Sầu riêng Khánh Sơn được mùa kép, lãi từ 500 – 800 triệu đồng/ha
Vụ sầu riêng năm nay, nông dân huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) vô cùng phấn khởi vì được mùa, được giá.
Ảnh: K.S
Thương lái khắp nơi về đây tranh mua sầu riêng, với giá dao động từ 51 - 52 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi từ 500 – 800 triệu đồng/ha.
Về xã Sơn Bình - “thủ phủ” trồng sầu riêng, với diện tích lên đến hàng trăm ha. Những ngày này, chúng tôi chứng kiến những gương mặt rạng rỡ của nông dân khi bước vào chính vụ thu hoạch.
Các vườn đều sai trái nặng cành, ước đạt năng suất từ 15 – 20 tấn/ha, tăng nhiều so với năm ngoái. Như vườn sầu riêng nhà anh Lê Anh Quang ở thôn Liên Hòa (xã Sơn Bình) có 1ha sầu riêng(tương ứng 200 cây), trong đó 100 cây vào thời kỳ kinh doanh và số còn lại mới ra trái bói, năng suất cũng đạt trên 10 tấn.
Anh Quang đánh giá: “Vụ sầu riêng năm nay hầu hết nhà vườn đều được mùa. Không những thế, bước vào thu hoạch nông dân càng tự tin và tự hào sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép, vị ngọt, thơm… được trồng từ 3 giống đặc sản là Mongthong Thái Lan, Chín Hóa, Ri6.
Với đặc thù sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, cộng với sản phẩm chất lượng nên thương lái khắp nơi đều ưa chuộng. Đến vụ họ lại về đây lùng sục vườn khiến không khí mua bán diễn ra tấp nập.
Cũng theo anh Quang, năm nay giá sầu riêng khởi điểm được thương lái mua xô dao động từ 51 - 52 ngàn đồng/kg, tăng từ 7 – 10 ngàn đồng/kg so với năm ngoái và giá này cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu thương lái thu mua sầu riêng theo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu mẫu mã đẹp, số mùi đều, nhiều, cân nặng từ 2 - 5 kg/quả thì giá bán lên đến 55 - 56 ngàn đồng/kg.
“Như vậy, với giá cả chỉ tính trung bình trên 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân lãi trên 500 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 15 tấn/ha và lãi 800 triệu đồng đối với vườn đạt năng suất 20 tấn/ha”, anh Quang nói.
Điển hình là vườn sầu riêng 200 cây (tương đương 1ha) nhà anh Đào Văn Yến, người cùng thôn anh Quang trồng xen cây ăn trái khác như chôm chôm, măng cụt, vụ này cho năng suất ước đạt trên 20 tấn.
Các vườn sầu riêng đều cho năng suất cao
Anh Yến cho biết, với giá cả hiện nay sau khi trừ chi phí gia đình anh “bỏ túi” gần 1 tỷ đồng. Thấy sầu riêng được mùa, được giá anh Yến lại tiếc nhiều gốc “cụ” bị đánh bật do cơn bão số 12 đổ bộ vào năm ngoái, chứ không vụ này còn lãi to hơn.
Không chỉ xã Sơn Bình được mùa kép, mà các xã trồng sầu riêng khác trên địa bàn Khánh Sơn như Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc… nông dân cũng phấn khởi không kém. Nhiều vườn thu tiền tỷ, nếu trồng diện tích lớn.
Vừa có chuyến khảo sát vùng sầu riêng ở Khánh Sơn, bà Trịnh Thị Thùy Linh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Khánh Hòa cũng thừa nhận năm nay được mùa, được giá so với mọi năm. Được mùa do “mưa thuận gió hòa”, bà con tích cực chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cây ra hoa đậu trái đều và không rụng trái non.
Về giá sầu riêng tăng mạnh, theo các thương lái ở xã Sơn Bình, do chất lượng trái nơi đây có vị đặc trưng, thơm ngon hơn ở nơi khác. Hiện nhu cầu tiêu thụ phục vụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng mạnh.
Ông Trịnh Quang Thành, phụ trách Trạm Trồng trọt - BVTV Khánh Sơn cho biết, toàn huyện có trên 800 ha sầu riêng, trong đó khoảng 600ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Sầu riêng năm nay được mùa kép nên nông dân rất phấn khởi. Bà con đang tất bật thu hoạch sầu riêng và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 7 âm lịch.
Có thể bạn quan tâm
Với khoảng 1.000 gà mái, 200 gà trống, mỗi tháng Hợp tác xã cung ứng khoảng 16.000 trứng, nở ra khoảng 12.000 gà con để cung ứng cho xã viên.
Ốc bươu vàng (OBV) có khả năng thích nghi rộng và sống được trong điều kiện khắc nghiệt. Gặp khô hạn chúng chui sâu vào bùn khô và sống tới 6 tháng.
Nhiều vườn cây có múi ở ĐBSCL đang bùng phát dịch bệnh, nhà vườn phải đốn bỏ để trồng các loại cây khác.