Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Tái tạo nguồn lợi từ hoạt động phóng sinh

Tái tạo nguồn lợi từ hoạt động phóng sinh
Tác giả: Phương Ngọc
Ngày đăng: 16/12/2019

Phóng sinh là nét văn hóa đẹp trong đời sống, với ngành thủy sản, hoạt động này còn góp phần quan trọng nhằm tái tạo bảo vệ nguồn lợi. Thế nhưng, phóng sinh cũng cần thực hiện đúng cách để trọn vẹn ý nghĩa và khoa học.

Phóng sinh là hoạt động góp phần quan trọng nhằm tái tạo bảo vệ nguồn lợi - Ảnh: VM

Theo Tổng cục Thủy sản, trung bình mỗi năm, trên cả nước, ước tính khoảng 42 triệu con giống thủy sản các loại được thả vào thủy vực tự nhiên. Bên cạnh các cơ quan chuyên môn, hoạt động thả phóng sinh các giống, loài thủy sản cũng được các tăng ni, phật tử và người dân thực hiện. Điều này góp phần không nhỏ phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước. 

Phải làm đúng cách

Ngày 21/9/2019, tại Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đã tổ chức tuyên truyền cho các tăng ni, phật tử và người dân Cà Mau, hướng dẫn thực hành thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, để việc phóng sinh được thực hiện đúng cách theo quan điểm của Phật giáo và mang lại hiệu quả cho công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản (thả giống phóng sinh đúng kỹ thuật và đúng quy định của pháp luật) thì việc phóng sinh phải phát xuất từ tấm lòng thiện nguyện, không tư lợi; phóng sinh bằng cái tâm, không theo phong trào. Phóng sinh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, đắt rẻ. Khi phóng sinh cần quan tâm đến môi trường sống của loài, thả chúng về đúng môi trường sống tự nhiên, không nên mua giống cá sông thả ra biển hay thả cá biển vào sông, không thả vào môi trường khó sinh tồn hay làm hại các sinh vật khác… 

Phóng sinh với số lượng phù hợp, đảm bảo chất lượng, vận chuyển và thả đúng cách để tỷ lệ sống cao nhất. Không phóng sinh các loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại theo quy định của pháp luật. Khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.  

3 vấn đề cần lưu ý

Về thời gian, địa điểm: Hoạt động phóng sinh có thể thực hiện quanh năm nhưng cần chọn thời điểm thả lúc thời tiết mát, tránh thả giữa trưa hè oi bức hoặc mùa đông giá lạnh có thể gây sốc đối với loài thủy sản phóng sinh. Phóng sinh loài thủy sản vào các thủy vực có điều kiện phù hợp với đặc điểm sinh học của loài được thả. Ví dụ: Cá nước ngọt thì phải thả ở sông, hồ; cá biển thì phải thả ở biển. Phóng sinh loài thủy sản vào các thủy vực rộng lớn, không khép kín như sông, hồ chứa nối với sông, suối lớn, thủy vực không bị ô nhiễm. Với các hoạt động phóng sinh có tổ chức, quy mô lớn nên phóng sinh loài thủy sản vào những nơi mà chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương khuyến khích như các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về số lượng, nguồn gốc, chất lượng các loài thủy sản: Không nên thả với số lượng quá lớn tại một thời điểm, trong cùng một thủy vực, khiến loài được thả phải sống trong môi trường chật hẹp, thiếu ôxy làm giảm sức khỏe và khả năng sống. Không nên phóng sinh các loài thủy sản quá yếu hoặc có dấu hiệu bệnh tật vì khi thả xuống thủy vực, loài thủy sản không những không sống được mà còn lây truyền dịch bệnh cho loài khác và khi chết sẽ gây ô nhiễm môi trường nước. Loài thủy sản được thả nên có hoạt động bình thường, phản xạ nhanh với tiếng động và không có dấu hiệu bị bệnh. 

Vận chuyển: Trường hợp phóng sinh quy mô nhỏ với số lượng cá thể ít, nơi thả phóng sinh gần thì có thể vận chuyển loài thủy sản bằng túi nilon nhỏ, chậu, thùng chứa nước. Trường hợp phóng sinh quy mô lớn, cần chuẩn bị phương tiện vận chuyển đảm bảo để loài thủy sản có sức khỏe tốt khi được thả phóng sinh: Vận chuyển cá bằng thuyền thông thủy, ghe đục; Vận chuyển tôm bằng sọt lót nilon thùng chở bằng xe đạp, xe máy, thuyền thông thủy (ghe đục), túi nilon có bơm ôxy. Vận chuyển các loài trai, ốc: Nếu khoảng cách gần, thời gian ngắn thì không cần giữ chúng trong môi trường nước mà chỉ cần giữ cho phương tiện vận chuyển ẩm, mát như phủ bèo lên. Những hình thức vận chuyển trên phụ thuộc vào đối tượng loài, kích cỡ, thời gian, nhiệt độ môi trường để lựa chọn cho phù hợp. 

Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản triển khai thực hiện đồng bộ trong cả nước. Từ đó, huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đẩy mạnh công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sự đồng thuận trong xã hội và có sức lan tỏa mạnh mẽ.


Có thể bạn quan tâm

Tìm ra hệ thống nuôi tôm thay thế biofloc? Tìm ra hệ thống nuôi tôm thay thế biofloc?

Các kết quả nghiên cứu Biosecurity Benefits of EC mới đây của hãng NaturalShrimp một lần nữa khẳng định, công nghệ nuôi tôm ngăn chặn Vibrio

14/12/2019
Nâng cao chất lượng cá nuôi trong hồ chứa tại Bình Định Nâng cao chất lượng cá nuôi trong hồ chứa tại Bình Định

Hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng cá điêu hồng nuôi trong hồ chứa theo liên kết sản xuất chuỗi tiêu thụ

14/12/2019
Triển vọng từ luân canh tôm - cá ở Sóc Trăng Triển vọng từ luân canh tôm - cá ở Sóc Trăng

Anh Võ Điền Trung Dũng (ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) đã thành công với mô hình nuôi một vụ tôm, một vụ cá hồng Mỹ.

14/12/2019