Su Su Sa Pa Rớt Giá Nông Dân Xót Lòng, Người Tiêu Dùng Nhăn Nhó
Năm 2014 là thời điểm nông dân huyện SaPa (Lào Cai) nói chung và người trồng su su trên địa bàn nói riêng gặp nhiều khó khăn, khi đầu năm tuyết rơi, đến nay là sản phẩm nông nghiệp lại rớt giá. Thời điểm hiện tại, nông dân chỉ bán được quả su su cho tư thương với giá 800 - 1.000 đồng/kg.
Những ngày này, tại khu vực Ô Quý Hồ (Sa Pa), vùng trồng su su lớn nhất của tỉnh không khí thật trầm buồn. Tư thương không ghé thăm, một số hộ nông dân hái su su bán lẻ ven đường cho khách du lịch mua cũng chỉ được từ 1 - 2 kg. Bà Nguyễn Thị Xuân, tổ 12, thị trấn Sa Pa đang hái những quả su su tươi mơn mởn cho vào từng chiếc túi loại 10 kg để bán cho tư thương.
Sáng nay, bà nhận được điện thoại đặt mua 50 kg mà bà Xuân vui suốt một ngày, dù giá bán buôn chỉ được 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, dưới đất, rất nhiều quả su su già chất đống, bà Xuân bảo đó là số bỏ đi vì su su quá lứa mà tư thương không đến mua.
Hơn 10 năm trồng su su, chưa bao giờ gia đình bà Xuân rơi vào tình cảnh như vậy. Đầu năm mưa tuyết làm sập 7.000 m2 giàn thép cho su su leo khiến bà mất 13 triệu đồng khôi phục lại, cộng thêm tiền phân bón, tổng chi phí mất 16 - 17 triệu đồng mà bà mới thu được chưa đầy chục triệu đồng. “Từ giờ đến hết vụ, may mắn lắm thì mới hòa vốn” - bà Xuân thở dài nói.
Chung hoàn cảnh với bà Xuân, gia đình chị Vũ Thị Hà, tổ 13, thị trấn Sa Pa khó khăn hơn khi đầu tư hơn 2 mẫu su su với số tiền 30 triệu đồng, năm nay càng đầu tư nhiều thì lỗ càng lớn.
Chị Hà đang bán su su với giá 800 đồng/kg loại 1 với mong muốn tiêu thụ hết 30 tấn quả, nhưng cũng không khả quan, trước đó chị đã phải bỏ đi sản lượng lớn su su quá lứa. Năm 2013, gia đình chị Hà thu được 70 - 80 triệu đồng từ vườn su su, trừ chi phí còn lãi khoảng 35 - 40 triệu đồng, nhưng năm nay khó có thể được một nửa, trong khi tiền đầu tư lại rất lớn. Gần đó, ông Nguyễn Văn Phương, chủ một vườn su su từ đầu vụ mới bán được 20 kg quả su su.
Chán nản ông còn không muốn thu hoạch, bởi giá vẫn không có dấu hiệu tăng sau nhiều ngày ở mức quá thấp. Nhiều hộ nông dân khẳng định, giá quả su su năm 2014 thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, tính bình quân từ đầu năm chỉ đạt 2.000 đồng/kg, trong khi đó năm 2013, bán được giá 5.000 đồng/kg. Riêng su su giống hằng năm đem lại nguồn thu đáng kể cho các hộ nông dân, thì năm nay giá cũng rất giảm.
Tìm hiểu nguyên nhân, hầu hết các hộ đang trồng su su đều cho rằng, do su su nơi khác đổ về địa bàn cạnh tranh, khiến su su Sa Pa khó tiêu thụ. Trong khi một số hộ khác lại cho rằng đây là chiêu thức của các tư thương muốn ép giá nông dân. “Biết làm sao được, chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào tư thương, nên họ nói lý do gì thì chúng tôi cũng chỉ biết thế thôi” - bà Nguyễn Thị Xuân cho biết.
Năm 2014, toàn huyện Sa Pa trồng 120 ha su su, trong đó có 100 ha su su lấy quả, tổng sản lượng bình quân đạt 6.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Hiện tại chỉ có hợp tác xã Hoa Đào đang liên kết tiêu thụ sản phẩm su su cho nông dân, còn lại nông dân vẫn phải tự tìm đầu ra. Tuy nhiên, chính hợp tác xã này cũng đang kêu khó trong tiêu thụ và cũng chỉ bao tiêu su su cho các xã viên.
Trong khi người nông dân lao đao thì trên thị trường, thậm chí ngay ở chợ Sa Pa, các chợ tại thành phố Lào Cai người tiêu dùng vẫn phải mua quả su su với giá từ 8.000 đồng - 10.000 đồng/kg, nếu là su su Sa Pa, người tiêu dùng sẽ phải mua với giá cao hơn. Khảo sát tại chợ Phố Mới (thành phố Lào Cai) trong ngày 30/9, giá quả su suSa Pa vẫn là 12.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Lan, phường Phố Mới cho hay: Chưa bao giờ thấy giá su su Sa Pathấp hơn 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn lên tới 20.000 đồng/kg.
Từ vườn su su đến người tiêu dùng là chặng đường ngắn, nhưng giá trị chênh lệch quá lớn. Như vậy, cả nông dân và người tiêu dùng đều thiệt hại và khâu trung gian đã hưởng toàn bộ giá trị gia tăng. Hài hòa lợi ích từ sản xuất đến tiêu dùng, vấn đề đang đặt ra với cơ quan quản lý, nhất là những chính sách điều chỉnh kịp thời và sát thực, có tác dụng khuyến khích, động viên người sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc có sừng của các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận. Để giúp nông dân duy trì sản xuất, tỉnh đã chi hơn 46 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn của Trung ương hỗ trợ hộ chăn nuôi mua thức ăn cho gia súc. Động thái tích cực này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Năm nay, do tác động của hạn hán nên nhiều diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề. Bù lại, vào kỳ thu hoạch, giá mía tăng cao nên phần nào giúp người trồng mía bớt khó khăn.
Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam vừa phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo tổng kết mô hình bắp lai SK100 vụ hè thu năm 2015.
Đó là nhận định của hầu hết các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL tại cuộc họp chuẩn bị vào vụ ép mía cho niên vụ 2015 - 2016, do UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức vào cuối tuần qua.
Đối với huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sản xuất vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính hiệu quả với những cây trồng có giá trị hàng hóa cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, nông dân trên địa bàn đang khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ hè thu, bắt tay vào sản xuất vụ đông.