Sản xuất tại chỗ giống cá chép V1
Diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Hải Dương không ngừng tăng nhanh, trong đó đối tượng nuôi chính là cá chép và rô phi.
Ước tính diện tích nuôi cá chép khoảng 4.000ha, chiếm 40% diện tích nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính nuôi cá chép với mật độ 1 con/m2 thì nhu cầu hàng năm lên đến 40 triệu con giống.
Kiểm tra cá chép bố mẹ
Năm 2015 - 2016, Cty CP Giống cây trồng Hải Dương đã thực hiện dự án “Tiếp nhận kỹ thuật sản xuất giống cá chép V1 có giá trị kinh tế cao” với sự chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS 1).
Nghiên cứu lai tạo và chọn giống cá chép đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Cá chép V1 là kết quả của chương trình chọn giống và lưu giữ nguồn gen thuỷ sản do GS.TS Trần Mai Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu NTTS 1 chủ trì thực hiện. Sau 15 năm gây tạo và chọn giống đến năm 1998, cá chép V1 đã được Bộ Thuỷ sản công nhận và cho phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.
Cá chép V1 đã tập hợp được những đặc điểm di truyền quý, ưu điểm nổi bật với chất lượng thịt thơm ngon, khả năng chống chịu bệnh tốt của cá chép Việt Nam, khả năng tăng tăng trọng nhanh của cá chép Hungary và trứng ít dính của cá chép Indonesia. Tốc độ tăng trọng của cá chép V1 gấp từ 1,5 - 3 lần so với cá chép trắng Việt Nam trong cùng điều kiện nuôi dưỡng. Cá một năm tuổi có kích cỡ trung bình 1 - 1,5 kg/cá thể. Nếu nuôi thưa khả năng đạt 1,5 - 2 kg/cá thể.
Để tiếp nhận đàn cá bố mẹ, Cty đã chuẩn bị 2 ao nuôi. Ao nuôi cá cái trên diện tích 1.000m2, ao nuôi cá đực 1.500m2. Cty đã thực hiện cải tạo ao theo các bước sau: Tháo cạn nước ao cũ ra khỏi ao bằng hệ thống máy bơm. Diệt sạch cá tạp bằng Saponin nồng độ 20ppm (20kg/1.000m3). Bón vôi với liều dùng 10kg/100m2. Phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày. Cấp nước vào ao nuôi qua túi lọc, mực nước lấy vào khoảng 1,5m. Xử lý nước ao nuôi bằng Iodin 90 với liều dùng 0,5 l/1.000m3. Kiểm tra, điều chỉnh một số chỉ tiêu môi trường đạt tiêu chuẩn trước khi thả cá. pH thấp có thể bó thêm vôi, sục khí, phun nước nâng cao hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi.
Thức ăn được chuẩn bị là thức ăn nhãn hiệu Cargill có độ đạm 30%. Cho ăn trong giai đoạn này chủ yếu nuôi tăng sinh khối để đạt đến kích cỡ cho việc chọn đàn cá bố mẹ hậu bị sau này. Lượng thức ăn cho ăn bằng 3 - 5% trọng lượng thân. Cho ăn 2 lần một ngày. Sáng cho ăn từ 8 - 9 giờ, chiều cho ăn trong khoảng 4 - 5 giờ chiều khi nước bắt đầu mát mẻ.
Dự án đã tiếp nhận 1.732 con cá chép giống hậu bị, kích cỡ tối thiểu 200gram/con gồm 530 con cái và 1.200 con đực do Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc chuyển giao. Mật độ thả 2m2/con đối với cá cái, 1m2/con đối với cá đực.
Đàn cá chép bố mẹ được nuôi vỗ theo quy trình được chuyển giao của Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc. Tỷ lệ chọn lọc đàn bố mẹ đạt 80%. Đến cuối năm 2016 đàn cá bố mẹ còn 1.384 con (đực 986 con, cái 398 con), cá khỏe mạnh, phát triển tốt, trọng lượng đạt trung bình 2.000 - 2.500 gram/con. Cá phát triển tốt, khỏe mạnh, vận động linh hoạt, tiếp tục nuôi vỗ để chuẩn bị sản xuất giống nhân tạo.
Sau 2 năm thực hiện dự án, Cty CP Giống cây trồng Hải Dương đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật sản xuất giống. Từ đàn cá giống bố mẹ, đã sản xuất được 10 triệu cá bột tương đương 3 triệu cá hương, khoảng 1,5 triệu cá giống. Tái sản xuất quần đàn được 3.000 cá giống bố mẹ hậu bị. Việc tiếp nhận thành công giống cá chép V1 góp phần xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung về con giống, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn...
Có thể bạn quan tâm
Đó là một trong những quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Các huyện tăng cường quản lý tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trước việc người dân ồ ạt đào ao, mở rộng diện tích
Nhiều hộ dân đã tận dụng mặt nước ao, hồ, khe, đập để nuôi cá, trong đó có mô hình nuôi cá lồng trên đập Khe Còi cho hiệu quả kinh tế cao.