Trang chủ / Cây công nghiệp / Ca cao

Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 3)

Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 3)
Tác giả: Chi Cục Bảo Vệ Thực Vật
Ngày đăng: 13/07/2018

II. BỆNH HẠI

1. Bệnh thối trái, loét thân, cháy lá (Phytophthora palmivora)

1.1. Triệu chứng gây hại

Bệnh phá hại ở giai đoạn cây con, trước tiên gây hại trên mép, chóp lá non.

Vết bệnh có màu nâu sáng, ướt, từ từ lan dần ra phiến lá đến gân chính vào cuống lá, lan ra gân phụ, sau đó làm lá khô cháy và rụng.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra, bệnh tấn công các bộ phận lá, thân, hoa, trái;  trong quá trình sinh trưởng từ vườn ươm cho đến khi thu hoạch. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, có độ ẩm cao. Ngoài ca cao, nấm Phythophthora palmivora còn có các ký chủ khác như sầu riêng, cao su, bơ, đu đủ.

Bệnh phát tán chủ yếu từ đất và trái bệnh: Từ đất, nước mưa làm đất có mầm bệnh văng bám lên cây, lên lá; kiến và mối tha đất có mầm bệnh làm tổ trên thân cây; Từ trái bệnh, bào tử phát tán do gió, nước mưa, côn trùng.

1.3. Biện pháp phòng trừ   

Khi bệnh xuất hiện và có xu hướng gia tăng về mức độ hại,  sử dụng một trong các loại thuốc sau để phòng trừ: Fosetyl Aluminium (Aliette 800 WG); Cuprous oxide+Dimethomorph (Eddy 72WP); Metalaxyl (Mataxyl  500WG) hoặc tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Mandipropamid  + Chlorothalonil, Cuprous Oxide để phòng trừ.

2. Bệnh vệt sọc đen (Oncobasidium theobromae)

2.1. Triệu chứng gây hại

- Lá bệnh có màu vàng với những đốm  xanh. Đôi khi rìa lá bị khô.

- Thân sần sùi với những mụt nhỏ do bì khổng nở rộng.

- Nhiều chồi bên phát triển nhưng không bao giờ hoàn chỉnh.

- Đối với cây con triệu chứng không đặc trưng như cây lớn. Cây con nhiễm bệnh thường chậm phát triển, lá vàng, lá chân rụng sớm, khoảng cách giữa các lá ngắn.

- Lột vỏ hoặc chẻ dọc đoạn cành nhiễm bệnh thấy có những sọc đen. Khi bệnh tiến triển mạnh cành khô và chết ngược dần từ ngọn vào.

2.2.Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh vệt sọc đen do nấm Oncobasidium theobromae gây nên. Bệnh phát triển và phát tán chủ yếu khi mưa nhiều, ẩm độ không khí cao. Bào tử  phát tán vào sáng sớm (3 - 9 giờ sáng) và xâm nhập vào lá non trên cành. Từ khi bào tử xâm nhập đến khi có biểu hiện bên ngoài kéo dài khoảng 2 - 3 tháng.  Trong  thời gian đó các đợt lá mới phát triển nên lá bệnh được nhìn thấy ở vị trí sau một đợt lá kể từ ngọn đếm ngược vào.

2.3. Biện pháp phòng trừ

- Biện pháp canh tác: Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, cắt tỉa cành bệnh đem tiêu hủy, tỉa cành tạo tán cân đối, tạo độ thông thoáng.

- Sử dụng thuốc Tebuconazole+Trifloxystrobin (Nativo 750WG) hoặc tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Triadimenol, Propiconazole để phòng trừ

3. Bệnh nấm hồng (Corticium salmoncolor)

3.1 Triệu chứng gây hại

Nấm tấn công ở những cành đã hoá nâu. Nấm bệnh lúc đầu có màu mốc trắng nhưng dần chuyển sang màu trắng hồng, hoặc vàng.  Nấm mọc sâu vào phần gỗ cành. Lá phần trên của cành nhiễm bệnh sẽ vàng và khô nhưng vẫn lưu trên cành một thời gian. Cành khô nâu và chết, lớp vỏ thân cành bị  tách ra từng mảng.

3.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, ở những vườn ca cao quá ẩm và rợp bóng do tán lá dày và mật độ cây trồng cao. Bệnh lây lan theo nước, theo gió và theo các sinh vật mang từ nơi khác đến (như bọ cánh cứng, kiến, mối...).

Nếu điều kiện nắng khô trở lại, bệnh phát triển chậm lại và cây có thể phục hồi nhưng dễ tái phát nếu mưa trở lại khi không có biện pháp phòng trừ kịp thời như vệ sinh đồng ruộng hoặc xử lý thuốc.

3.3. Biện pháp phòng trừ

- Điều chỉnh, rong tỉa cây chắn gió, che bóng hợp lý

- Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh nấm hồng hại ca cao. Có thể tham khảo sử dụng một số thuốc có hoạt chất: Carbendazim+hecxaconazole;  Validamycin; Hexaconazole ; Carbendazim để phòng trừ.

4. Bệnh khô thân (Algal rust)

4.1. Triệu chứng gây hại

- Thân, cành bị nắng chiếu trực tiếp làm tổn thương mô dưới biểu bì. Sự tổn thương càng trầm trọng khi đang nắng gắt cây gặp nước (do mưa hoặc tưới). Mô tổn thương bị tạp nhiễm các loại nấm như Collectotrichum, Fusarium,... và tảo làm thân, cành khô.

- Lớp tế bào dưới biểu bì thân hoặc cành có màu sậm như hiện tượng cháy nắng, sau thời gian bào tử màu vàng cam xuất hiện từ vùng nhiễm bệnh. Lá nhỏ, kém phát  triển có màu nhạt.

4.2.  Điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

Bệnh thường xuất hiện cả mùa khô lẫn mùa mưa, đặc biệt là đối với những cây ca cao thiếu bóng che hoặc bị tỉa quá nặng để ánh sáng chiếu trực tiếp vào thân cành trong thời gian dài. Bệnh phát triển mạnh trong khoảng giao mùa nắng mưa.

4.3. Biện pháp phòng trừ

Áp dụng các biện pháp canh tác như giữ cho thân cành đủ bóng che, thúc phân và tưới nước đầy đủ để lá mới phát triển nhanh che phủ cây, tăng bóng che của cây che bóng. Củng cố hàng cây chắn gió.

Biện pháp hóa học: Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ bệnh khô thân, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Mandipropamid+ Chlorothalonil, Cuprous Oxide để phòng trừ


Có thể bạn quan tâm

Phòng trừ sâu bệnh hại ca cao trong mùa mưa Phòng trừ sâu bệnh hại ca cao trong mùa mưa

Giống như những loại cây trồng khác, ca cao cũng bị nhiều loại sâu bệnh tấn công. Trong đó phổ biến nhất là bọ xít muỗi và bệnh loét thân phát triển mạnh

07/06/2018
Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 1) Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 1)

Tìm hiểu và hướng dẫn kỹ thuât phòng trừ sâu bệnh hại ca cao

13/07/2018
Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 2) Sâu bệnh hại cây ca cao và các biện pháp phòng trừ (Phần 2)

Tìm hiểu và hướng dẫn kỹ thuât phòng trừ sâu bệnh hại ca cao

13/07/2018