Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Tạo bước đột phá từ nuôi tôm công nghiệp

Tạo bước đột phá từ nuôi tôm công nghiệp
Ngày đăng: 17/03/2015

Cà Mau là tỉnh có tiềm năng về kinh tế thủy sản đứng đầu cả nước và thế mạnh này được tỉnh xác định là mũi nhọn trong quá trình phát triển. Cà Mau có diện tích nuôi tôm 265.000 ha, chiếm trên 40% diện tích nuôi tôm của các tỉnh ven biển ĐBSCL. Đây là điều kiện lý tưởng để Cà Mau phát triển ngành kinh tế chủ lực này. Cà Mau phấn đấu đến năm 2015 nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 10.000 ha như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.

Những năm qua, dù có bước phát triển nhưng công nghệ nuôi tôm ở Cà Mau vẫn chưa thoát khỏi lạc hậu, nuôi quảng canh truyền thống vẫn là chủ yếu. Từ đó năng suất nuôi tôm ở Cà Mau thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực.

Năm 2010, năng suất tôm nuôi của Cà Mau bình quân đạt 400 kg/ha, tổng sản lượng tôm nuôi đạt 103.900 tấn, không đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Ngành kinh tế thủy sản vốn được xem là thế mạnh nhưng chưa phát huy được tiềm năng vốn có của nó.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XIV đã khẳng định, mô hình nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau chậm phát triển, không đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp toàn tỉnh chỉ đạt 1.440 ha. Từ cách nhìn đó, tỉnh đã đề ra lộ trình, bước đi phù hợp để phát triển một cách toàn diện nghề nuôi tôm trong thời gian tới.

Cà Mau có tiềm năng, lợi thế về nuôi tôm là rất lớn, tỉnh nên tận dụng lợi thế này để đầu tư quy hoạch phát triển vùng nuôi tôm chuyên canh cho năng suất, chất lượng cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là tỉnh cần quy hoạch và tổ chức lại sản xuất nghề nuôi tôm theo hướng ổn định và bền vững hơn. Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh là nâng dần diện tích nuôi tôm công nghiệp, phấn đấu đến năm 2015 đạt 10.000 ha. Đây là mục tiêu có tính chiến lược, chỉ có con đường phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp tập trung, quy mô lớn mới vực dậy ngành kinh tế thủy sản ở Cà Mau lên tầm cao mới.

UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định phê duyệt, chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng và các địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020. Trong đó, tập trung xúc tiến triển khai quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung; gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, vốn, con giống, khoa học công nghệ, môi trường nuôi… là những giải pháp hàng đầu phải triển khai thực hiện đồng bộ cho phát triển bền vững, hiệu quả nghề nuôi tôm ở Cà Mau hiện nay.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Đoàn Quốc Khởi cho biết, lợi thế ở Đầm Dơi là huyện ven biển, có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp tập trung. Quan điểm chỉ đạo của huyện xác định, phát triển nuôi tôm công nghiệp là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm tới. Đầm Dơi đề ra mục tiêu mỗi năm phát triển 1.000 ha, phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.000 ha nuôi tôm công nghiệp.

Trở ngại lớn nhất của tỉnh hiện nay trong việc phát triển loại hình nuôi tôm công nghiệp tập trung là công nghệ nuôi tôm còn lạc hậu, vùng nuôi phân tán, nhỏ lẻ; kết cấu hạ tầng chưa phát triển đồng bộ. Nhất là hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu, con giống chưa bảo đảm chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm. Đây là thách thức đặt ra không nhỏ để thực hiện mục tiêu 10.000 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Dũng cho rằng, để thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra, thời gian tới tỉnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quy hoạch phát triển sản xuất. Đặc biệt là quy hoạch các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung ở những nơi có điều kiện để mở rộng diện tích.

Triển khai thực hiện một số dự án, mô hình sản xuất thí điểm về nuôi tôm công nghiệp, tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến người nuôi tôm; tổ chức lại và nâng cao năng lực sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, đáp ứng cho nhu cầu nuôi tôm của địa phương; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, kiểm soát được dịch bệnh để hạn chế rủi ro cho người nuôi tôm. Gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản với người nuôi tôm trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết bốn nhà, để giải quyết đầu ra ổn định cho người nông dân.

Chọn khâu đột phá từ nuôi tôm công nghiệp với lộ trình và bước đi phù hợp là mục tiêu được tỉnh hướng tới nhằm thúc đẩy ngành kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển nhanh hơn, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng cho 35 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh hiện nay. Khi đó, sự kỳ vọng về mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2015 của Cà Mau sẽ trở thành hiện thực.

Tags: tom cang xanh, nuoi tom cang xanh, ky thuat nuoi tom cang xanh, nuoi tom cang xanh tren ruong, nuoi tom cang xanh trong ao, tom cang


Có thể bạn quan tâm