Sóc Trăng duy trì đạt 1 tỷ USD từ nuôi tôm nước lợ
Ngày 28/8, Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Giám đốc Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng – Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, mục tiêu đề án này là ổn định sản xuất, giữ vững và nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ theo hướng tăng năng suất và chất lượng. Thực hiện nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm nước lợ theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số, phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất ngành hàng tôm nước lợ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn và từng bước đưa tỉnh Sóc Trăng thành trung tâm nuôi trồng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình nuôi tôm nước lợ tại Sóc Trăng
Đề án sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, bao gồm các huyện: Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.
Cụ thể trong năm 2024, Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ đề ra mục tiêu thực hiện đạt diện tích nuôi tôm nước lợ 50.820ha, trong đó tôm sú 13.000ha, tôm thẻ chân trắng 37.820ha. Sản lượng nuôi tôm nước lợ 212.000 tấn; phấn đấu duy trì và tối thiểu đạt 1 tỷ USD.
Xây dựng 30 mô hình điểm, chủ đạo, phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất được kiểm soát chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh.
Phấn đấu 100% cơ sở nuôi/hộ nuôi bảo đảm điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi chủ lực, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu…
“Để triển khai có hiệu quả đề án này trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các đơn vị liên quan trực thuộc sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện. Các địa phương vùng nuôi tôm trọng điểm phối hợp Ban Quản lý Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ thực hiện tốt các quy định và điều kiện nuôi, xác nhận đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi tôm phục vụ truy xuất nguồn gốc”, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Bạc Liêu, việc ứng dụng mô hình nuôi tôm tuần hoàn khép kín đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 375 triệu USD, tăng 17% .
Chi phí sản xuất tôm tại Việt Nam hiện đang cao hơn so với các quốc gia cạnh tranh trong khu vực cũng như so với giá bán.