Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, nâng giá trị nông sản
Với mục tiêu chuyển từ hình thức sản xuất nhỏ, lẻ sang tập trung, nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An quy hoạch vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) ở 5 xã: Lộc Giang, An Ninh Tây, Tân Mỹ, Hòa Khánh Đông và Hòa Khánh Nam với tổng diện tích 285ha.
Nông dân trồng rau ứng dụng công nghệ cao ở Đức Hòa
Mang lại hiệu quả cao hơn
Trên cơ sở quy hoạch, huyện chia lộ trình thực hiện, trong đó, chọn mô hình điểm với diện tích 1ha/điểm và mô hình nhân rộng để thực hiện nhằm đạt diện tích 285ha rau ƯDCNC vào năm 2020. Năm 2017, huyện có 4 mô hình điểm sản xuất rau ƯDCNC ở xã: Tân Mỹ, An Ninh Tây.
Anh Nguyễn Văn Thái, ngụ ấp An Hòa, xã An Ninh Tây, cho biết: “Người dân tham gia mô hình điểm được hỗ trợ phân vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ ƯDCNC vào sản xuất nên năng suất tăng, chi phí đầu tư giảm, thu nhập tăng lên”.
Còn ông Lê Văn Lô, ngụ ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyên trồng rau màu, chủ yếu là dưa leo, khổ qua, đậu ve,... Từ khi ƯDCNC vào sản xuất, năng suất tăng lên, đạt gần 1 tấn/ha, chi phí đầu tư lại giảm. Điều này cho thấy, việc trồng rau ƯDCNC bước đầu mang lại hiệu quả, tạo niềm tin cho nông dân”.
Ông Lâm Thanh Long, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, phấn khởi: “Lúc trước, gia đình tôi trồng rau theo kinh nghiệm và tập quán cũ, chủ yếu sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc. Điều này vừa làm đất nhanh bạc màu, vừa mất nhiều chi phí sản xuất nên lời ít hoặc có khi không có lời. Từ khi được hướng dẫn những kỹ thuật như trồng theo phương pháp thủy canh và bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm,... chi phí đầu tư giảm, nông dân có lãi hơn. Hiện nay, ở Tân Mỹ có Hợp tác xã (HTX) Tân Hiệp bao tiêu rau với giá cao hơn thị trường từ 3.000-8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mỗi ngày, HTX tiêu thụ khoảng 500-600kg nên lượng rau còn lại vẫn phụ thuộc thương lái.
Để giúp nông dân sản xuất rau ƯDCNC đạt hiệu quả hơn, ngoài đầu tư hạ tầng, sản xuất đúng quy trình, nông sản phải có đầu ra và giá cả ổn định. Để làm được điều này, không chỉ người dân trên địa bàn huyện Đức Hòa mà những địa phương quy hoạch vùng sản xuất ƯDCNC cũng cần liên kết với nhau.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả, sản xuất rau ƯDCNC còn nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Than, ngụ ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, thông tin: “ƯDCNC vào sản xuất, nông dân vẫn bán nông sản cho thương lái quen để đưa về các chợ đầu mối tiêu thụ như trước đây. Rau ƯDCNC được thu mua với giá như rau màu trồng truyền thống, trong khi nông dân phải đầu tư, thực hiện đúng quy trình,... Sản xuất nông sản chất lượng cao mà giá cả vẫn “èo uột””.
Theo ông Lê Văn Đẩu - Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất rau ƯDCNC số 2, ấp Rừng Dầu, xã Tân Mỹ, đây là hình thức sản xuất mới, sử dụng hoàn toàn phân vi sinh và thuốc sinh học nên nhiều người còn e ngại, chưa mạnh dạn áp dụng. Đối với tổ số 2 của xã Tân Mỹ, tuy tổ hợp tác có 30 tổ viên nhưng hiện tại chỉ có 3 hộ ƯDCNC”.
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân
Trung bình hàng năm, Đức Hòa có hơn 1.400ha đất trồng rau, trong đó chủ yếu là rau ăn trái. Việc triển khai xây dựng vùng sản xuất rau ƯDCNC trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 gắn với tái cơ cấu nông nghiệp mở ra hướng đi mới cho nông dân ở địa phương. Qua đó, việc sản xuất nhỏ, lẻ sẽ chuyển dần sang sản xuất tập trung, đạt chất lượng và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
ƯDCNC vào việc trồng rau là xu hướng sản xuất tất yếu trong nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, để hiệu quả, ngoài đầu tư hạ tầng và sản xuất đúng quy trình, nông sản ƯDCNC phải có đầu ra ổn định để tránh tình trạng giá thu mua bấp bênh như hiện nay./.
Năm 2018, huyện tiếp tục xây dựng các mô hình điểm với diện tích 6ha và tổ chức nhân rộng 90ha ở các xã: An Ninh Tây, Tân Mỹ, Lộc Giang, Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam. Đặc biệt, huyện chú trọng vận động thành lập HTX ở Tân Mỹ và tổ hợp tác ở các xã: Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Nam, Lộc Giang và An Ninh Tây. Năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 90ha sản xuất rau tập trung và xây dựng 1 mô hình tưới nước tiết kiệm, 1 mô hình nhà lưới, thu mẫu sản phẩm và cảnh báo an toàn sản phẩm. Năm 2020, huyện cố gắng thực hiện thêm 25ha sản xuất rau tập trung để nâng tổng số diện tích vùng rau ƯDCNC đạt 285ha theo quy hoạch./.
Có thể bạn quan tâm
Mỗi tháng bà Nguyễn Thị Nhàn (TP Cần Thơ) xuất bán từ vài trăm đến 1.000 con gà ta lai nòi Bến Tre, lãi hàng chục triệu đồng.
Thành phố Cần Thơ đang xây dựng đề án quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao phục vụ xuất khẩu rộng 700 ha ở huyện Phong Điền
Vườn nho nằm trên tuyến đường tham quan Tháp Chăm - Poklongarai, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách, mỗi năm thu hái gần 25 tấn quả.