Sản xuất chuối sấy khô trong nhà kính
Xuất thân từ một gia đình làm nông, trồng cây ăn trái tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, bạn Nguyễn Thị Ngọc Ân thấu hiểu nỗi khó nhọc, cảnh bấp bênh vì giá cả hàng nông sản không ổn định, thậm chí có lúc không có thương lái đến mua. Nhưng khi học ngành dược, Ân biết rằng, trong trái chuối có rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Vậy là, vừa tốt nghiệp đại học, Ân quyết định khởi nghiệp ngay với các loại chuối sấy.
Cơ sở chuối sấy Trường Ân góp phần giải quyết lao động và tiêu thụ chuối tại địa phương.
“Ý tưởng bắt đầu nhen nhóm từ năm cuối đại học. Là con nhà nông, em muốn làm cái gì đó liên quan đến sản phẩm nông nghiệp. Thời gian này là năm 2018, khi báo chí đưa thông tin sản phẩm nông nghiệp “kêu cứu” rất nhiều. Em muốn làm cái gì đó giúp ích cho bà con. Em bắt đầu có suy nghĩ làm trái cây sấy. Về địa phương, nhìn xung quanh, em phát hiện cây chuối ở địa phương rất thơm ngon, nguồn nguyên liệu dồi dào. Sau khi tìm hiểu, em quyết định làm trái cây sấy và chọn trái chuối để khởi nghiệp”, Ân kể.
Qua nghiên cứu, Ân cho rằng trái chuối có nhiều thành phần dinh dưỡng, như nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng như: vitamin B6, vitamin A, vitamin C, protein, sắt, Kali, Mangan, folate, riboflavin… Mỗi một thành phần dinh dưỡng trong chuối có những tác dụng khác nhau đối với sức khỏe.
Thời điểm này, Ngọc Ân được các chị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, xã giới thiệu để Ân tham gia vào nhóm nữ khởi nghiệp của huyện. Qua đó, Ngọc Ân được hỗ trợ đưa sản phẩm đi trưng bày các hội chợ tại tỉnh, huyện và các hội chợ lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Hội cũng đã hướng dẫn cho Ân hoàn thành các giấy tờ, thủ tục đăng ký sản phẩm đáp ứng điều kiện đưa sản phẩm ra thị trường.
Để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ngọc Ân tìm cách cải thiện quy trình phơi sấy ngoài trời bằng cách phơi sấy trong nhà kính. “Nhiệt độ trong nhà kính khá phù hợp, an toàn với trái chuối, tránh được bụi bẩn, côn trùng. Được biết, bên Thái Lan đã có công nghệ này. Em cùng với gia đình nghiên cứu về tự xây và cải tiến cho phù hợp với khí hậu miền Nam”, Ngọc Ân nói.
Bình quân mỗi tháng, cơ sở góp phần thu mua từ 6 - 10 tấn chuối tại địa phương, trong đó có chuối xiêm (hay còn gọi là chuối sứ) và chuối già, với giá bình quân 5 ngàn đồng/kg. Theo Ân, sau quá trình sản xuất, giá trị tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Bình quân, khoảng 5 - 7kg chuối tươi sẽ cho ra 1kg chuối khô, chuối già khoảng 10 - 12kg cho ra 1kg chuối khô. Cơ sở chuối sấy Trường Ân góp phần giải quyết lao động tại địa phương, thường xuyên khoảng 3 người, lao động theo thời vụ từ 6 - 7 người.
Ngọc Ân cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện ngày càng tốt hơn về mẫu mã, chất lượng, phấn đấu để chuối sấy trở thành sản phẩm OCOP Bến Tre.
Có thể bạn quan tâm
Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 136.517 ha, trong đó, vùng Quốc lộ 1A gồm các huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai nuôi 70.278 ha
Ông Nguyễn Văn Xồi, ở ấp Phụng Đức A, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách đang sở hữu cây mít 49 năm tuổi.
Để cây chanh trồng xen trong vườn dừa mang lại hiệu quả, Hội Nông dân xã đã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân cách chọn giống