Sử dụng đệm lót sinh học giúp tăng năng suất chăn nuôi thỏ
Sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi thỏ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh trên giống vật nuôi này và tăng năng suất chăn nuôi.
Sử dụng đêm lót sinh học góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất chăn nuôi thỏ. Ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở KH và CN Hải Dương, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi thỏ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh trên giống vật nuôi này và tăng năng suất chăn nuôi. Mùn cưa, trấu với cám ngô và chế phẩm vi sinh là nguyên liệu chính được sử dụng làm đệm lót dưới chuồng nuôi thỏ.
Bằng cách sử dụng đệm lót sinh học này, hiện nay công việc chăn nuôi thỏ của gia đình anh Nguyên Văn Sang, xã Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang cho năng suất, lợi nhuận cao. Quy mô trang trại của anh Sang lên đến hàng nghìn con thỏ nên đệm lót có hiệu quả cao trong việc xử lý phân thỏ, mùi hôi thối không còn. Công việc chăm sóc thỏ cũng vì vậy được giảm thiểu đi rất nhiều.
“Khi sử dụng đệm lót thì mình không phải làm công việc hót phân, rửa chuồng nữa. Mình chỉ cần đảo thôi. Cũng vì thế mà mình giảm được công nhân. Trước đây là 3 công nhân nhưng giờ chỉ cần 2 công nhân thôi.” – Anh Sang nói trong niềm vui. Lớp đệm lót lên men có thể tiết kiệm 80% lượng nước trong chăn nuôi do không phải rửa chuồng. Môi trường đệm lót cũng sẽ giúp thỏ hít vào cơ thể một số vi sinh vật có lợi, giúp thỏ có khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tốt hơn.
Nói về cách tạo lớp đệm lót, anh Sang cho biết: “Ngoài mùn cưa, trấu thì cần có một nguyên liệu rất quan trọng là chế phẩm vi sinh, mình đặt mua. Một cân chế phẩm thì mình rải được 6m2. Mình ủ theo hướng dẫn của đại lý". Để phát huy hiệu quả khi sử dụng đệm lót sinh học, cứ 3- 4 ngày anh Sang lại tiến hành xáo trộn lớp đệm lót 1 lần, sau 6- 7 tháng thì dọn chuồng và thay lớp mới.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất chăn nuôi thỏ, nhà nông còn cần nắm vững kỹ thuật làm chuồng trại. Có thể làm chuồng xây bằng gạch, bằng gỗ, tranh tre hoặc bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương nhưng phải đảm bảo các yêu cầu: Thỏ hoạt động thoải mái, không ảnh hưởng đến sức khỏe; Dễ quét dọn vệ sinh, sát trùng; Thuận tiện trong việc chăm sóc thỏ.
Chuồng trại phải bảo vệ thỏ khỏi sự tấn công của các địch hại bên ngoài (mèo, chuột,...); Phải chắc chắn, rẻ tiền và dễ thay thế khi bị hư hỏng; Phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, tránh mưa tạt, gió lùa. Đặc biệt, vì thỏ là vật nuôi rất mẫn cảm, dễ lây nhiễm bệnh nên chuồng nuôi thỏ phải cách xachỗ nuôi các loài gia súc khác.
Máng ăn cho thỏ có thể làm bằng chậu sành, máng nhựa, máng bằng gỗ,…Máng uống có thể làm bằng chậu sành, gáo dừa, chai nhựa,… Với những trại nuôi quy mô lớn, cần bố trí hệ thống máng nước uống tự động để đảm bảo vệ sinh, thuận tiện hơn trong việc chăm sóc, theo thông tin từ Trung Tâm Phân Phối Chế Phẩm Sinh học.
Có thể bạn quan tâm
Với chăn nuôi thỏ, việc chăm sóc thỏ trưởng thành là điều vô cùng dễ dàng và không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp. Tuy nhiên, cách nuôi thỏ con lại hoàn toàn khác, đòi hỏi bạn cần phải trang bị một số kiến thức nhất định trong việc chăn nuôi. Dưới đây là một vài điểm quan trọng nhất trong số đó.