Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Sâu bệnh hại lúa Japonica vụ mùa 2020

Sâu bệnh hại lúa Japonica vụ mùa 2020
Tác giả: Thu Huyền
Ngày đăng: 28/07/2020

Thời tiết vụ mùa miền Bắc thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại đặc biệt là với các giống lúa chất lượng trong đó có Japonica (lúa Nhật).

Kiểm tra sâu bệnh trên đồng. Ảnh tư liệu.

Để phòng trừ, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội xin lưu ý bà con một số vấn đề như sau:

1. Các biện pháp phòng (hạn chế) sâu bệnh

Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật theo IPM để giúp cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh ngay từ đầu vụ.

- Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên làm cỏ bờ và vùng lân cận ven làng để không cho sâu bệnh cư trú, ký sinh trên cỏ, sẽ hạn chế nguy cơ lây lan sâu bệnh sang lúa.

- Điều tiết nước hợp lý theo công thức nông - lộ - phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh nên tháo cạn nước đến rạn chân chim giúp cây đẻ nhánh sớm, tập trung, rễ ăn sâu sẽ tăng tỷ lệ bông hữu hiệu, chống đổ, hạn chế một số đối tượng sâu bệnh hại.

- Phân bón: Bón NPK Lâm Thao một cách cân đối, không lai rai. Khi cây lúa bị bệnh tuyệt đối không bón, không phun phân bón lá và thuốc kích thích. Giai đoạn lúa phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, nhu cầu của cây (mầu sắc của lá), chân đất… có thể bón bổ sung theo khuyến cáo.

2. Một số sâu, bệnh hại chính và các biện pháp phòng trừ

2.1. Chuột hại

Để phòng trừ chuột đạt hiệu quả cao cần phát động toàn dân diệt chuột một cách đồng loạt, áp dụng tổng hợp các biện pháp thủ công, sinh học, hóa học,…

Biện pháp thủ công: Sử dụng bẫy bán nguyệt, bẫy keo dính…Biện pháp sinh học: Duy trì và phát triển đàn mèo, phổ biến nông dân không săn bắt, giết thịt các loài thiên địch của chuột như rắn. Biện pháp hóa học: Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc diệt chuột thuộc nhóm chết chậm, chống đông máu, thuốc ít độc hại cho người và động vật máu nóng, bảo vệ được thiên địch của chuột.

Cách làm bả với thuốc có chứa hoạt chất Warfarin như Ran part 2% DS, Rat K 2% DP... Sử dụng thóc luộc nứt vỏ trấu hoặc thóc ngâm mọc mầm làm mồi. Trộn đều 10g thuốc với 400 – 500g mồi: Mồi khi trộn phải đủ ẩm để thuốc ngấm vào mồi.

Trung bình 100g bả chia thành 4 – 5 phần rải trên 1 sào Bắc Bộ (tùy theo mức độ hoạt động của chuột để tăng hoặc giảm lượng bả). Cho bả vào túi nilon nhỏ để hở 1 đầu để tránh rửa trôi thuốc do mưa hoặc sương hoặc nước thấm lên từ đất, nên rải vào xế chiều, trước khi trời tối.

2.2 . Sâu cuốn lá nhỏ

Đặc điểm gây hại: Thường nở rộ và gây hại trên diện rộng vào giai đoạn đẻ nhánh và giai đoạn đòng đến ngậm sữa. Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá thành bao thẳng đứng và nằm trong đó, ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá tạo thành những vệt trắng dài, làm giảm diện tích quang hợp, giảm năng suất rõ rệt.

Ở miền Bắc 1 năm sâu cuốn lá nhỏ phát sinh 6-7 lứa. Lứa 6 gây hại nặng trùng với cuối tháng 8, thường từ giai đoạn đẻ nhánh đến ngậm sữa, tuy nhiên phổ biến nhất là giai đoạn từ đòng – trỗ.

Biện pháp phòng trừ: Chăm sóc, bón phân NPK Lâm Thao cân đối, kết hợp phát quang bờ bụi quanh ruộng, mương để hạn chế sâu cuốn lá phát triển.

Thường xuyên kiểm tra đồng, khi sâu non có mật độ từ 40 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh), từ 20 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng) cần phun thuốc để phòng trừ.

Sử dụng một trong các loại thuốc như: DuPontTM Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Taisieu 5WG, Chief 520 WP, Nicata 95SP,... Phun khi sâu non tuổi 1-2. Sau khi phun 3 – 5 ngày cần điều tra hiệu quả sử dụng thuốc, nếu mật độ sâu non vẫn còn cao thì tiếp tục phun kép lần 2.

2.3 Sâu đục thân bướm 2 chấm

Vụ mùa vào tháng 9 có lứa cần chú ý.  Sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp bằng cách bố trí thời vụ thích hợp, bảo vệ thiên địch, tập trung ngắt ổ trứng, gom lại và đem tiêu huỷ.

Thường xuyên theo dõi mật độ sâu trên đồng ruộng, chỉ phun thuốc khi đến ngưỡng phòng trừ  (> 0,3 ổ trứng/m2); phun thuốc khi lúa thấp thoi trỗ (trỗ được 1-3% bông), nếu mật độ ổ trứng cao phải phun 2 lần (lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày hay ngay sau khi lúa trỗ thoát). Sử dụng một trong các loại thuốc để phòng trừ như: DuPontTM Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Taisieu 5WG, Chief 520 WP, Nicata 95SP,...

2.4. Rầy nâu

Thời kỳ cao điểm ứng vào tháng 8-9 ở vụ mùa ứng. Không lạm dụng các loại thuốc BVTV các giai đoạn trước để bảo vệ các loài ký sinh thiên địch của rầy, cần thường xuyên kiểm tra theo dõi và điều tra xác định diện tích nhiễm, mật độ rầy để phòng trừ kịp thời.

Tổ chức phun thuốc phòng trừ ở những diện tích lúa có mật độ  > 3000 con/m2 khi bọ rầy chủ yếu ở tuổi 1-2 bằng một trong các loại thuốc như: Chess 50WG, Winter 635EC, Penaty gold 50EC, Cheestar 50WG,....

2.5. Bệnh khô vằn

Do nấm Rhizoctonia solani gây ra, lan truyền theo nước, gây hại từ bẹ lá dưới lên trên, tốc độ lây lan ở các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng nhiều, cấy quá dày.

Bệnh làm giảm tới 30% năng suất khi vết bệnh xuất hiện ở lá đòng. Thường gây hại mạnh từ giai đoạn lúa phân hóa đòng đến cuối vụ, trong điều kiện nóng ẩm, các ruộng trũng bón nhiều đạm, cấy dầy.  Nên chọn một trong các loại thuốc trừ bệnh phổ rộng để phun như Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Validacin 5SL,…

2.6. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn

Tác nhân gây bệnh: Bệnh do vi khuẩn gây ra và phát triển mạnh trong điều kiện nắng nóng kèm theo mưa giông, bệnh thường gây hại nặng trong vụ lúa mùa. Những năm thời tiết nhiều mưa, bão là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh, phát triển.

Ở những chân ruộng hẩu, ruộng trũng, chua, bón nhiều đạm, mất cân đối hoặc các diện tích bón đạm muộn, bón lai rai... cũng làm cho lúa bị bệnh bạc lá, đốm sọc gây hại nặng. Chủ yếu phòng là chính bằng cách sử dụng các biện pháp canh tác, chăm sóc, bón phân cân đối, không bón thừa đạm.


Có thể bạn quan tâm

Thời vụ và kỹ thuật chăm sóc lúa Japonica vụ mùa Thời vụ và kỹ thuật chăm sóc lúa Japonica vụ mùa

Việc bố trí thời vụ và hướng dẫn kỹ thuật đối với các giống lúa Japonica nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết bất thuận trong vụ mùa.

27/06/2020
Quản lý cháy bìa lá và lép vàng trong vụ lúa hè thu Quản lý cháy bìa lá và lép vàng trong vụ lúa hè thu

Bệnh cháy bìa lá hay còn gọi là bạc lá trên lúa do vi khuẩn Xanhthomonas oryzae gây nên thường xuất hiện ở giai đoạn đòng trổ sẽ ảnh hưởng đến năng suất.

30/06/2020
Cảnh giác bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa Cảnh giác bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

Hiện trà lúa mùa sớm ở Nam Định đang bắt đầu đẻ nhánh. Song, rầy lứa 4 đã xuất hiện trên cánh đồng lúa với mật nơi cao từ 100 - 200 con/m2.

27/07/2020