Tạo dựng cơ sở vật chất cho hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân
Đủ cơ sở pháp lý
Phó Chủ tịch Lại Xuân Môn cho biết, trong bối cảnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thu hồi đất nông nghiệp ngày càng nhiều sẽ dẫn đến là ND làm nông nghiệp nhưng không có đất sản xuất, không nghề nghiệp, dẫn đến ND thiếu việc làm, nông thôn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Đặc biệt trước xu thế Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì yêu cầu đối với người ND là phải được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức để nâng cao trình độ tay nghề sản xuất, kinh doanh.
Nhưng ND hiện nay đang đứng đầu về “5 nhất”. Đó là hy sinh nhiều nhất, đóng góp nhiều nhất, nghèo nhất, hưởng lợi ít nhất, bức xúc nhiều nhất. Để giải quyết được những “cái nhất” đó của ND thì Đảng, Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho ND, trong đó có hoạt động đào tạo nghề, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng và tổ chức các hoạt động hỗ trợ vốn, thông tin sản xuất, thông tin thị trường; các dịch vụ, tư vấn về giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…, (để tránh tình trạng ND phải sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như: Ngô không ra hạt, phân bón giả...) và tư vấn về pháp luật để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành luật pháp của người ND. Hệ thống các trung tâm DN và HTND thuộc Hội NDVN ra đời với nhiệm vụ hỗ trợ ND những vấn đề đó.
Việc tạo dựng cơ sở vật chất cho hoạt động DN và HTND của Hội NDVN dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa X về nông nghiệp, ND, nông thôn (Nghị quyết 26) nhấn mạnh “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội ND” và nêu rõ “… tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội NDVN trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của ND, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp”.
Thực hiện Nghị quyết 26, Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn T.Ư Hội NDVN xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp NDVN giai đoạn 2010-2020”. Đề án đã được Ban Bí thư thông qua và ban hành Kết luận số 61-KL/TW ngày 3.2.2009, thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo thực hiện. Thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư, ngày 10.5.2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg “Về việc Hội NDVN trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”.
Trong Quyết định số 673, Thủ tướng Chính phủ giao Hội NDVN trực tiếp thực hiện 2 nội dung, trong đó có việc đầu tư xây mới và nâng cấp các trung tâm DN và HTND cấp tỉnh. Như vậy, việc xây dựng mới và nâng cấp các trung tâm DN và HTND thuộc Hội NDVN là thực hiện trên cơ sở Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ. Việc ra quyết định thành lập trung tâm DN và HTND trực thuộc Hội ND tỉnh, thành phố là thẩm quyền của UBND các tỉnh, thành phố.
Thưa ông, lý do gì để Hội NDVN phải xây dựng các trung tâm DN và HTND?
- Hội NDVN là tổ chức chính trị-xã hội có vai trò, nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, ND thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của ND. Trước tình hình mới, Hội không thể duy trì lối làm việc chỉ tuyên truyền “suông”, vận động “chay” mà phải bắt đầu bằng những hoạt động hỗ trợ cho hội viên, ND phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới như lời nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi làm việc với Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN tháng 12.2015.
Nhưng Hội là đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội không được ký kết hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật. Vậy, Hội phải thực hiện vai trò, nhiệm vụ đó thông qua 1 đơn vị sự nghiệp-đó là trung tâm DN và HTND. Thông qua trung tâm này, Hội NDVN mới đủ điều kiện theo quy định để tiến hành, thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ và dạy nghề cho hội viên, ND.
Càng về sau này, tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, ND trong sản xuất, kinh doanh sẽ là các hoạt động chủ đạo của các trung tâm DN và HTND, bởi việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ chỉ thực hiện đến năm 2020. Chính vì vậy, hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ sẽ được Hội NDVN mở rộng thêm ở nhiều lĩnh vực theo nhu cầu của hội viên, ND và theo tín hiệu thị trường, xã hội, xu hướng hội nhập… Cơ sở vật chất tại các trung tâm DN và HTND theo đó cũng phục vụ nhiệm vụ chính cho hoạt động tư vấn, dịch vụ và hỗ trợ hội viên, ND.
Chức năng của các trung tâm DN và HTND này là gì thưa ông?
- Trung tâm DN và HTND là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật; chịu sự quản lý trực tiếp của Hội ND các tỉnh, thành phố và chịu sự quản lý nhà nước về lĩnh vực dạy nghề của ngành lao động thương binh và xã hội.
Các trung tâm DN và HTND có chức năng giúp Hội ND đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, truyền thông tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ ND về sản xuất, thị trường, khoa học kỹ thuật, kết nối cung cầu, giới thiệu, tiêu thụ nông sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm trực tiếp tổ chức dạy nghề chủ yếu cho đối tượng là ND làm nông nghiệp, cho nông dân tại địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới; dạy nghề cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên 3 tháng, dạy nghề tại chỗ (cầm tay, chỉ việc), tổ chức tư vấn việc làm và giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho nông dân. Trung tâm cũng phối hợp dạy nghề trình độ trung cấp và cao đẳng nghề cho đối tượng là con em ND.
Các trung tâm DN và HTND của Hội NDVN có đặc thù riêng. Đối tượng dạy nghề khác với các trường và các trung tâm khác là dạy nghề không phụ thuộc vào độ tuổi, không phải đi khám sức khỏe, không đòi hỏi phải có bằng cấp và trình độ, dạy nghề cho những người đã có nghề hoặc chưa có nghề để họ gắn bó với đồng ruộng, với xây dựng nông thôn mới. Hình thức dạy nghề phải phù hợp theo thời điểm, thời tiết và thời vụ, theo phương thức cầm tay, chỉ việc để nông dân áp dụng ngay vào sản xuất, nhằm tăng năng xuất, nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập.
Cùng với dạy nghề, các trung tâm DN và HTND tổ chức các hoạt động dịch vụ vốn để xây dựng mô hình, hợp tác trong sản xuất, tư vấn, hỗ trợ ND, dịch vụ đầu vào, tiêu thụ nông sản, thông tin thị trường, giá cả, giới thiệu việc làm… để ND sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định, sống được bằng nghề của chính mình.
Học viên lớp học nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm DN và HTND tỉnh Hà Tĩnh mở đang thực hành tiêm phòng cho lợn và bò. Ảnh: Nguyễn Tiến Anh
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động
Ông có thể cho biết tình hình khai thác, sử dụng các trung tâm DN và HTND đã hoàn thành xong việc đầu tư xây dựng?
- Thực hiện từ năm 2012, đến nay, một số công trình nâng cấp đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoạt động rất hiệu quả, như Trung tâm DN và HTND tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Các trung tâm DN và HTND đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ hỗ trợ giống cây, con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất cho ND. Tổ chức 270.000 lớp tập huấn, hướng dẫn 16,2 triệu ND truy cập và sử dụng mạng Internet để nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin giá cả, thị trường. Từ đó, ND biết trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu, thời điểm bán được giá...
Hàng năm, các trung tâm DN và HTND của Hội ND còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức tốt việc khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 6 triệu hội viên, ND. Tổ chức xây dựng 10.000 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi để phổ biến nhân rộng; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng trên 100.000 tấn phân bón, thức ăn chăn nuôi, trên 2.000 máy nông nghiệp theo phương thức bán trả chậm, không tính lãi, góp phần nâng cao năng xuất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, ND.
Hội còn phối hợp với các ngành tư pháp, thanh tra, tài nguyên và môi trường… tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng triệu hội viên. Hằng năm, Hội tham gia giải quyết trên 3.500 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của ND; trực tiếp hoà giải thành công 4.198 vụ, phối hợp hòa giải 19.540 vụ mâu thuẫn, tranh chấp ngay tại cơ sở đã hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, các cấp Hội ND còn tổ chức tốt các hoạt động như cuộc thi “Nhà nông đua tài”; lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; mít tinh phòng chống bạo lực gia đình; về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực, chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái; mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới; phát động Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; phòng, chống thiên tai...
Bên cạnh những việc đã làm được, làm hiệu quả, theo ông các trung tâm DN và HTND thuộc Hội NDVN đang có những hạn chế, khó khăn gì, thưa ông?
- Về địa vị, vai trò kinh tế của ND, nông thôn đang có biểu hiện giảm sút trong quá trình CNH - HĐH và đô thị hóa. Không ít bộ, ngành và địa phương còn coi ND, nông nghiệp là "sân sau của công nghiệp, doanh nghiệp” nên việc đầu tư xã hội phát triển nông nghiệp giảm sút mạnh từ 32,4% của những năm 1989-1990 xuống còn 14,2% những năm 2005-2010 và chỉ còn 6,12% đến 6,06% những năm 2012 – 2014. Cùng với khó khăn của tiêu thụ nông sản, đã làm cho kinh tế nông nghiệp chững lại, giảm sút và kéo theo là việc ND không được quyền “định giá nông sản”..., điều này đồng nghĩa với địa vị, vai trò kinh tế của ND giảm sút theo. Và dẫn tới thu nhập của ND cũng giảm, tạo ra tâm lý là ND nhưng không muốn làm nông nghiệp, đây chính là cái khó cho việc đào tạo nghề làm nông nghiệp như chúng tôi.
Hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ sẽ được Hội NDVN mở rộng thêm ở nhiều lĩnh vực theo nhu cầu của hội viên, ND và theo tín hiệu thị trường, xã hội, xu hướng hội nhập.
Ông Lại Xuân Môn
Xuất phát điểm với nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, sản xuất theo mùa vụ, nhiều NDVN quen sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán, tự túc, tự cấp, chỉ tập trung sản xuất trên những thửa ruộng nhỏ phân tán của mình nhằm đáp ứng lương thực cho gia đình, không chủ trương sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, phần lớn lao động nông nghiệp trẻ tìm cách ly hương, ly nông nên việc vận động cho ND học nghề là rất khó khăn.
Các công trình xây dựng mới chưa hoàn thành vì kinh phí nhà nước cấp mới chỉ được khoảng 2/3 (cấp theo Chỉ thị số 1792, ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước nên chưa hoàn thiện đồng bộ để đưa vào sử dụng như trung tâm DN và HTND các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang… Còn nhiều trung tâm DN và HTND thuộc Hội ND cấp tỉnh chưa được địa phương bố trí biên chế sự nghiệp, hoặc bố trí nhưng chưa đủ để trung tâm hoạt động có hiệu quả.
Thưa ông, để phát huy, khai thác có hiệu quả hơn các trung tâm DN và HTND, trong thời gian tới, Hội NDVN có những giải pháp gì?
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới… Để góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, trong thời gian tới Hội NDVN thực hiện một số giải pháp khai thác hiệu quả các trung tâm DN và HTND như:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ND, nhằm nâng cao nhận thức, thấy rõ trách nhiệm và lợi ích trong việc học nghề, gắn với hỗ trợ nông dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn tham gia phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ND.
- Tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng đào tạo ngắn hạn đối với các nghề nông nghiệp. Đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp, Hội căn cứ năng lực và điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở dạy nghề và nhu cầu lao động của thị trường, trong đó khuyến khích việc gắn đào tạo nghề với giới thiệu việc làm, phối hợp với doanh nghiệp tạo việc làm, xuất khẩu lao động như các trung tâm DN và HTND các tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh…
- Khai thác, sử dụng có hiệu quả các trung tâm DN và HTND thuộc Hội ND cấp tỉnh; tổ chức tốt việc đào tạo dạy nghề cho ND và các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ ND. Kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ND các cấp, giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 2045 ngày 20.11.2015 của Thủ tướng Chính phủ; sau này kết hợp với việc triển khai thực hiện Đề án “Hình mẫu người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
- Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền để hoàn thiện tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ và cơ sở, vật chất của các trung tâm; phối hợp với các cấp, các ngành huy động nguồn lực để phát huy hiệu quả của trung tâm cho công tác dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ ND. Mở rộng các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ hội viên, ND, trong đó có dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quảng bá, triễn lãm giới thiệu và tiêu thụ nông sản cho ND…
- Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét việc chuyển đổi đơn vị quản lý, chức năng, công năng tại một số trung tâm DN và HTND theo Nghị định số 04 ngày 6.1.2016 của Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Thông tư số 23 ngày 16.2.2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực!
Tính đến hết năm 2015, Hội NDVN các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội duy thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay 46.271 tỷ đồng. Các cấp Hội đang quản lý 63.271 tổ Tiết kiệm và vay vốn với 2.252.556 thành viên. Thực hiện thỏa thuận với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội ND các cấp đã tạo điều kiện cho 579.872 hộ vay, dư nợ đạt 21.993 tỷ đồng vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Có thể bạn quan tâm
Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, giá muối ở nhiều địa phương đang giảm.
Do độ mặn giảm, một số địa phương vùng ĐBSCL đã khẩn trương chuẩn bị đất, gieo sạ lúa hè thu. Tuy nhiên, một số nơi khác, ngành chức năng cho biết phải chờ mưa mới xuống giống. Riêng các nhà khoa học khuyến cáo bà con nông dân (ND) không nôn nóng sản xuất bởi tình hình thời tiết còn diễn biến khá phức tạp.
Ngày 4.4, UBND tỉnh Bình Phước cho biết đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trồng cao su trên đất lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020.