Tan Giấc Mơ Làm Giàu Từ Nhím
Giá bán nhím giảm mạnh đã khiến hàng loạt chủ trại nhím ở các huyện trong tỉnh Khánh Hòa điêu đứng.
Một thời phát triển
Những năm trước, phong trào nuôi nhím rầm rộ phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh, hàng loạt cơ sở nuôi nhím mọc lên với đủ quy mô. Ông Hà Mơ (thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) là một trong những hộ tiên phong trong phong trào nuôi nhím tại địa phương này.
Theo ông Mơ, năm 2009, gia đình ông mua cặp nhím giống với giá hơn 30 triệu đồng/cặp khoảng 2 tháng tuổi. Bỏ công tìm hiểu kỹ thuật nuôi và chăm sóc sau một thời gian ngắn, cặp nhím đã cho ra đời những con nhím con và đàn nhím dần tăng lên về số lượng. Sau 15 tháng nuôi, ông xuất bán 1 cặp nhím con giống 4 tháng tuổi với giá gần 20 triệu đồng.
“Vào thời điểm ấy, những hộ dân trong xã đến học tập mô hình nuôi nhím của gia đình tôi để xây chuồng trại nuôi nhím, có người còn đặt cọc trước để mua nhím giống, bởi khi ấy nhím giống rất khan hiếm”, ông Mơ cho hay.
Tại TP. Cam Ranh, hộ ông Nguyễn Thâu (tổ dân phố Ngô Mây, phường Ba Ngòi) là hộ nuôi nhím lớn nhất. Năm 2009, qua tìm hiểu thấy nghề nuôi nhím dễ có lãi, nhím nuôi ít dịch bệnh, Nhà nước đang khuyến khích nuôi nên gia đình ông bỏ hàng trăm triệu đồng đầu tư chuồng trại, mua 6 cặp nhím bố mẹ giống với giá hơn 47 triệu đồng/con về nuôi với hy vọng sẽ làm giàu từ nghề này.
Ông Thâu chia sẻ: “Khi ấy, mục đích của các chủ trại là nuôi nhím sinh sản để bán nhím giống với giá cao. Tôi suy nghĩ, với giá nhím giống khoảng 17 - 20 triệu đồng/cặp nhím con khoảng 1 tháng tuổi thì chẳng bao lâu sẽ thu hồi vốn. Dù nhím giống có bão hòa thì vẫn không sợ lỗ bởi nhím thịt khi ấy giá cũng rất cao, đến 600.000 - 700.000 đồng/kg”.
Theo chia sẻ của các hộ nuôi nhím, trước năm 2010 là thời điểm nghề nuôi nhím ăn nên làm ra. Một con nhím mẹ mới đẻ, chưa cần rao bán đã có người đến đặt cọc tiền giữ nhím con. Nếu con nhím đó đẻ được con cái, thì hộ nuôi có thể thu lợi cả chục triệu đồng. Vì thế, thời điểm ấy, hầu hết chủ các cơ sở đều đầu tư để gây đàn, bán nhím giống, nhà ít cũng có gần chục chuồng nuôi, hộ nhiều lên đến 50 - 60 chuồng.
Đang thoái trào
Nghề nuôi nhím chỉ thịnh được khoảng 3 năm, đến năm 2012 thì bắt đầu thoái trào. Không ít hộ đứng ngồi không yên vì nhím rớt giá mạnh, nhiều hộ để vớt vát lại ít vốn đã bán tháo đàn nhím với giá rẻ. Mới đây, ông Trần Đình Vinh - chủ trại nuôi nhím ở phường Ba Ngòi chấp nhận bán đàn nhím 13 con với giá chưa đến 200.000 đồng/kg.
Tính ra với số tiền bán nhím được gần 20 triệu đồng, ông Vinh thua lỗ cả trăm triệu đồng tiền đầu tư chuồng trại và nhím giống. Tương tự, ở xã Sơn Thái, một số hộ nuôi nhím cũng đã bán tháo để gỡ vốn. Hiện trên địa bàn xã chỉ duy nhất hộ ông Hà Mơ còn nuôi 10 con nhím, nhưng ông cho biết sẽ bán đàn nhím nếu có người mua.
Còn ở trại nuôi nhím của ông Nguyễn Thâu, số nhím trưởng thành đã lên tới 125 con. “Nghề nuôi nhím đã qua thời hoàng kim, không ai ngờ chỉ sau 3 năm nhím rớt giá thê thảm. Bây giờ, nhím giống đẹp chỉ có giá khoảng 3 - 4 triệu đồng/cặp, nhím thịt thì chưa đến 200.000 đồng/kg.
Giá rẻ thế nhưng chẳng mấy người mua, cả năm nay tôi chưa bán được con nhím nào”, ông Thâu cho biết. Theo ông Thâu, với giá nhím như hiện nay, nếu bán toàn bộ trại nhím ông chỉ thu được khoảng 200 triệu đồng, trong khi 3 năm trước giá trị trại nhím này hơn 1 tỷ đồng. Tiếc vốn đầu tư, công chăm sóc, ông Thâu quyết định giữ lại đàn nhím với hy vọng nghề nuôi này sẽ qua cơn thoái trào, chỉ xuất bán ít nhím thịt giá thấp.
Điều ông Thâu lo lắng hiện nay là ngoài giá nhím thấp thì việc duy trì đàn nhím cũng đang gặp khó khăn do Giấy chứng nhận trại nuôi động vật hoang dã thông thường của gia đình ông đã hết hạn nhưng lại vướng việc xác nhận đảm bảo vệ sinh môi trường nên chưa được cấp lại. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều hộ muốn gắn bó với nghề nuôi nhím.
Ông Nguyễn Văn Hiệp - cán bộ phụ trách động vật hoang dã Hạt Kiểm lâm Cam Ranh cho biết: “Trước đây, trên địa bàn TP. Cam Ranh, hầu hết các cơ sở nuôi động vật hoang dã đều nuôi nhím, với tổng đàn cao điểm lên đến hơn 1.000 con. Thế nhưng, do nhím rớt giá, hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên trên địa bàn hiện chỉ còn 22 cơ sở nuôi nhím với tổng đàn gần 400 con.
Hiện nay, một số hộ nuôi muốn tiếp tục gắn bó với nghề nuôi nhím còn gặp khó khăn trong việc cấp lại giấy chứng nhận trại nuôi động vật hoang dã thông thường, do các cơ sở này còn thiếu giấy chứng nhận đánh giá tác động môi trường. Nếu không có giấy chứng nhận này, chắc chắn khi kiểm tra, các hộ nuôi sẽ bị phạt, khi xuất bán sẽ không được cấp chứng nhận xuất xứ vật nuôi”.
Còn ở huyện Khánh Sơn, không ít chủ cơ sở mua nhím giống với giá hơn chục triệu đồng/con, sau mấy năm chăm sóc, nhím trưởng thành có trọng lượng hơn 10kg nhưng bán chỉ được giá 2 triệu đồng/con. Vì thế, nhiều chủ trại đành bán rẻ để thu hồi vốn.
Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho hay, vào thời điểm cao trào, trên địa bàn huyện có đến chục cơ sở nuôi nhím nhưng nay chỉ còn 2 cơ sở nuôi, số lượng hơn 10 con.
Hàng loạt chủ nuôi nhím nhỏ lẻ đã chấp nhận lỗ vốn để tháo chạy khỏi nghề nuôi nhím. Trong khi đó, trang trại nuôi nhím có quy mô muốn gắn bó với nghề này lại gặp khó trong thủ tục đăng ký trại nuôi. Những khó khăn này đã khiến nhiều người tan giấc mơ làm giàu từ nhím.
Ông Nguyễn Tây - Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 167 cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có 155 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường, với hơn 2.500 cá thể (chủ yếu là nhím).
Thời gian qua, một số cơ sở nuôi đã dừng hoạt động, một số cơ sở nuôi số lượng cá thể không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do người nuôi thiếu kiến thức nên vật nuôi chậm phát triển. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều cơ sở không muốn nuôi tiếp.
Có thể bạn quan tâm
Họp bàn về sản xuất, tiêu thụ muối mà chính quyền tỉnh "họp kín", phóng viên các báo thường trú không được tham dự, quả là chưa hề có tiền lệ!
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, XK thủy sản của Việt Nam sang 11 nước thành viên tham gia TPP chiếm trên 45% tổng giá trị XK. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay lập tức khi TPP có hiệu lực với 90% các loại thuế XNK sẽ giảm.
TPP không chỉ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật mà sẽ tác động đến thu nhập của ngư dân khai thác cá ngừ.
Thời gian gần đây, dấu hiệu của thị trường đã ảnh hưởng rất xấu đối với ngành chè của tỉnh Lâm Đồng, khiến cho ngành kinh tế thế mạnh này của tỉnh đang lâm vào cảnh lao đao.
Theo kết quả giám định, có tới 19 trong tổng số 29 mẫu phân bón của công ty Thuận Phong có thành phần dinh dưỡng không phù hợp với công bố, chất lượng không đảm bảo.