Thái Bình áp dụng nhiều mô hình nuôi tôm đem lại hiệu quả cao
Nuôi tôm theo mô hình VietGAP hay theo phương thức “nuôi tôm liên kết” trong nhà kính được tỉnh Thái Bình áp dụng giúp giảm rủi ro, dịch bệnh, đem lại lợi nhuận cao.
Nhiều phương thức nuôi tôm mới được tỉnh Thái Bình áp dụng. Ảnh minh họa
Nhằm hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, mô hình “Nuôi tôm Thẻ chân trắng theo quy phạm VietGAP” đã được tỉnh Thái Bình đưa vào áp dụng. Sau thời gian ngắn triển khai mô hình đã có những kết quả về chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và những tiêu chí VietGAP được chứng nhận. Đối với mô hình nuôi theo qui phạm thực hành VietGAP môi trường ao nuôi ổn định. Sản phẩm nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu thụ và giá bán cao hơn.
Ngoài ra phương thức "nuôi tôm liên kết" trong nhà kính cũng được tỉnh Thái Bình áp dụng. Sau thời gian triển khai, các chủ “Ao nuôi liên kết” khẳng định, phương thức nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao là phương thức nuôi chắc ăn, rất ít rủi ro, dịch bệnh và có thể mang lại suất lợi nhuận cao gấp 4 đến 5 lần, thậm chí còn cao hơn nữa so phương thức nuôi truyền thống.
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng trong nhà kính kết hợp phương thức “nuôi liên hoàn từ bể ương ra ao nuôi thương phẩm” để giảm bớt thời gian giai đoạn nuôi ao, công nghệ nuôi tôm nhà kính của Doanh nghiệp Phương Nam đã đưa từ 2 vụ nuôi/năm (nuôi cổ truyền) lên 4 vụ nuôi/năm, đưa năng suất nuôi trồng từ khoảng 1 kg/m2 (nuôi cổ truyền) lên trên 2 kg/m2 và đưa trọng lượng tôm thương phẩm từ 70-75 con/kg (nuôi cổ truyền) lên 30-35 con/kg chỉ sau 105 ngày nuôi.
Việc đưa từ 2 vụ lên 4 vụ nuôi/năm không chỉ đơn thuần mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tăng hệ số quay vòng ao nuôi, quay vòng vốn, rút ngắn thời gian khấu hao ao nuôi, sớm thu hồi vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ao nuôi… mà điều quan trọng là, 2 vụ nuôi tăng thêm thực chất là 2 vụ nuôi trái vụ nên đã tránh được tình trạng “được mùa thì rớt giá” trong sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết đông giá, các tỉnh phía Bắc không thể
nuôi tôm theo phương thức cổ truyền, việc nuôi theo công nghệ mới này giúp có tôm xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán là hết sức có ý nghĩa.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho phương thức nuôi trồng này là vốn đầu tư ban đầu cao (8-9 tỷ đồng/ha) và để thực hiện nuôi trồng độc lập thì “hộ nuôi trồng” phải có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Vấn đề mấu chốt đó là vẫn còn một lượng lớn tôm giống không bảo bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi. Sản xuất tôm giống: Lượng và chất chưa song hành
Một năm không quá nhiều chuyển biến ngoạn mục nhưng lại ổn định như 2017 sẽ là bước đệm tốt để ngành tôm bứt phá vào 2018 vươn lên mức sản lượng 4,88 triệu tấn
Mặc dù gặp nhiều khó khăn ở thị trường xuất khẩu nhưng 2017 đánh dấu mốc là năm trở lại của ngành nuôi cá tra.