Sinh viên đạt giải khởi nghiệp với dự án nuôi cá tra bằng thảo dược
Nam sinh Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long làm mô hình nuôi cá tra bằng thảo dược, giúp nông dân hướng đến giá trị kinh tế bền vững.
Phan Tấn Khải (trái) nhận giải thưởng trị giá 50 triệu đồng cho dự án nuôi cá tra bằng thảo dược. Ảnh: NVCC.
Theo đại diện trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long, nuôi cá tra bằng thảo dược là một loại hình chăn nuôi mới, mang tính đột phá về quy trình chăn nuôi sạch, giúp cá tra tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, ít bệnh tật, tăng sức đề kháng, chống chịu tốt với sự thay đổi môi trường. Thời gian xuất bán sẽ rút ngắn từ 5-7 ngày so với mô hình chăn nuôi cá tra truyền thống. Với loại hình chăn nuôi này, con cá tra thương phẩm sẽ hạn chế được phần lớn dư lượng các chất kháng sinh, thuốc thú y trong việc điều trị và nuôi cá.
Với dự án này, sinh viên Phan Tấn Khải, khoa Công nghệ thực phẩm của trường đã giành được giải ba cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kết thúc mới đây. Đây là thí sinh duy nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long thắng giải.
Khải cho biết sản xuất cá tra là thế mạnh của các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm thị phần diện tích lớn nhất cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 9/13 tỉnh thành trong khu vực này nuôi cá tra, với tổng diện tích hơn 4.552 ha. Theo VASEP, sản lượng cá tra đạt trên 1,4 triệu tấn vào năm 2010, đến năm 2016 tuy sụt giảm sản lượng nhưng vẫn đạt 1,15 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,71 tỷ USD. Đây vẫn là ngành kinh tế quan trọng, thu hút trên 200.000 lao động.
Cá tra nuôi nước ngọt phổ biến của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, sau con tôm. Khải đánh giá, nhiều năm qua, số lượng cá tra thương phẩm đã tăng nhanh chóng về chất lượng và số lượng.
"Tuy nhiên, việc sản xuất và phát triển nghề chăn nuôi dòng cá này vẫn còn hạn chế nhất định như sản xuất nhỏ lẻ, không theo mùa vụ, dư lượng kháng sinh cao... làm ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Chính vì vậy em nghĩ cần phải có các giải pháp đột phá, tối ưu, lâu dài cho con cá tra trên thị trường quốc tế", sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm giải thích lý do khởi nguồn của dự án.
Khải cho biết thêm, việc chăn nuôi theo mô hình này còn góp phần thúc đẩy kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân xung quanh, mang lại giá trị kinh tế cho bà con chăn nuôi.
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 2,8 tỷ đồng, thực hiện trên ao nuôi 10.000 m2. Tổng thời gian dự kiến 24 tháng, trong đó bao gồm thời gian nghiên cứu thảo dược và nuôi thử nghiệm.
Đại diện Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Vĩnh Long cho biết ngoài sự hỗ trợ của nhà trường, mô hình khởi nghiệp của Khải đang cần rất nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Nhà trường hy vọng các đơn vị trong lĩnh vực về thủy sản hỗ trợ Khải thực hiện mô hình này nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ đó cá tra có thể đứng vững trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm
2018 được nhận định là một năm thành công của ngành hàng cá tra, không chỉ giá cá tra nguyên liệu lập kỷ lục mà xuất khẩu cũng ghi dấu ấn đậm nét
Thử nghiệm thiết bị Aquablaster trong nuôi trồng thủy sản. Đây là thiết bị mới dùng để tạo ôxy và phân giải các chất hữu cơ có hại dưới đáy ao.
Các nông hộ nuôi tôm lót bạt trên cát bước vào thu hoạch vụ 3 với niềm vui lớn vì được lãi cao.