Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu cấp thiết

Tái cơ cấu nông nghiệp, yêu cầu cấp thiết
Tác giả: Trần Minh Trường
Ngày đăng: 10/04/2017

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Từ đó đến nay, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chủ yếu là tập trung vào cây lúa, hạt gạo. Tuy nhiên, thực tế chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, kết quả chưa vững chắc. Vậy làm gì để nông nghiệp phát triển bền vững? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL xung quanh vấn đề này.

Điều quan trọng hơn là làm thế nào để nuôi trồng có hiệu quả. 

Phóng viên: Thưa giáo sư, là người gắn bó lâu năm với cây lúa, hạt gạo ở ĐBSCL, ông nhận định như thế nào về tình hình cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay

GS-TS NGUYỄN VĂN LUẬT: Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, thời gian qua, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, toàn vùng đã chuyển hơn 78.000ha đất sang trồng cây ăn trái như dưa hấu, mè, bắp, thanh long, đậu tương, rau, màu với nhiều diện tích chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế tăng 20% - 30% so với trồng lúa. ĐBSCL đã hình thành 1.200 HTX nông nghiệp và khoảng 16.000 tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác phát triển mạnh trong trồng trọt và thủy sản. Đối với các doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT chỉ định liên kết thu mua 12.000ha lúa gạo của nông dân, thì doanh nghiệp mới bao tiêu được 80% diện tích với hai hình thức phổ biến là thông qua HTX/tổ hợp tác và liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân.

Tại ĐBSCL, Đồng Tháp là một “điểm sáng” về tái cơ cấu nông nghiệp, nhưng quá trình cũng bắt đầu chựng lại vì chúng ta quá thiếu doanh nghiệp nông nghiệp - một mắc xích quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Làm sao tái cơ cấu nông nghiệp đạt được mục tiêu quan trọng hơn là gia tăng giá trị cây trồng vật nuôi đi liền với nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, bảo đảm cuộc sống người nông dân phát triển bền vững, xóa cảnh “được mùa mất giá”. Một nội dung khác của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi đất trồng lúa (cho hiệu quả thấp) sang trồng cây, con khác nhưng diện tích chuyển đổi này của toàn vùng còn ít so với kế hoạch (mới chuyển được 78.000ha so với 1,8 triệu ha đất lúa cần phải chuyển đổi) và nhiều địa phương cũng không “mặn mà” với việc này vì liên quan tới thị trường.

Nông dân là chủ thể của nông nghiệp, nông thôn, nhưng quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay chưa thấy được vị trí của người nông dân. Làm gì để nông dân an tâm sản xuất?

Theo tôi, tái cơ cấu nhanh nền nông nghiệp bền vững cần lấy điểm xuất phát, lấy thước đo là mức độ cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người nông dân. Trong công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp có nội dung trồng cây gì, nuôi con gì. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là làm thế nào để nuôi trồng có hiệu quả. Vì vậy phải có khởi điểm thích hợp và bước đi vững chắc. Dùng giống và kỹ thuật nào để vừa phải đầu tư ít, vừa dễ bán có lời cao là mục đích sản xuất của nông dân. Tái cơ cấu nông nghiệp cần tính đến thu nhập thuần của nông hộ, trong đó có nông sản hàng hóa, như lúa gạo, trái cây, tôm cá. Vì diện tích sản xuất lúa của mỗi gia đình lại quá nhỏ lẻ, nên muốn thu nhập cao phải luân canh tăng vụ lúa - bắp/cây đậu, lúa - tôm/cá, đa canh, phát triển ngành nghề.

Tái cơ cấu nông nghiệp ở phạm vi vĩ mô cần xem xét ngành hàng sản xuất kinh doanh lúa gạo, rau hoa quả.. nên vận hành thế nào để lợi ích hướng vào người sản xuất ra nông sản vì nông dân hiện bị thiệt thòi nhiều. Thực tế nông dân chỉ biết sản xuất ra để bán được cho thương lái, nghe và làm theo thương lái; thụ hưởng ưu đãi từ những chính sách, những sự chỉ đạo sản xuất chưa được là bao, chưa tương xứng.

Nông dân đang đứng trước nhiều thử thách khắc nghiệt về sản xuất và tiêu thụ nông sản, Nhà nước cần làm gì để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu sản xuất?

Nhà nước và ngành nông nghiệp đã có nhiều chủ trương, như phải làm sao để đảm bảo nông dân trồng lúa lời 30%, như phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp có thu nhập 50 triệu đồng/1ha… Đã nhiều nơi đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng có điểm chưa hợp lý, như thu nhập cao mà chi phí tăng làm cho lời ròng không tăng, có khi còn giảm! Những tổng kết thành tích về năng suất và tổng sản lượng, về lượng gạo xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước tuy cần thiết để chỉ đạo sản xuất kinh doanh, nhưng nông dân chỉ phấn khởi khi thu nhập thuần của gia đình mình tăng. Bà con nông dân đều biết rằng trồng lúa với diện tích nhỏ lẻ manh mún sao có thể làm giàu được, trừ số ít trang trại tích tụ được ruộng đất. Trồng rau màu, như bắp, đậu... vừa rất khó bán, vừa khó vận chuyển và bảo quản. Chỉ khi có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chế biến hoặc xuất tươi, thì những ý kiến thiện chí giảm vài triệu hécta lúa chuyển sang trồng màu, hay nuôi tôm cá mới có thể thành hiện thực.  

Để khắc phục những hạn chế về tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay, ĐBSCL cần quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường, gắn với mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng, giá trị nông sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Trước mắt, cần quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, các vùng chuyên canh, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý của nông dân tăng cường mối liên kết “4 nhà” theo những mô hình hợp tác kiểu mới. Quá trình tái cơ cấu phải chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo tính hài hòa trong việc phân chia lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ.

Theo giáo sư, phải làm gì để nâng cao chất lượng nông sản nước ta?

Các địa phương cần tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao; tăng cường năng lực hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng ĐBSCL với các vùng miền khác trong cả nước, kết hợp chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để chọn lựa các giống cây, con cho năng suất và chất lượng cao; đưa nhanh các công nghệ mới vào tất cả các khâu: sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước chuyển biến đột phá trong sản xuất. Và quan trọng là để tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì vai trò doanh nghiệp rất quan trọng, doanh nghiệp phải đóng vai trò “dẫn dắt” trong việc hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.

Xin cảm ơn Giáo sư!


Có thể bạn quan tâm

Lãi 20 triệu đồng một ngày từ ổi lê chính vụ Lãi 20 triệu đồng một ngày từ ổi lê chính vụ

Với sản lượng thu hoạch có ngày đạt 1,2-1,5 tấn cùng giá bán 20.000 đồng một kg, gia đình cô Phạm Thị Đăng có thể lãi đến 20 triệu đồng.

10/04/2017
Giá hồ tiêu hôm nay: Hồ tiêu giảm mạnh chỉ là tạm thời? Giá hồ tiêu hôm nay: Hồ tiêu giảm mạnh chỉ là tạm thời?

Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá hồ tiêu thường dao động quanh mức 105.000 – 110.000 đồng/kg. Giới buôn hồ tiêu đánh giá, đã lâu lắm rồi giá hồ tiêu mới giảm mạnh

10/04/2017
Chuối già xuất ngoại Chuối già xuất ngoại

Chuối già Nam Mỹ ở U Minh được đánh giá cao do có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh.

10/04/2017