Sử dụng chế phẩm vi sinh - probiotics đúng cách trong nuôi tôm
Chế phẩm vi sinh hay probiotics là hỗn hợp vi sinh vật có lợi cho tôm, được bổ sung vào thức ăn hoặc môi trường với liều lượng thích hợp. Các vi sinh vật có lợi này giúp tôm tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tốt hơn hay cải thiện giá trị dinh dưỡng của thức ăn, nâng cao sức kháng bệnh hoặc giữ cho chất lượng nước được tốt.
Sử dụng probiotics cho tôm nuôi Ảnh: Huy Hùng
Trên thị trường, probiotics có thể được bán dưới dạng bột (bao gồm cả chất độn, thường là các loại tinh bột) hoặc dạng lỏng. Probiotics có thể đạt được các tác dụng trên mà không cần bất kỳ quá trình hoạt hóa nào khác.
Hiện, có hơn 200 loại probiotics đang được lưu hành trên thị trường. Thành phần chủ yếu có thể là các chủng vi khuẩn dị dưỡng (Lactobacillus, Carnobacterium, Bacillus), vi khuẩn nitrat hóa (Nitrosomonas, Nitrobacter), Pseudomonas hoặc Rhodococus (Tâm & Khương, 2014). Kiểm chứng sản phẩm cho thấy mật độ vi khuẩn trong nhiều sản phẩm thấp hơn mức đăng ký trên bao bì. Người nuôi vì thế nên lựa chọn các sản phẩm của công ty có uy tín, đã được thử nghiệm, có kết quả rõ ràng. Ngoài ra, các sản phẩm probiotics còn có thể có hỗn hợp các enzyme tiêu hóa như lipase, protease, amylase, cellulose (nồng độ dao động từ 104 - 105 IU) và các chất mang như lactose, dextrose. Mật độ vi khuẩn hoặc nồng độ của các thành phần trong sản phẩm dạng bột thường cao hơn dạng lỏng.
Các loại probiotics giúp cải thiện tiêu hóa hoặc sức đề kháng của tôm được trộn vào thức ăn. Các loại probiotics giúp xử lý môi trường, ổn định chất lượng nước cần được đưa trực tiếp vào môi trường. Sản phẩm probiotics chỉ có tác dụng hoặc phát huy tối đa tác dụng nếu các chủng vi khuẩn có lợi trong các sản phẩm này được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Người nuôi tôm vì thế cần tìm hiểu kỹ công dụng của mỗi loại proiotics, chọn loại phù hợp với mục đích của mình và điều kiện tự nhiên của vùng nuôi, đọc và làm theo đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Dưới đây là một số lưu ý để sử dụng probiotics nhằm quản lý chất lượng nước có hiệu quả:
- Sử dụng probiotics hàng ngày trong suốt quá trình nuôi. Loại probiotics có thể thay đổi tùy theo mục đích sử dụng và giai đoạn nuôi. Xây dựng quy trình nuôi cấy tăng sinh khối tại trại hoặc áp dụng quy trình có sẵn để giảm chi phí và giúp vi khuẩn có lợi thích ứng tốt với điều kiện ao nuôi;
- Đảm bảo môi trường nước có đầy đủ ôxy và được khuấy đảo tốt để phát tán các vi khuẩn có lợi bằng cách chạy quạt nước liên tục. Điều chỉnh pH của nước ở mức 7,5 - 8,5 trước khi sử dụng probiotics;
- Mật độ ban đầu của loại vi sinh sử dụng phải đủ lớn để chúng có thể phát triển mà không bị các nhóm vi sinh vật khác ức chế, nhờ đó đem lại hiệu quả như mong muốn;
- Không dùng probiotics khi đang sử dụng các chất có tính diệt khuẩn, sát trùng như BKC, Chlorine, kháng sinh hoặc khi trong nước vẫn còn dư lượng của các chất trên;
- Nên dùng probiotics vào thời điểm nắng ấm để vi khuẩn có lợi gia tăng nhanh về sinh khối. Hạn chế thay nước sau khi sử dụng probiotics vì sẽ làm giảm mật độ của các vi khuẩn có lợi, khiến chúng chậm hoặc khó phát triển.
Trích Sổ tay “Thực hành nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả, bền vững” của Skretting tại Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Vào mùa mưa, các yếu tố môi trường ao nuôi có thể bị thay đổi đột ngột làm tôm bị sốc dễ phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm cần lưu ý để có cách xử lý phù hợp
Vibrio spp. Hình thành các vi khuẩn sinh trưởng chính được phân lập từ các mầm bệnh cơ hội ký sinh gây bệnh ở tôm, các loài gây bệnh chính là: V. alginolyticus,
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi trong đầu vụ 1 năm 2017, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi