SSC 557, SSC 131: Giống ngô bắp siêu dài, siêu to
SSC 557 và SSC 131 là 2 giống ngô lai đơn mới do Công ty cổ phần giống cây trồng Miền Nam (SSC) lai tạo và sản xuất trong nước.
*SSC 557: Bắp dài kỷ lục 27-29cm
*SSC 131: Bắp hình trụ, to, kết hạt tốt, sâu cay, đặc biệt thích ứng rộng
Từ các năm 2007 – 2008 Công ty đã kết hợp với Trung tâm khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia khảo nghiệm đánh giá giống ngô lai đơn SSC 557. Kết quả cho thấy: Giống SSC 557 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm trung bình sớm khoảng 105 – 110 ngày, cây xanh khỏe đồng đều, lá gọn, xanh đậm bền, ít nhiễm sâu bệnh. Đặc biệt SSC 557 có bắp to, rất dài (26 – 29cm), trung bình mỗi bắp có 14 – 16 hàng hạt, 42 – 45 hạt/hàng, nhiều hơn từ 6 - 10 hạt/hàng so với các giống đang trồng phổ biến hiện nay. Do có số hạt/bắp nhiều nên năng suất hạt của giống này đạt khá cao, trung bình từ 7 – 8 tấn/ha, thâm canh có thể đạt 10 – 12 tấn hạt khô/ha. SSC 557 có hạt dạng đá, màu cam rất đẹp hợp thị hiếu nên bán được giá.
Trong 2 năm gần đây SSC đã được các cơ quan nông nghiệp tại nhiều địa phương (các Sở NN-PTNT, Trạm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng, hợp tác xã…) triển khai nhiều mô hình trình diễn. Kết quả năng suất đạt rất cao tại nhiều địa phương như Hà Giang (Quản Bạ) 2 vụ liên tiếp năng suất thực thu đạt 7,2 đến 7,5 tấn/ha, với chiều dài bắp trung bình được ghi nhận từ 25-26 cm, Yên Bái (7,83 tấn/ha), Tuyên Quang (7,32 tấn/ha). Tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa theo báo cáo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện, giống SSC 557 đạt năng suất thực thu lên tới 374 kg/sào (gần 7,5 tấn/ha), so với giống đối chứng nhập ngoại sản xuất phổ biến tại huyện là 341 kg/sào, tăng gần 10%. Tương tự, giống đạt năng suất cao tại Nghệ An (HTX Viên Thành: 7,7 tấn/ha), Sơn La (Mộc Châu: 8,8 tấn/ha), Vĩnh phúc (Tam Đảo), Phú Thọ (Đoan Hùng 8 tấn/ha), Lào Cai (Bảo Thắng 8,44 tấn/ha)..., bắt đầu được người dân ưa thích. Ngoài ra giống này còn được trồng trình diễn tại Udomxay, CHDCND Lào và được ghi nhận là bắp rất dài so với các giống ngô trình diễn khác.
Giống ngô lai đơn SSC 131 có các đặc điểm về thời gian sinh trưởng tương tự, tuy nhiên đây là giống thích ứng rất rộng, dễ canh tác, bắp hình trụ, to, kết hạt rất tốt, sâu cay, tỷ lệ hạt trên bắp đạt rất cao, năng suất ổn định qua các vụ. Giống SSC 131 đã được trồng trình diễn và khảo nghiệm rộng 2 vụ liên tiếp (xuân 2009 và đông 2009) tại Phú Bình, Thái Nguyên cho năng suất tương ứng là 7,4 tấn/ha cao hơn các giống gieo trồng phổ biến trên địa bàn là 0,9 – 1,1 tấn/ha đem lại hiệu quả kinh tế lên tới 815.000 đ/sào Bắc bộ so với đối chứng là 645.000 đ. Ngoài ra SSC 131 còn được trình diễn và gieo trồng trên diện rộng ở Hưng Yên, Thái Bình, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc.
Một trong những ưu điểm của các giống ngô lai đơn mới này là sản xuất và lai tạo trong nước, do chủ động được giá thành sản xuất và chi phí bản quyền thấp hơn mà SSC 557 và SSC 131 được bán với giá thấp hơn so với các loại hạt giống nhập khẩu tương tự từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, rõ ràng là ngay ở khâu giá giống thì các giống này đã tham gia một phần vào việc giải bài toán hiệu quả kinh tế cho cây ngô.
Cả 2 giống đều thuộc nhóm ngô chín sớm có thời gian sinh trưởng: Miền Bắc: 109 – 116 ngày; Miền Nam: 86 – 93 ngày.
Thời vụ: Trồng được nhiều vụ trong năm. Tuỳ theo từng vùng mà bố trí thời vụ gieo trồng, tránh để ngô trỗ cờ, phun râu và chín gặp điều kiện nắng nóng, rét đậm, đất bị khô hạn, úng nước.
Mật độ trồng: 57.000 đến 66.000 cây/ha. Khoảng cách trồng 65 x 25 cm hay 70 x 22 cm. Gieo một hạt/hốc. Nên chuẩn bị thêm một số bầu để trồng dặm khi bị kiến, sâu xám hay chuột... cắn phá.
Lượng phân bón: (tính cho 1 ha).
Bón phân đơn | Phân tổng hợp |
Phân chuồng: 8 – 10 tấn/ha | Phân chuồng: 8 – 10 tấn/ha |
SUPE LÂN: 300 – 500 kg | NPK 5:10:3 (lót): 650 – 700 kg |
NPK 12: 5: 10 (thúc): 300 – 350 kg | |
Urê: 300 – 500 kg | Urê: 55 – 60 kg |
KCl: 100 – 150 kg | KCl: 55 – 60 kg |
Cách bón phân và chăm sóc:
- Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng, phân lân hoặc NPK 5: 10: 3.
- Thúc lần 1: Nếu dùngphân đơn: Bón ½ lượng urê và ½ lượng KCl (khi cây 4 – 5 lá). Nếu dùng phân tổng hợp: Bón ½ lượng NPK 12: 5:10 và ½ lượng Urê và KCl.
- Thúc lần 2:Nếu dùngphân đơn: Bón hết lượng phân Urê và KCl còn lại (khi cây 8 – 10 lá). Nếu dùng phân tổng hợp: Bón hết lượng NPK 12: 5:10, Urê và KCl còn lại.
Chú ý kết hợp bón thúc với làm cỏ, vun gốc cho ngô. Luôn giữ đất ẩm để ngô phát triển bình thường. Chủ động tiêu thoát nước nhanh khi gặp điều kiện bất thuận.
Phòng trừ sâu bệnh:
- Phòng trừ sâu: Dùng Basudin 10H hay Furadan 3H… rải vào đất, lấp đất rồi gieo hạt để phòng trừ sâu xám; rắc vào loa kèn để trừ sâu đục thân (nếu có). Phun Padan, Regent... phòng trừ sâu ăn lá, rệp cờ (nếu có).
- Phòng trừ bệnh khô vằn: Sử dụng Anvil hay Tilt, Validacin…
- Diệt cỏ bằng thuốc MAIZINE 80WP giai đoạn tiền nảy mầm.
Hiện tại hạt giống đã được chuẩn bị và cung ứng tại: VPCT: 282 Lê Văn Sỹ, Tân Bình, TP Hồ Chí minh; Chi nhánh Tây Nguyên; Chi nhánh Hà Nội tại 489/14 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội, điện thoại 0438274343
Có thể bạn quan tâm
Cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trồng trọt đặc biệt là trồng lúa. Hiểu biết rõ về cỏ dại, nhà nông sẽ quản lý tốt cây trồng bằng những biện pháp phòng trừ cỏ dại thích hợp, có hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Hiện nay diện tích ngô ở Nghệ An hằng năm khoảng 60-70 nghìn ha. Trong đó diện tích ngô vụ xuân chiếm trên dưới 16.000ha, ngô hè trên 12.000ha bố trí chủ yếu trên các chân đất bãi ven sông. Mặc dù không chiếm ưu thế về diện tích nhưng đây là vùng ngô tập trung làm hàng hoá của Nghệ An.
Bệnh sương mai hại ngô chưa được nghiên cứu nhiều và đến thời điểm hiện tại ở VN cũng chưa có công trình khoa học nào công bố một cách đầy đủ. Vì thế công tác khuyến cáo chuyên môn và người dân còn nhiều lúng túng biện pháp phòng trừ.