Trang chủ / Thống kê / Thống kê nông sản

Sản lượng tiêu Malaysia trong năm nay thấp hơn dự kiến

Sản lượng tiêu Malaysia trong năm nay thấp hơn dự kiến
Tác giả: Thu Hải - VITIC/Reuters
Ngày đăng: 26/10/2020

Theo Thestar, sản lượng tiêu của Malaysia dự kiến sẽ giảm từ 10% đến 20% trong năm nay chủ yếu là do việc bảo quản tiêu ở trang trại kém.

Stanley Liew, Tổng giám đốc của Ủy ban hạt tiêu Malaysia (MPB) dự đoán sản lượng tiêu năm 2020 của nước này sẽ giảm xuống còn khoảng 30 nghìn tấn từ mức 34 nghìn đến 35 nghìn tấn được ghi nhận một năm trước đó.

“Sản lượng thấp hơn là do việc bảo quản tiêu ở trang trại kém. Nếu bạn không bón phân cho cây tiêu của mình, điều này sẽ ảnh hưởng đến năng suất (sản lượng) và quả sẽ không tốt”, ông Liew cho hay.

Nông dân trồng tiêu ở Sarawak, những người đóng góp hơn 95% sản lượng tiêu của Malaysia, hiện đang ở giai đoạn cuối trong quá trình thu hoạch vụ mùa mới của họ.

Theo ông Liew, các hoạt động thu hoạch đã bị trì hoãn trong năm nay do việc thực thi lệnh kiểm soát đi lại (MCO) nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở Malaysia.

Các nông hộ nhỏ được cho là đã giảm lượng phân bón đầu vào cho vườn tiêu của họ do giá tiêu thế giới giảm kéo dài.

Tiêu trắng loại 1 Kuching giảm từ mức cao lịch sử 50 nghìn RM/tấn (hơn 12 nghìn USD/tấn) vào năm 2016 xuống còn 13,5 nghìn RM/tấn (3,2 nghìn USD/tấn) trong năm nay.

Trong khi đó tiêu đen loại 1 giảm xuống còn 7,5 nghìn RM/tấn (1,8 nghìn USD/tấn) từ mức cao nhất mọi thời đại là 30 nghìn RM/tấn (7,2 nghìn USD/tấn).

Tuy nhiên, giá đã phục hồi trở lại 14,7 nghìn RM/tấn (3,5 nghìn USD/tấn) đối với tiêu trắng và 8,25 nghìn RM/tấn (2 nghìn USD/tấn) đối với tiêu đen do nhu cầu ngày càng tăng.

Theo ông Liew, MPB đang trả khoảng 10 RM/kg (2,41 USD/kg) cho cơ sở xuất xưởng để mua hạt tiêu đen loại đặc biệt từ người trồng.

Ông Liew cho rằng giá nội địa phục hồi là do thị trường toàn cầu phục hồi do hoạt động mua tăng sau lệnh MCO.

Để giúp đỡ nông dân trồng tiêu quy mô nhỏ, chính phủ đã phê duyệt gói kích thích hỗ trợ 16,11 triệu RM (3,9 triệu USD) nhằm duy trì trang trại.

Khoản viện trợ được giải ngân thông qua chứng từ để nông dân mua phân bón và nông cụ.

Ông Liew cho biết MPB đang phân phối các phiếu mua hàng trên toàn quốc cho những nông dân đủ điều kiện, những người cùng sở hữu khoảng 5.370 ha vườn tiêu.

Ông cho biết, để thúc đẩy việc trồng mới, MPB cung cấp gói trợ cấp 26 nghìn RM/ha (6,3 nghìn USD/ha) trong hai năm để giúp các hộ nông dân mở rộng trang trại của họ.

Năm ngoái, khoản hỗ trợ này được đưa ra để mở rộng 350ha đất trồng mới, và năm 2020 là 115ha.

“Chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư mạo hiểm trồng tiêu quy mô lớn.

Hiện có hai nhà đầu tư tiềm năng, trong đó có một nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, đang thảo luận nghiêm túc về việc trồng tiêu thương mại với hội đồng quản trị”, ông Liew cho hay.

Ông này cũng cho biết MPB hiện đang soạn thảo các qui định cấp phép và thực thi để điều chỉnh việc nhập khẩu và xuất khẩu hạt tiêu, đồng thời đề xuất các hình phạt dành cho những nhà kinh doanh vi phạm qui định.

Với dự kiến vào đầu năm sau, các qui định mới bắt buộc các công ty phải xin giấy phép và báo cáo khối lượng nhập khẩu hoặc xuất khẩu hạt tiêu và các vấn đề liên quan cho MPB.

Tuần trước, Datuk Amar Douglos Uggah Embas, Thứ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Hiện đại hóa Nông nghiệp, Đất bản địa và Phát triển Khu vực Sarawak tuyên bố rằng có một số thương nhân đã nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam và Indonesia sau đó trộn lẫn với tiêu có nhãn hiệu Sarawak Pepper và bán chúng như tiêu cao cấp để có lợi nhuận cao hơn.

Ông Uggah yêu cầu MPB phải nghiêm ngặt kiểm tra những sai sót như vậy để đảm bảo tiêu Sarawak vẫn là một sản phẩm cao cấp.

Hạt tiêu Sarawak được biết đến với chất lượng cao trên toàn cầu và có giá cao. Có hàng chục nhà xuất khẩu hạt tiêu ở Sarawak.

Ông Liew cho biết có hơn 40 nông dân trồng tiêu ở Sarawak đã tham gia vào các khâu cuối của sản xuất tiêu chẳng hạn như sản xuất bột tiêu cũng như đóng gói tiêu.

Một số sản phẩm giá trị gia tăng này được dành cho thị trường xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Thị trường lúa gạo Châu Á tuần tới 22/10: Giá gạo Việt Nam và Bangladesh tăng Thị trường lúa gạo Châu Á tuần tới 22/10: Giá gạo Việt Nam và Bangladesh tăng

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá tăng lên 485-495 USD/tấn, từ mức 485-490 USD/tấn cách đây một tuần.

24/10/2020
Thị trường dầu cọ thế giới ngày 23/10/2020: Giá có tuần tăng 3% do lo ngại sản lượng Thị trường dầu cọ thế giới ngày 23/10/2020: Giá có tuần tăng 3% do lo ngại sản lượng

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 11 ringgit tương đương 0,4% lên 2.955 ringgit (713,08 USD)/tấn.

24/10/2020
Thị trường lúa gạo trong nước tuần đến ngày 23/10: Giá tăng nhẹ Thị trường lúa gạo trong nước tuần đến ngày 23/10: Giá tăng nhẹ

Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm xuất khẩu trong tuần qua tăng nhẹ. Giá gạo nguyên liệu IR 504 từ 100- 150 đồng/kg lên 9.300-9.350 đồng/kg

24/10/2020