Thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững
Tham dự diễn đàn có hơn 280 đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT; nhà khoa học; đại diện Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông và bà con nông dân các tỉnh: Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các cơ quan báo đài trung ương và địa phương cùng tham dự diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong những năm qua, ngành sản xuất cà phê Việt Nam có nhiều bất cập và phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như:
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết, sâu bệnh diễn biến bất thường; giá vật tư, lao động đầu vào và giá cà phê thế giới luôn biến động mạnh làm cho người trồng cà phê không yên tâm đầu tư.
Trên 95% diện tích trồng cà phê ở Việt Nam được sản xuất từ các nông trại, vườn gia đình với quy mô nhỏ.
Tình trạng này không những làm cho giá thành sản xuất cao mà còn thiếu sự đồng nhất về kỹ thuật canh tác giữa các nông hộ, dẫn đến sự kém đồng đều về năng suất và chất lượng cà phê, làm giảm uy tín và sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhiều hộ nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái, điều kiện sơ chế, bảo quản còn kém nên chất lượng cà phê nhân chưa đồng đều, thất thoát về khối lượng và chất lượng còn cao.
Thiếu sự liên kết giữa các hộ trồng cà phê và giữa người trồng và các đối tác liên quan trong toàn ngành, thiếu tính bình đẳng trong quan hệ thương mại, chi phí trung gian tăng cao, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và người trồng cà phê dễ gặp nhiều rủi ro…
Tại Diễn đàn lần này, các đại biểu và bà con nông dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề bón phân hợp lý cho đất, tưới nước tiết kiệm và biện pháp tái canh cà phê hiệu quả.
Nhu cầu hiện nay của bà con nông dân là được kiểm tra, phân tích đất để có biện pháp xử lý đất chua, lựa chọn loại phân bón hợp lý theo nhu cầu từng loại cây trồng hoặc bón phân bổ sung thành phần của đất thiếu.
Ngoài ra, vấn đề được thảo luận sôi nổi nhất tại Diễn đàn là kỹ thuật tưới nước cho cà phê đúng cách, đúng thời điểm, đủ lượng nước cần thiết để đạt năng suất cao mà không lãng phí nguồn tài nguyên nước, đặc biệt trước thực trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng hiện nay.
Kỹ thuật tái canh cà phê cũng được nhiều đại biểu quan tâm và nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm tái canh cà phê của nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã thăm mô hình tưới nước tiết kiệm tại Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca Cao Tháng 10 và mô hình tái canh cây cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đóng trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk.
Tại mô hình của Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca Cao Tháng 10, các đại biểu đã trực tiếp trao đổi với chủ hộ về quá trình tham gia thực hiện dự án, thảo luận về tác dụng và hiệu quả của việc áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê.
Theo đánh giá của các đại biểu, ưu điểm của hệ thống tưới tiết kiệm là chi phí lắp đặt ít hơn so với việc đầu tư hệ thống tưới truyền thống như trước đây, việc lắp đặt hệ thống đơn giản, dễ sử dụng, có thể kết hợp bón phân qua hệ thống nước tưới, giảm chi phí nhân công, giảm tối thiểu 20% lượng nước tưới so với biện pháp tưới nước thông thường mà không ảnh hưởng đến chất lượng cũng như năng suất của cây cà phê.
Khi áp dụng, việc lắp đặt và lựa chọn vật liệu cho hệ thống tưới tiết kiệm nước rất đơn giản, dễ tìm trên thị trường, nông dân có thể tự lắp đặt cho vườn cà phê của mình nếu được tập huấn, hướng dẫn.
Tuy nhiên, hệ thống cũng còn 1 số hạn chế cần khắc phục như: áp suất nước tại các van ở đầu và cuối đường ống nhánh quá dài có sự chênh lệch, hệ thống ống lắp cố định nên khó bảo vệ, bảo dưỡng.
Tại mô hình tái canh cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, các đại biểu đã được chia sẻ quá trình thực hiện tái canh thành công của công ty.
Năm 2002, công ty bắt đầu thanh lý trên 39 ha cà phê già cỗi, thực hiện luân canh, cải tạo đất trong 3 năm, trong đó 2 năm đầu trồng cây ngô nhằm thay đổi cây ký chủ, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nhận khoán có diện tích thanh lý cà phê.
Đến năm thứ 3, công ty tiến hành trồng muồng hoa vàng 2 vụ/năm.
Vụ 1 trồng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Khi cây muồng cao trên 1m, bắt đầu ra hoa thì tiến hành cày vùi xuống đất và tiếp tục gieo vụ 2.
Đến tháng 11 tiếp tục cho cày vùi và tiến hành phơi ải đất để năm sau tiến hành trồng mới cây cà phê.
Theo lãnh đạo Công ty, ngoài thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật như: khai hoang, rà rễ và thu gom sạch rễ… thì mục đích của việc trồng hoa muồng vàng là vì đây là cây họ đậu, có hàm lượng chất xanh cao, rễ có nốt sần, có vi sinh vật cố định đạm;
Thân, lá có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, khả năng cải tạo đất tốt, giúp nâng độ phì nhiêu của đất, vừa luân canh thay đổi cây ký chủ của nấm bệnh, đặc biệt là tuyến trùng.
Từ năm 2002 đến nay, công ty đã tiến hành thanh lý và trồng mới tái canh được gần 200 ha và 100% đều đạt chuẩn vườn cây phát triển tốt, năng suất bình quân từ 3-5 tấn/ha, chất lượng hạt cà phê được nâng lên 70% – 75% so với khi chưa tái canh, tăng tỷ lệ hạt cà phê loại R1.
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự và cố vấn cho Diễn đàn, để thâm canh cà phê hợp lý, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cần áp dụng rất nhiều các giải pháp đồng bộ như: quy hoạch vùng trồng, giống, thổ nhưỡng, biện pháp canh tác… Hai mô hình mà các đại biểu đã được tham quan chỉ là một trong những giải pháp hiệu quả hiện nay.
Chính vì vậy, tại Diễn đàn lần này Ban tổ chức Diễn đàn đã mời đầy đủ đại diện của “4 nhà” gồm nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp với mục đích thảo luận cởi mở, hợp tác, chia sẻ thông tin, kiến thức cũng như kinh nghiệm quý báu để tìm ra những giải pháp sản xuất thâm canh cà phê hiệu quả và bền vững nhất.
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiêp “Một số giải pháp thâm canh cà phê hợp lý để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững” là diễn đàn cuối cùng trong chuỗi 18 diễn đàn do Trung tâm KNQG tổ chức trong năm 2015.
Được biết trong năm, hoạt động Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp đã thu hút hơn 5.500 lượt đại biểu tham dự, trong đó có hơn 1.000 câu hỏi được Ban cố vấn là các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp giải đáp với các chủ đề cấp thiết, nổi cộm của nền nông nghiệp nước nhà.
Có thể bạn quan tâm
Đó là con số được đưa ra tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất tôm - lúa tại ĐBSCL, được tổ chức sáng qua 23/9, tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.
Hai giống lúa lai thơm KC06-1, KC06-2 chống chịu rầy nâu, kháng bệnh đạo ôn, nổi bật với chất lượng ngon, hạt gạo thon dài không bạc bụng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Tồn dư của chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt lợn có thể gây ung thư cho người ăn phải.
Mấy ngày qua, người dân vùng biển Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) đổ xô ra biển để nhặt hải sâm trôi dạt vào bờ.
Lần đầu tiên, các nhà khoa học thế giới xác định được chính xác cấu trúc di truyền của hơn 3.000 giống gạo khác nhau. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ…