Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tôm, nghêu
Từ giữa tháng 4 năm 2011, dịch bệnh trên tôm biển nuôi của 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre diễn biến khá phức tạp đã gây thiệt hại rất lớn đối với người nuôi. Tính đến ngày 22/7/2011, diện tích tôm nuôi biển bị thiệt hại chiếm trên 15% so với diện tích đã thả nuôi (kể cả vụ 1 và vụ 2), tôm chết tập trung vào khoảng 20 - 40 ngày tuổi. Nguyên nhân do bệnh đốm trắng gây ra và bệnh hoại tử gan tụy nhưng chưa xác định chính xác tác nhân gây bệnh.
Đối với nghêu, so với các năm trước đây, năm 2011 nghêu chết nhiều hơn, gây thiệt hại cho các hợp tác xã hàng trăm tỷ đồng, nguyên nhân đến nay vẫn chưa được xác định chính xác.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến thực hiện các nghiên cứu để tìm nguyên nhân gây bệnh trên tôm và gây nghêu chết hàng loạt trong thời gian vừa qua. Trước mắt, để góp phần giảm thiểu rũi ro, hạn chế thiệt hại trong thời gian tới, người nuôi tôm biển và nghêu cần tập trung thực hiện các biện pháp sau:
* Đối với tôm biển nuôi:
1. Các ban quản lý vùng nuôi thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình, tăng cường bám sát theo dõi vùng nuôi; tổ chức họp tất cả các hộ nuôi trong vùng định kỳ và đột xuất để thông báo rộng rãi mọi thông tin, các giải pháp quản lý ao nuôi, diễn biến tình hình dịch bệnh, kết quả quan trắc môi trường mà ngành chức năng đã hướng dẫn để người nuôi kịp thời có giải pháp quản lý tốt ao nuôi.
2. Cải tạo ao thật kỹ trước khi thả giống, đặc biệt đối với những ao nuôi đã bị nhiễm bệnh cần vớt sạch xác tôm chết và đem chôn tại nơi an toàn; loại bỏ hết các loài giáp xác có trong ao nuôi; tiến hành ngâm rửa và vệ sinh thật kỹ đáy ao bằng vôi đá hoặc formol để loại bỏ mầm bệnh trước khi lấy nước vào ao nuôi; nên xử lý nước bằng Chlorine trước khi thả giống.
3. Chọn tôm giống thả nuôi đúng kích cở theo quy định (tôm sú: Postlarvae 12 trở lên; tôm thẻ: Postlarvae 10 trở lên) và được kiểm dịch đầy đủ. Không nên thả giống chưa được kiểm dịch và không rõ nguồn gốc.
4. Thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc và quản lý ao nuôi: quản lý tốt thức ăn, nên sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi. Trong quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường để bổ sung các chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
5. Khi tôm nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc nghi nhiễm bệnh, người nuôi phải thông báo ngay cho Ban quản lý vùng nuôi, Ủy ban nhân dân xã hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để được hướng dẫn xử lý kịp thời nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Các số điện thoại cần liên hệ:
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Đại: 0753.851.909.
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Tri: 0753.850.023.
- Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thạnh Phú: 0753.870.914.
* Đối với nghêu nuôi:
1. Thường xuyên khảo sát sân bãi để theo dõi tình hình phát triển của nghêu và chủ động san thưa nghêu khi mật độ dày, giảm mật độ nghêu ở các bãi cao, di chuyển nghêu đến khu vực an toàn; tập trung thu hoạch khi nghêu đạt kích cở thương phẩm trước thời điểm tháng 3 hàng năm.
2. Các cá nhân, tổ chức ương nuôi và khai thác nghêu giống phải thực hiện khai báo kiểm dịch đầy đủ theo đúng quy định.
3. Phân công cán bộ hàng ngày kiểm tra và ghi nhận các yếu tố môi trường: nhiệt độ, độ mặn, pH… Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp cho các hợp tác xã, các cơ quan chuyên ngành theo dõi tổng hợp và đánh giá tình hình để tìm ra nguyên nhân và giải pháp hạn chế thiệt hại.
4. Khi nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho các ngành chức năng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; trường hợp nghêu chết các hợp tác xã cần phải làm tốt công tác vệ sinh ở khu vực có nghêu chết, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở bãi nghêu, tránh lây lan sang các khu vực lân cận, đặc biệt là khu vực có nghêu giống.
Tags: phong chong dich benh tom, ngheu, nuoi trong thuy san