Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tân Bình Chuyển Đổi Cây Trồng

Tân Bình Chuyển Đổi Cây Trồng
Ngày đăng: 04/08/2014

Từ nhu cầu thực tế, chính quyền địa phương và người dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp đã có cách làm tích cực trong việc chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Chuyển đổi cây trồng là câu chuyện không mới, nhưng chọn được loại cây trồng thích hợp vẫn là câu hỏi khó cho nông dân. Thế nhưng, muốn trụ vững trên mảnh vườn thửa ruộng của chính mình không điều gì khác hơn chính người nông dân phải nhạy bén trong việc tìm cây trồng thích hợp.

Triển vọng chanh không hạt

Khi cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, thì câu chuyện chuyển đổi cây trồng càng trở nên cấp thiết. Ông Nguyễn Ngọc Mến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Toàn xã Tân Bình có trên 47ha mía, nhưng nằm ngoài khu vực được bao tiêu của các nhà máy đường.

Do vậy, cứ mùa vụ đến thì người dân lại gặp vô vàn khó khăn, như thương lái ép giá, không được hỗ trợ chi phí sản xuất, bị ngập lụt… Chính vì vậy, không riêng gì tôi, người dân ai cũng muốn tìm kiếm cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao”.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, địa phương đã thực hiện đề án chuyển đổi từ cây mía sang trồng chanh không hạt của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Diện tích chuyển đổi khoảng 5,8ha với 25 hộ dân tại ấp Cầu Xáng đăng ký tham gia và hiện có đến 22 hộ đăng ký vay tiền mua con giống và lên liếp.

Ông Trần Văn Ve, ở ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình là một trong những hộ đầu tiên hăng hái tham gia mô hình trồng chanh không hạt cho biết: “Hồi trước trồng mía bấp bênh, giá mỗi ký mía chỉ từ 800-850 đồng, nhưng chanh có thể lên đến trên 20.000 đồng lại được bao tiêu hết.

Tôi nhận thấy đây là cây trồng rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và đặc biệt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với mía. Không thử thì làm sao thành công, do vậy tôi quyết định xin vay 30 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ người tham gia đề án và đầu tư trồng 300 cây chanh không hạt trên 2 công đất vườn”.

Ông Phạm Công Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, kỳ vọng: Khi tham gia đề án thí điểm này, những hộ dân sẽ được hỗ trợ bằng hình thức vay vốn tín chấp (30 triệu đồng/hộ), được tập huấn, hướng dẫn về quy trình kỹ thuật chăm sóc,...

Tất cả chỉ mới bắt đầu, chưa thể nói trước được kết quả ra sao, nhưng cả địa phương và người dân đều tin tưởng vào hiệu quả mà đề án mang lại. Đối với người nông dân, chỉ cần thoát cảnh bấp bênh vì cây mía cũng là điều đáng mừng.

Bắp nếp cứu cánh người nghèo

Bất kỳ ai đi ngang xã Tân Bình cũng thấy hình ảnh những người phụ nữ đội mưa bán bắp luộc dọc theo mé chân cầu Xáng. Người dân cho biết cây bắp đã “ngự trị” ở đây nhiều năm. Đặc biệt, tại ấp Cầu Xáng, người dân đã thành lập hẳn một tổ hợp tác (THT) để hỗ trợ nhau kỹ thuật trồng loại cây này.

Gia đình ông Trần Phước Huệ, Bí thư Chi bộ ấp Cầu Xáng, một trong những nông dân đã mạnh dạn đưa giống bắp nếp vào sản xuất thay cho cây mía.

Câu chuyện không dừng lại ở việc chuyển đổi, bởi chính loại cây trồng ít người gắn bó này lại xóa nghèo cho nhiều hộ dân. Theo lời ông Huệ, trong vòng 3 năm nay, THT đã có 8 hộ xóa nghèo nhờ trồng bắp. Bản thân ông Huệ cũng là một trong những người vừa được chính quyền công nhận thoát nghèo.

Trồng bắp nếp chỉ mất thời gian hơn 2 tháng, mỗi năm được 3 vụ bắp mà có thể trồng thêm 1 vụ lúa, thu nhập bình quân đạt 12-15 triệu đồng/công/năm. Ông Huệ chia sẻ: “THT có 6ha trồng bắp nếp, nhưng qua vài năm làm ăn hiệu quả nên nhiều bà con bên ngoài cũng trồng theo. Đến thời điểm này, nếu tính cả khu vực lân cận THT thì có đến 10ha trồng bắp nếp.

Theo tính toán của bà con trong THT, tổng vốn đầu tư cho một công bắp chỉ trên dưới 1 triệu đồng, sau khi trồng khoảng 70 ngày thu được 1,7-2 tấn bắp tươi (5.000-6.000 trái), với giá bán bình quân 20.000-25.000 đồng/chục (14 trái), trừ chi phí lãi hơn 4 triệu đồng/công. Vào thời điểm nông nhàn, những người trong THT cùng nhau xây lò nấu bắp bán, tính ra mỗi chục bắp cũng cỡ 40.000-50.000 đồng nên phần lời tăng gấp 2-3 lần so với bán bắp tươi”.

Ông Phạm Công Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, cho biết: Có thể nói, trồng bắp nếp mang lại cho người dân thu nhập khá cao. Tuy nhiên gần đây, có nhiều tin đồn cho rằng người nấu bắp cho thuốc Trung Quốc vào bắp nấu mau chín, vì thế mà bà con trồng bắp tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp hồ tiêu đề nghị xây phòng kiểm định chất lượng Doanh nghiệp hồ tiêu đề nghị xây phòng kiểm định chất lượng

Do các phòng kiểm định chất lượng trong nước chỉ kiểm tra được gần 200 chỉ tiêu nên các doanh nghiệp hồ tiêu phải tốn thời gian và chi phí gửi mẫu ra nước ngoài kiểm định. Hiệp hội Hồ tiêu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) nên xây dựng một phòng kiểm định chất lượng phù hợp với quốc tế.

11/04/2015
Thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca Thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt và Công ty Him Lam đưa ra Đề án phát triển cây mắc-ca tại Việt Nam với quy mô trồng 200.000ha tại Tây Nguyên trong 5 năm tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi trồng ồ ạt cây mắc-ca để tránh những hệ luỵ.

11/04/2015
Ùn ùn bán lá mãng cầu xiêm lợi trước mắt, hại lâu dài Ùn ùn bán lá mãng cầu xiêm lợi trước mắt, hại lâu dài

Thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lá mãng cầu xiêm theo kiểu tận thu nên tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại kinh tế lâu dài đối với người dân.

13/04/2015
Giá thanh long đang tăng trở lại Giá thanh long đang tăng trở lại

Hiện giá bán thanh long dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá bán thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã tăng trở lại. Theo các nhà vườn, thanh long tăng giá là do bị mất mùa.

13/04/2015
Tân Yên (Bắc Giang) xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm Tân Yên (Bắc Giang) xúc tiến tiêu thụ vải thiều sớm

Chuẩn bị cho vụ vải thiều năm 2015, ngày 18-3 tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả vụ vải thiều 2014 và xúc tiến tiêu thụ vải thiều 2015 do UBND huyện Tân Yên tổ chức.

13/04/2015