đâm nhiều cành, mọc nhiều lá, tăng khả năng quang hợp thúc đẩy củ lớn nhanh.
- Xới đất, vun đắp gốc và làm cỏ: Vào những ngày nắng khô nên xới lớp đất dưới rãnh kéo vun đắp lên luống để lấp củ và làm cỏ cho sắn dây.
4. Phòng trừ sâu bệnh
- Dế đầu to chuyên phá hại cây con lúc chiều mát. Nên tiến hành bắt dế khi chúng ra ăn cây. Ở chỗ trồng sắn dây không nên để đống cỏ dại (là nơi dế ẩn nấp).
- Bọ rùa trưởng thành thường ra cắn lá vào buổi tối trong các tháng 5 - 6. Dùng biện pháp đốt lửa ở gần chỗ trồng vào buổi tối, sâu này sẽ bay vào vì chúng thích ánh sáng.
- Rệp gây hại trên hoa. Nên dùng các loại thuốc trừ côn trùng chích hút như Confidor 100SL, Actara 25WG, Supracide 40EC... khi mật độ cao.
5. Thu hoạch
Sắn dây trồng vào tháng 3 - 4 đến hết tháng 11 đã có thể đào lấy củ. Nếu cây sinh trưởng không tốt, củ chưa to có thể để đến mùa đông năm sau mới thu hoạch. Nếu được thâm canh, sắn dây sẽ cho thu hoạch với sản lượng cao ngay trong năm từ 1,5- 2 tấn củ tươi/sào.
Có thể bạn quan tâm
Quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá sắn được áp dụng cho các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật; các tổ chức, cá nhân trồng sắn
Tuy nhiều ưu thế nhưng giống sắn KM104 lại kén đất. Biết được đặc tính này, anh Nhân thường xuyên đọc sách, báo, chú ý cách chọn, ngâm giống
Tối ưu hóa công nghệ chế biến sắn để đảm bảo ngành công nghiệp này phát triển một cách bền vững là rất quan trọng.
Diện tích sắn năm 2016 ở tỉnh Tây Ninh là 61.600ha, năng suất bình quân hàng năm đạt 30 - 32 tấn/ha và là tỉnh có năng suất cao nhất cả nước.
Hiện nay, tình hình sâu bệnh hại sắn trở nên rất phức tạp tại vùng thâm canh và có nguy cơ lan rộng sang vùng khác.