Tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản mùa nắng nóng
Theo dự báo, nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra tại khu vực miền Bắc và Nam Trung bộ từ tháng đầu 6 với nền nhiệt cao, mỗi đợt nắng nóng kéo dài từ 4 – 6 ngày. Điều này sẽ gây tổn hại lớn đến thủy sản nuôi. Để giảm thiểu tác động, ngành thủy sản đã kịp thời hướng dẫn.
Theo Tổng cục Thủy sản, kết quả quan trắc, giám sát môi trường tại các ao nuôi, vùng bãi triều và đầm/vịnh cho thấy nhiệt độ nước tăng cao trên 33 độ C (nhất là từ 13 -16 giờ trong ngày), cùng với nắng nóng có thể xuất hiện mưa giông đột ngột, làm cho các yếu tố môi trường thay đổi khó lường gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi.
Để kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với NTTS, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi; triển khai ngay các khuyến cáo qua các bản tin cảnh báo môi trường của Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III và đơn vị quan trắc của địa phương; phổ biến và hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó với nắng nóng, hạn hán và biến động bất thường của thời tiết, ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Đặc biệt chú ý về khẩu phần ăn, chế độ cho ăn cho phù hợp; thường xuyên quan sát diễn biến của môi trường và thủy sản nuôi, nhất là vào sáng sớm và chiều tối để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cùng với đó, hướng dẫn người nuôi chủ động trong phòng chống dịch bệnh thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu dịch bệnh, cần có biện pháp xử lý và báo ngay với cơ quan chức năng theo quy định; Tổ chức khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo đủ nước cho hoạt động NTTS, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Đồng thời, làm tốt công tác cải tạo ao, đầm, chuẩn bị đủ các điều kiện để thả giống thủy sản nuôi. Chỉ thả giống khi điều kiện thời tiết phù hợp. Thả giống chất lượng tốt, được mua ở các cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện và được kiểm dịch theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Trong chuỗi thức ăn, thủy ngân hiện diện ở dạng hữu cơ (methylmercury - MeHg+) hoặc ở dạng vô cơ (cation Hg2+).
Sử dụng thức ăn chất lượng tốt và quản lý phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Theo nhóm thực hiện đề tài sau gần 4 năm nghiên cứu đây là lần đầu tiên kích thích sinh sản nhân tạo thành công cá sát sọc và nhân rộng nuôi vào năm 2023.