Tăng Thu Nhập Cho Người Trồng Lúa
Hiện nay diện tích trồng lúa giống phẩm cấp thấp tại ĐBSCL lên đến trên 30%, cá biệt có một số địa phương có tỷ lệ rất cao như Đồng Tháp (57%), vượt xa mức 20% đã đề ra. Thị trường gạo cấp thấp của thế giới đã bị Ấn Độ và Pakistan chiếm lĩnh. Mặc dù theo báo cáo của FAO có đến 1 tỷ người trên toàn cầu thiếu gạo ăn, nhưng phần lớn là người ở các nước còn nghèo đói, phần lương thực thiếu hụt; chủ yếu dựa vào sự cứu trợ của quốc tế nên khả năng bán được gạo chất lượng thấp của VN không nhiều. Người trồng lúa đang hy vọng chương trình mua dự trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ để kìm đà mất giá.
Đa số nông dân ĐBSCL SX lúa để phục vụ nhu cầu lương thực của chính mình, một phần dư ra thì đem bán nên việc nắm bắt tình hình thị trường, nhân tố quyết định đến việc XK là rất hạn chế. Theo khuyến cáo của TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cần phải thúc đẩy mối quan hệ liên kết 4 nhà, nông dân nên trồng lúa theo đơn đặt hàng của DN, hạn chế trồng các loại lúa cấp thấp theo ý thích của mình.
Ngoài ra khi kết hợp với DN, nông dân còn được giúp đỡ về mặt kỹ thuật cũng như bao tiêu giá sản phẩm, từ đó có thể an tâm SX, không sợ tình trạng trúng mùa, mất giá. Việc Bộ NN- PTNT phát động chương trình "Cánh đồng mẫu lớn" ở trong Nam và cả ngoài Bắc là hành động thiết thực để tăng khả năng cạnh tranh cho lúa gạo VN và lợi nhuận của người trồng lúa. Việc người trồng lúa tăng được thu nhập từ 2,5- 4 triệu/ha trong các mô hình cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL trên diện tích 17.000 ha trong năm 2011 đã minh chứng điều đó.
Sử dụng thuốc BVTV, phân bón hợp lý
Nhiều nông dân hiện vẫn tiến hành phun thuốc trừ sâu phòng ngừa, định kỳ, theo thói quen trước đây khiến cho hiệu quả sử dụng thuốc BVTV không như mong muốn. Ngoài việc làm tăng chi phí SX, còn gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ để lại tồn dư hóa chất độc hại trong gạo. Để khắc phục nhược điểm này ngoài việc tuyên truyền, chuyển giao TBKT cho nông dân thì Nhà nước cần có biện pháp hạn chế quảng bá của các DN BVTV, tránh lạm dụng thuốc BVTV …
ThS Nguyễn Thị Kiều, PGĐ Sở NN- PTNT Cần Thơ khuyến cáo, để giảm được chi phí thuốc BVTV, ngoài việc sử dụng giống kháng thì việc sạ thưa cũng rất quan trọng bởi với mật độ thưa thì môi trường thông thoáng, qua đó giảm điều kiện phát triển của sâu bệnh. Người dân cũng có thể dẫn dụ các thiên địch sâu bệnh hại lúa bằng cách trồng hoa có màu sặc sỡ dọc bờ ruộng. Đây là biện pháp hiệu quả mà ít tốn kém.
Với lúa trước 40 ngày, khả năng phục hồi rất cao nên trong giai đoạn này nếu có sự xuất hiện ít của sâu cuốn lá, bù lạch thì không cần sử dụng thuốc trừ sâu mà năng suất lúa vẫn không giảm bởi hệ thiên địch có ích cho lúa được bảo tồn.
Cây lúa cần 90% lượng phân bón trong giai đoạn từ gieo hạt đến đón đòng. Thế nhưng vẫn còn nhiều bà con nông dân vẫn bón phân, thậm chí bón cả DAP sau khi lúa trổ, chẳng những gây lãng phí mà còn làm giảm năng suất. Việc bón phân cân đối ngay từ đầu sẽ giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và có tiềm năng năng suất cao. Cung cấp dinh dưỡng trong thời kỳ đẻ nhánh cần chú ý, nếu dư đạm sẽ dẫn đến phát triển quá mức của chồi vô hiệu; chúng sẽ phát triển thành lá ủ ở thân lúa, làm môi trường ẩm thấp, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
Nhiều năm qua, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và VN đã kết luận với điều kiện SX như VN thì việc sử dụng phân chuyên dùng cho lúa là mang lại hiệu quả cao nhất. Phân chuyên dùng cho lúa của Cty CP Phân bón Bình Điền là một TBKT đã được Hội đồng Khoa học của Bộ NN- PTNT công nhận từ 10 năm trước. Gần đây, Bình Điền còn sử dụng chế phẩm Agrotain, một phát minh mới của Mỹ để hạn chế sự thất thoát phân đạm nên hiệu quả của phân chuyên dùng như Agrotain + TE Lúa 1, Lúa 2 càng cao, giảm được chi phí đầu tư.
Ngoài các nguyên tố đại lượng N,P,K nhiều bà con nông dân bắt đấu chú ý đến các nguyên tố trung vi lượng như canxi, silic, borát… Tuy nhiên, với những phân bón này cây lúa chỉ hấp thu được chúng dưới dạng những muối khoáng nhất định và chỉ cần một lượng ít, vừa đủ; nếu dư thì sẽ gây hại cho cây, bởi vậy nên tránh việc sử dụng các chất này thừa thãi, vì giá thành rất cao làm tăng chi phí SX, giảm lợi nhuận. Phân trung vi lượng có thể bón kết hợp với các loại phân đơn, nếu muốn yến tâm thì có thể sử dụng các loại phân chuyên dùng cho lúa, vốn đã được bổ sung đầy đủ các yếu tố trung và vi lượng.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình tôm lúa ở Sóc Trăng được thực hiện dưới hình thức quảng canh cải tiến phát triển chủ yếu ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu
Là một trong những hộ đầu tiên trồng bưởi da xanh trên đất trồng vải thiều, sau gần 8 năm anh Lê Duy Chứ thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/3ha/năm.
Một nông dân ở Đồng Tháp đã thoát cảnh nghèo túng, vươn lên trở thành “đại gia nuôi vịt” và có cơ ngơi tiền tỷ ở vùng quê Tháp Mười.
Chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Phan Văn Phú thành công mô hình nuôi lươn thịt trong bồn
Anh Hùng cho biết những năm lợn cao giá, gà vịt “được mùa” gia đình anh thu lời gần cả tỷ đồng. Năm 2016 - 2017 giá lợn giảm sâu nhưng anh không bỏ đàn