Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tận dụng rơm nuôi bò, tại sao không ?

Tận dụng rơm nuôi bò, tại sao không ?
Tác giả: Ngô Chuẩn
Ngày đăng: 24/07/2019

Trong điều kiện chưa thể phát triển những đồng cỏ rộng lớn thì bù lại, An Giang thải ra hơn 5 triệu tấn rơm mỗi năm. Nếu hợp tác tốt với các đơn vị, tập đoàn giỏi về công nghệ, lượng rơm khổng lồ này sẽ là nguồn thức ăn dinh dưỡng để phát triển ngành chăn nuôi bò.

Việc tận dụng rơm nuôi bò mới dừng ở mức độ thô

Sao cứ phải là cỏ tươi?

Bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về ngành chăn nuôi, PGS.TS Võ Lâm (Bộ môn Chăn nuôi và Thú y, Khoa Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trường Đại học An Giang) cho rằng, An Giang là tỉnh có truyền thống lâu đời về chăn nuôi trâu, bò trong gia đình nhưng chỉ dừng lại ở mức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ. Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường nên khuynh hướng phát triển đàn bò quy mô nông trại với số lượng lớn được hình thành. Tuy nhiên, thực tế khó khăn lớn nhất trong phát triển đàn bò là việc chủ động nguồn thức ăn thô xanh chất lượng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. “Các nguồn thức ăn xơ thô chiếm phần lớn trong khẩu phần, là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các loại gia súc nhai lại như bò. Chúng có từ các loại cỏ trồng, phụ phẩm, phế phẩm trồng trọt sau thu hoạch và chế biến nông sản. Trong đó, những phụ phẩm, phế phẩm như: rơm, thân bắp, dây khoai lang, rau và đậu vốn phổ biến quanh năm ở An Giang nhưng chưa được tận dụng. Nguyên nhân do các loại thức ăn này chứa rất nhiều xơ, hàm lượng đạm, khoáng và vitamins thấp. Muốn tận dụng hiệu quả các nguồn thức ăn xơ thô này, cần phải xử lý chúng hay bổ sung thêm các nguồn thực liệu giàu dinh dưỡng khác” - PGS.TS Võ Lâm phân tích.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng diện tích gieo sạ cả năm khoảng 620.000ha lúa, sản lượng lúa ở An Giang đạt hơn 3,9 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 cả nước (Kiên Giang đứng đầu với 4,3 triệu tấn lúa năm 2018). Theo ước tính của một số nhà nghiên cứu, với tỷ lệ thu hồi rơm bình quân 1,347 lần thì trên 3,9 triệu tấn lúa sẽ cho ra khoảng 5,3 triệu tấn rơm/năm. Tuy nhiên, chỉ có 0,25% lượng rơm được sử dụng để chăn nuôi gia súc, hơn 90% bị đốt bỏ hay vùi vào đất, còn lại số ít để bán và trồng nấm. “Hiện nay, hầu hết diện tích lúa đều thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tạo thuận lợi cho các máy thu gom rơm tươi hoạt động, cuộn lại thành bó. Như vậy, tiềm năng tồn trữ và ủ rơm tươi để làm gia tăng giá trị dinh dưỡng, cung cấp nguồn thức ăn chất lượng cho bò là rất lớn” - PGS.TS Võ Lâm đánh giá.

Cần tăng cường hợp tác

Bên cạnh lượng rơm khổng lồ, An Giang còn có nguồn phụ phẩm, phế phẩm rất lớn từ diện tích 60.000ha rau màu/năm, đặc biệt là thân cây bắp non (mềm và có hàm lượng dinh dưỡng rất cao), nếu được xử lý ủ chua thì sẽ là nguồn thức ăn rất tốt. Ngoài ra, với sản lượng thu hoạch 371.000 tấn cá tra (năm 2018), lượng phụ phẩm sau chế biến tương đương hơn 241.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất thức ăn gia súc bằng cách phối trộn trong khẩu phần ăn của gia súc nhai lại, giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng.

PGS.TS Võ Lâm cho rằng, lợi thế của An Giang là có nhiều nhà máy chế biến nông - thủy sản tập trung, giúp thuận tiện thu gom, phân loại và vận chuyển các loại phụ phẩm, phế phẩm sau chế biến với số lượng lớn. Bên cạnh đó, với những diện tích đất bạc màu, có thể tận dụng trồng cỏ và những loại cây cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất thức ăn nuôi bò. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là dù nguồn phụ phẩm, phế phẩm có khối lượng lớn nhưng nghèo dinh dưỡng, trong khi tỉnh chưa có công nghệ thích hợp để sản xuất các sản phẩm thức ăn hoàn chỉnh cho chăn nuôi gia súc, đặc biệt là các khâu chế biến - phối trộn - lưu thông. PGS.TS Võ Lâm đề nghị, các ngành chuyên môn của tỉnh cần khảo sát vùng sản xuất có khả năng tạo ra phụ phẩm, phế phẩm ổn định cho sản xuất thức ăn gia súc nhai lại. Từ đó, đưa ra dự báo sản lượng để xây dựng trung tâm sản xuất thức ăn hoàn chỉnh (liên kết, chuyển giao, mua trọn gói công nghệ), có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để cung cấp nguồn thức ăn ổn định, chất lượng cho hộ gia đình, trang trại nuôi bò.

“Cuối năm 2017, một đoàn công tác của An Giang đã sang học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Israel, tham quan trung tâm sản xuất thức ăn hoàn chỉnh nơi đây. Trung tâm sử dụng tổ hợp công nghệ tự động dùng để sản xuất thức ăn hoàn chỉnh cho bò bằng cách tận dụng tất cả các dạng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch và chế biến. Đoàn An Giang đã có buổi làm việc với Tập đoàn TIRAN (Israel) về các kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh quan tâm, trong đó có công nghệ chế biến thức ăn cho bò. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nông nghiệp An Giang liên kết với Israel đầu tư công nghệ này, vực dậy tiềm năng, lợi thế của ngành chăn nuôi bò” - PGS.TS Võ Lâm đề xuất.


Có thể bạn quan tâm

Trồng dừa hữu cơ - hướng phát triển bền vững cho chuỗi giá trị cây dừa Trồng dừa hữu cơ - hướng phát triển bền vững cho chuỗi giá trị cây dừa

Mục tiêu chính của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Dự án) là xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường

23/07/2019
Một số biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi Một số biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

Thực hiện chống nóng chuồng nuôi, có hệ thống cửa sổ và quạt thông gió để lưu thông không khí khi cần thiết, trồng nhiều cây bóng mát xung quanh chuồng nuôi

23/07/2019
Mô hình trồng dưa lưới xã Thừa Đức đem lại hiệu quả cao Mô hình trồng dưa lưới xã Thừa Đức đem lại hiệu quả cao

Thí điểm thành công mô hình trồng dưa lưới. Hiện mô hình đang được nhân rộng và có hướng thành lập tổ hợp tác trồng dưa lưới ngay tại địa phương.

24/07/2019