Tăng trưởng nông nghiệp có công rất lớn của bà con nông dân
Xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt 40 tỷ USD?
Nhận định về ngành nông nghiệp trong năm 2015, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: “Năm 2015, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất là El Nino gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường; Thị trường xuất khẩu nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn; giá cả nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta giảm.
Vốn đầu tư thấp hơn nhiều so với nhu cầu… đã ảnh hưởng mạnh đến kết quả hoạt động và thực hiện kế hoạch của toàn ngành”.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, việc triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong bối cảnh đó đã được thực hiện kịp thời, đúng hướng nên đã duy trì tăng trưởng với chất lượng ngày càng được cải thiện.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP đạt 2,41%; giá trị sản xuất (theo giá cố định 2010) tăng 2,62%, trong đó, nông nghiệp tăng 2,28%, lâm nghiệp tăng 7,92%, thuỷ sản tăng 3,06%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,73% (tăng 0,4% so với năm 2014) ; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm 715 xã, số tiêu chí bình quân/xã tăng thêm 2,9 so với năm 2014.
Về xuất khẩu, ước cả năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014; trong đó, nhóm hàng nông sản đạt 13,95 tỷ USD (giảm 2,6%), thủy sản đạt 6,53 tỷ USD (giảm 16,5%), lâm sản và đồ gỗ đạt 7,1 tỷ USD (tăng 8,2%).
Cả giai đoạn 2011-2015, kim ngạch xuất khẩu đã tăng mạnh, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 140,6 tỷ USD, bình quân tăng 9%/năm.
So với năm 2010, tổng kim ngạch đã tăng từ 19,5 tỷ USD lên 30,38 tỷ USD năm 2014 và 30,14 tỷ USD năm 2015, tăng 54,6%.
Có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ).
Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2015, Bộ NNPTNT đề ra mục tiêu, trong năm 2016, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD năm 2016 và khoảng 39-40 tỷ USD năm 2020.
Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% vào năm 2020.
Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 25% năm 2016 và 50% năm 2020.
Năm 2016 phải đặt mục tiêu cao hơn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong cả giai đoạn giai đoạn 2011-2015.
Theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn, vượt qua tác động của khủng hoảng, duy trì được tăng trưởng bình quân 3,1%/năm, vượt mục tiêu của Kế hoạch 5 năm do Đại hội Đảng đề ra (2,8-3,0%).
Thủ tướng cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn như năm nay, mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt, có công rất lớn của bà con nông dân chúng ta.
Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng nông thôn đã giảm mạnh”.
Thủ tướng yêu cầu, trên nền tảng kết quả năm 2015, ngay năm 2016 phải đặt ra mục tiêu, kết quả cao hơn, đồng thời phải ra sức khắc phục các yếu kém của ngành nông nghiệp.
“Bây giờ, chúng ta phải triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với các thị trường quốc tế”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm 2016, toàn ngành NNPTNT phải đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của ngành nông nghiệp; đặc biệt phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ, các Tổng cục, các Sở NNPTNT địa phương.
Lĩnh vực nào cũng phải rà soát lại để huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp tốt hơn, xây dựng nông thôn mới tốt hơn.
“Từng lĩnh vực các đồng chí phải rà soát đi, để đề xuất và cả hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp phát triển tốt nhất”- Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị, ngành NNPTNT một mặt phải tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản xuất, rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp.
Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo sức cạnh tranh cả nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệm…
“Trong tái cơ cấu cần có cơ chế chính sách để ứng dụng KHCN vào sản xuất; KHCN là giống, quy trình sản xuất, công nghệ chế biến bảo quản.
Từ giống còn thấp, chế biến yếu, bảo quản…nên giá trị mới thấp, mới không hiệu quả, tốn xăng, điện… chi phí cao.
Phân bón nhiều, tưới theo công nghệ mới thì chi phí giảm đi.
Trước hết, cần có cơ chế chính sách gì khuyến khích người nông dân, nâng cao chất lượng, tạo sức cạnh tranh, tăng thu nhập” - Thủ tướng nêu rõ.
Có thể bạn quan tâm
Xoay quanh câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt, Dân Việt phỏng vấn ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ công nhận làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ, TP.Đà Lạt) là làng nghề truyền thống. Xuân Thành cách trung tâm TP.Đà Lạt hơn 10km, có tổng diện tích trồng hoa 149ha với sản lượng 100 triệu cành/năm, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng và diện tích hoa của xã Xuân Thọ.
Nhiều nhãn hiệu gạo chất lượng cao bắt đầu xuất hiện, được thị trường trong nước chấp nhận, tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia xuất khẩu.