Sắn ế, nhà nông tố nhà máy chơi xấu
Nông dân trồng sắn ở nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế đang rơi vào cảnh điêu đứng vì giá sắn xuống thấp kỷ lục, hàng chục ngàn tấn sắn ứ đọng, trong khi mùa mưa bão đã đến.
Thua lỗ
Năm nay, gia đình ông Hồ Văn Thành (xã Hương Phú, huyện Nam Đông) trồng gần 1ha sắn nguyên liệu. Ông Thành cho biết, vào thời điểm này mọi năm, gia đình ông gần như đã thu hoạch hết sắn để nhập cho nhà máy, còn năm nay chưa thu hoạch được sào nào do giá sắn xuống quá thấp và rất khó tiêu thụ.
Trong ảnh: Phương tiện chở sắn đến nhập cho Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế với giá thấp kỷ lục. Ảnh: A.S
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế cho rằng, giá sắn năm nay xuống rất thấp không phải vì nhà máy ép giá mà do giá các loại nông sản nói chung đều đi xuống. Theo ông Hưng, hiện nay giá các mặt hàng như lúa mì, ngô đều xuống và giá sắn bị tác động bởi giá của hai loại nông sản này. Về việc nông dân muốn nhập sắn phải được nhà máy cấp giấy cung ứng, ông Hưng nói quy định này là để doanh nghiệp điều tiết được lượng thu mua hợp lý.
Theo ông Thành, với gần 1ha sắn, gia đình ông sẽ thu được khoảng hơn 20 tấn sắn củ. Mọi năm 1kg sắn ở huyện Nam Đông được thu mua với giá từ 1.500-2.000 đồng, nhưng năm nay giá sắn rớt thảm hại, 1kg chỉ có giá từ 600-700 đồng. “Với giá thu mua như vậy chúng tôi bị thua lỗ nặng, do ngoài chi phí trồng và chăm sóc, để thu hoạch sắn diện tích lớn phải thuê nhân công. Đã vậy muốn nhập sắn còn phải được nhà máy cấp giấy cung ứng chứ không phải cứ chở sắn đến là nhập được”- ông Thành lo lắng.
Ông Hồ Văn Vinh - Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, vụ sắn năm nay địa phương này trồng hơn 120ha. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã bước vào mùa mưa bão nhưng người dân ở xã mới chỉ thu hoạch được khoảng gần 20ha, số diện tích còn lại chưa thể thu hoạch do sắn được thu mua với giá quá thấp và rất khó tiêu thụ. Theo ông Vinh, giá sắn năm nay chưa bằng 50% mức giá mọi năm nên người trồng sắn không những không có lời mà còn bị thua lỗ.
Tình trạng ở Hương Phú cũng là thực trạng chung tại các xã khác của huyện miền núi Nam Đông. Năm nay toàn huyện này trồng hơn 700ha sắn, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 100ha được thu hoạch. Hàng loạt nông dân ở đây đang khốn khổ vì sắn rớt giá thảm hại và ùn ứ do không dễ để nhập sắn cho nhà máy chế biến. Trong khi đó, mùa mưa bão đang diễn biến biến phức tạp gây nguy cơ sắn bị hư hỏng, giảm chất lượng bột, khiến nông dân thu lỗ nặng hơn.
Sắn rớt giá thảm hại và bí đầu ra cũng đang xảy ra các địa phương khác của tỉnh Thừa Thiên- Huế, nhất là thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền. Tại thị xã Hương Trà đang có 600ha sắn chưa thể tiêu thụ, còn huyện Phong Điền có 650ha sắn bị ùn ứ do nhà máy thu mua nhỏ giọt. Trong khi đó, hiện rất nhiều vùng trồng sắn tại hai địa phương này đang bị ngập úng do đợt mưa lớn vừa qua khiến sắn bị hư hỏng ngày càng nhiều.
Chờ hỗ trợ
Nông dân huyện Phong Điền thu hoạch sắn. Ảnh: I.T
Nhiều năm trở lại đây, toàn bộ sắn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đều do Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế thu mua. Nhiều nông dân trồng sắn ở tỉnh này cho rằng, sở dĩ giá thu mua sắn hiện nay xuống thấp kỷ lục là do Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế đã lợi dụng thời tiết mưa bão để ép giá. “Giá thu mua là do nhà máy đưa ra, biết họ ép giá cũng phải cắn răng chịu vì ở tỉnh chỉ có một nhà máy thu mua sắn, không nhập cho họ thì chúng tôi chẳng thể bán cho ai khác” - một nông dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) bức xúc.
Theo ông Lê Văn Anh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà, cũng như các địa phương khác ở tỉnh, người dân trồng sắn ở thị xã này bán được sắn giá cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào giá thu mua do Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế đưa ra. Ông Anh cho biết, trước tình hình thời tiết không thuận lợi và giá sắn đang xuống thấp kỷ lục, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cho người dân trồng sắn. Về phía Phòng Kinh tế thị xã, ông Anh nói sắp tới cơ quan này sẽ làm việc với Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên - Huế để có phương án thu mua phù hợp cho người dân.
Ông Phạm Tấn Son - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Nam Đông thì cho biết, hiện ngành nông nghiệp huyện đang đang theo dõi sát sao thị trường tiêu thụ sắn để kiến nghị các ngành chức năng có chính sách hỗ trợ người nông dân trồng sắn ở huyện.
Có thể bạn quan tâm
Chị Hoàng Thị Lập cho biết: Kể từ tháng 7 đến nay, gia đình thu hái quả từ 50 cây chanh Tứ mùa bán tại chợ trung tâm xã được trên chục triệu đồng.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững với mục tiêu thay đổi phương thức canh tác, nâng cao chuỗi giá trị cho cây cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Đợt hạn hán vừa qua, tỉnh Gia Lai được Chính phủ hỗ trợ 17,9 tỷ đồng để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khi tiến hành đã nảy sinh nhiều bức xúc